Điểm nhấn: Giai đoạn mới của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

PV 18/04/2020 09:04

Kèm theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ còn có hàng loạt chủ trương, biện pháp rất cụ thể để thực hiện một giai đoạn mới của cuộc chiến đấu với đại dịch trên tinh thần bình tĩnh, tự tin, khẩn trương dập dịch.

Điểm nhấn: Giai đoạn mới của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao biển tượng trưng số tiền 150 tỷ đồng kinh phí đợt 1 cho GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế . (Ảnh: Vũ Mạnh).

Kể từ ngày 1/4, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã thực hiện đợt cách ly xã hội trên toàn quốc kéo dài 15 ngày nhằm phòng chống và ngăn chặn quyết liệt sự lây lan của dịch Covid-19. Chỉ thị 16 còn kèm theo đó hàng loạt chủ trương, biện pháp rất cụ thể để thực hiện một giai đoạn mới của cuộc chiến đấu với đại dịch trên tinh thần bình tĩnh, tự tin, khẩn trương dập dịch.

Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, các giải pháp quyết liệt mà Việt Nam đưa ra để ứng phó cho thấy tính hiệu quả, đảm bảo vẫn kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm ngày cao nhất chưa vượt quá 20 ca và đang có xu hướng giảm, tổng số cho đến nay mới có trên 250 ca nhiễm và hơn một nửa số ca nhiễm đã được chữa khỏi.

Cùng với phòng chống dịch, Chính phủ đang tiến hành nhiều giải pháp về an sinh xã hội đi liền phát triển kinh tế. Thường vụ Quốc hội đã họp phiên đột xuất xem xét đề xuất của Chính phủ về gói hỗ trợ chống dịch với số tiền gần 62 nghìn tỷ, kịp thời hỗ trợ 20 triệu người thuộc sáu nhóm đối tượng đang gặp đời sống khó khăn do dịch bệnh...

Trong một diễn biến khác, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài vẫn tiếp tục ủng hộ phòng chống Covid-19 với những nghĩa cử cao đẹp. Thống kê sơ bộ, số tiền ủng hộ bằng tin nhắn thông qua Cổng Thông tin nhân đạo quốc gia đã đạt trên 129 tỷ đồng, số tiền và hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ trực tiếp thông qua UBTƯ MTTQ Việt Nam đã lên tới trên 770 tỷ đồng.

Trong buổi lễ trao số tiền 150 tỷ đồng phân bổ đợt 1 cho Bộ Y tế, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những sự hy sinh và nỗ lực của ngành y tế, đặc biệt là hình ảnh của những chiến sĩ khoác áo blue trắng, những người không quản ngại khó khăn, sẵn sàng quên mình để chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về virus trong suốt hơn 2 tháng qua…

Cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 mà MTTQ Việt Nam với vai trò là trung tâm của khối đại đoàn kết đã đem lại sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần với một niềm tin tưởng Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.

1. Ngay sau khi xảy ra vụ tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế” – đây là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

2. Mặc dù thực hiện lệnh cách ly xã hội, trong ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4) năm nay, đã có hơn 900 người đến hiến máu, hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và các điểm hiến máu cố định, cao gấp gần 10 lần so với những ngày bình thường. Tuy nhiên, lượng máu dự trữ phục vụ điều trị hiện còn rất ít, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân tiếp tục tham gia hiến máu tình nguyện. Các điểm hiến máu đã có quy trình đảm bảo an toàn cho người dân trong dịch Covid-19.

3. Máy “ATM gạo” đặt tại quận Tân Phú (TP HCM) là khái niệm mới mẻ xuất hiện trong mùa dịch bệnh thể hiện rõ nét truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam. Anh Hoàng Tuấn Anh, chủ của chiếc máy “ATM gạo” đã sáng kiến ra nó để thực hiện việc phát gạo miễn phí cho đồng bào nghèo, chiếc máy hoạt động 24/24 nên người dân không phải chen chúc đến lấy. Ngay sau khi thông tin về chiếc máy “ATM gạo” được lan toả, rất nhiều người hảo tâm khác đã mang gạo đến ủng hộ hoạt động này.

Máy “ATM gạo” chỉ là một trong số những hoạt động nhường cơm sẻ áo đang diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các điểm phát miễn phí lương thực, thực phẩm, các xuất ăn miễn phí hoặc với giá vài ngàn đồng đã diễn ra trong an toàn trật tự trên tinh thần “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”.

4. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, đến nay tất cả 15 doanh nghiệp đã đồng loạt giảm giá xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi từ ngày 1/4. Tuy nhiên, giá thịt lợn trên thị trường vẫn không giảm đáng kể. Lý giải điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng do tổng số lượng lợn thịt xuất chuồng của 15 doanh nghiệp chỉ chiếm 35-40%, còn lại nguồn cung do các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương. Vì thế mới đây Bộ này đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc Tổ chức thực hiện các giải pháp để kiểm soát giá bán lợn thịt.

5. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8 - 11/8, chậm lại gần 2 tháng so với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đề thi tham khảo của các môn thi, bám sát các nội dung dạy học đã được tinh giản. Độ khó của đề thi tham khảo năm nay được đánh giá là nhẹ nhàng hơn so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019.

Điều này thể hiện đúng tinh thần được nêu trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản.

6. “Bình minh” là sản phẩm âm nhạc mới nhất (sáng tác: Quốc Trung – Lưu Hà An, lời: Quốc Trung) được nhạc sĩ Quốc Trung vừa phát trực tuyến trên trang cá nhân. Trong video này, khán giả thấy các nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Lam và nhóm bè mỗi người ở một nhà vẫn có thể cùng biểu diễn tác phẩm “Bình minh”. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, việc sản xuất được hoàn thành từng phần riêng biệt tại nhà của từng người. Ca sĩ Thanh Lam ghi hình và thu âm bằng điện thoại.

Không có một chữ nào nhắc tới đại dịch trong video âm nhạc này, nhưng Bình minh “là hình ảnh tươi sáng, lạc quan nhất khi chúng ta đang trong đêm tối hay những lúc khó khăn. Là người nghệ sĩ, điều tôi và các đồng nghiệp có thể làm tốt nhất và đóng góp cho đời sống chính là nghệ thuật, là âm nhạc” – Quốc Trung tâm sự. Sản phẩm âm nhạc này đã lan toả một tinh thần lạc quan vào những ngày cả thế giới đang chống dịch.

7. Giải thưởng Pulitzer năm 2020 sẽ được công bố muộn hơn 2 tuần so với dự kiến, trong bối cảnh các nhà báo trong hội đồng trao giải đang phải tập trung vào việc đưa tin về đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là thông báo của Ban tổ chức Giải thưởng Pulitzer 2020, theo đó giải thưởng danh giá cho các lĩnh vực báo chí, kịch, văn học và âm nhạc này sẽ được trao vào ngày 4/5 thay vì ngày 20/4 như kế hoạch trước đó. Thông báo cho rằng: “Hội đồng Pulitzer bao gồm nhiều nhà báo uy tín đang làm việc ở tuyến đầu trong việc cung cấp thông tin cho công chúng về đại dịch Covid-19. Khi họ tập trung vào nhiệm vụ quan trọng này, việc hoãn trao giải thưởng sẽ giúp có thêm thời gian để đánh giá kỹ lưỡng danh sách ứng cử viên cho giải Pulitzer năm 2020”.

Được xem là giải thưởng thường niên danh giá nhất về báo chí và văn học Mỹ, đã tồn tại từ hơn một thế kỷ nay, Giải thưởng Pulitzer ra đời theo di chúc năm 1904 của “ông trùm” báo chí Joseph Pulitzer – người được biết đến là một trong những biểu tượng của giới báo chí Mỹ vào cuối thế kỷ 19.

PV