Đoàn kết một lòng
Hơn 3 tháng qua, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước cùng toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc chiến chống dịch. Theo sát diễn biến dịch bệnh, Việt Nam đã có những đối sách phù hợp cho từng giai đoạn, kết quả bước đầu đã được ghi nhận. Giai đoạn 1 chống dịch cho tới ngày 6/3 đã qua. Giai đoạn 2 bắt đầu từ 6/3 khi phát hiện ca nhiễm thứ 17. Và cho tới nay, đất nước bước vào giai đoạn 3- giai đoạn then chốt nhất, căng thẳng nhất trong cuộc chiến dập dịch.
Không đi được xe đạp, cụ Thái (87 tuổi, thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đi bộ xách theo 5 kg gạo cùng túi rau đến tận điểm cách ly tập trung tại Trường Mầm non xã Thạch Đài để ủng hộ bà con đang chống dịch.
Trong giai đoạn then chốt này, ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, bảo đảm chiến thắng đại dịch.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chính là lời hiệu triệu đối với 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước đoàn kết nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này.
“Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa.
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vào thời điểm cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” ở vào giai đoạn cực kỳ căng thẳng, quyết liệt đã thổi bùng ý thức công dân, nghĩa đồng bào trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Dịch bệnh không từ một ai, vì thế trách nhiệm và nghĩa vụ cũng không chỉ ở một người nào mà là của toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân.
Ngay sau khi có Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Trước đó, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg cùng với những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để chống dịch.
Em Lê Minh Tuệ, lớp 2H, Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc (Hà Nội) được mẹ đưa đến cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm 467 nghìn đồng mà em dành dụm được từ ngày học mẫu giáo.
Với những động thái quyết liệt từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, toàn dân ta từ người già cho tới em bé đều nhất tề vào cuộc chiến chống dịch Covid-19. Thật cảm động biết bao trước việc các cụ già đầu bạc răng long vẫn nhờ con cháu chở lên ủy ban xã đóng góp những đồng tiền chắt chiu được để ủng hộ cuộc chiến đấu chống dịch. Các cụ đã không còn lo cho đoạn đường cuối cùng của đời mình, không còn nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến mọi người. Những em bé “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng đã gom tiền được mừng tuổi, tiền cha mẹ cho ăn sáng để đóng góp vào việc nghĩa. Cùng đó là biết bao cơ quan, đơn vị, biết bao doanh nghiệp dù đang rất khó khăn cũng sẻ chia trong ý nghĩa đồng bào. Gói hỗ trợ người nghèo gần 62 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ quyết định càng cho thấy trong cuộc chiến gian nan này tất cả cùng chung số phận, vận nước cũng là việc nhà, việc của mỗi người. “Rằng trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, thì đây chính lúc khó khăn hoạn nạn đã ngời ngời một tinh thần yêu nước. Yêu dân, đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi cũng chính là yêu nước.
Kể từ ngày 1/4, khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, càng thấy rõ sự gắn bó keo sơn giữa Đảng, Nhà nước với toàn dân. Đảng, Nhà nước vì dân. Dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước. Điều đó tạo nên sức mạnh vô địch trong cuộc chiến chống đại dịch ngày hôm nay. Lấy đại nghĩa để chống đại dịch.
Trong suốt những ngày qua, hôm nào Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 cũng họp. Tại những cuộc họp đó, thông tin về dịch bệnh luôn công khai, minh bạch; đồng thời những chỉ đạo nóng cũng được đưa ra, để thống nhất nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân. Chiều ngày 6/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những ngày qua, chúng ta có ít ca nhiễm mới hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực. Thủ tướng cũng biểu dương việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chuyển động xã hội vừa qua rất lớn, có thể nói là thay đổi cả nếp sống để ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu vì dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch. Chiến lược phòng chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị; hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong.
Chung sức đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước chống đại dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vào cuộc rất sớm. Hơn 100.000 khu dân cư cũng chính là hơn 100.000 pháo đài dập dịch. Mỗi cán bộ Mặt trận từ Trung ương xuống tới cơ sở đều là chiến sĩ trên chiến trường chống dịch.
Ngày 17/3, tại Lễ Phát động Toàn dân phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đọc Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Lời kêu gọi có đoạn: “Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, những ngày qua nhiều tổ chức, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, nhiều cá nhân và đồng bào ta ở nước ngoài đã mở lòng đóng góp cho cuộc chiến chống dịch. Đóng góp dù lớn dù nhỏ cũng đều được ghi nhận, vì đó chính là nghĩa cử đồng bào, là ý thức công dân, là đạo lý truyền thống của dân tộc ta được thổi bùng lên trong những ngày gian khó...
Những ngày này, hai tiếng “đồng bào”, hai tiếng “đồng lòng” sao mà tha thiết!