Người nghèo đô thị có thể lọt qua 'tấm lưới an sinh'

Phương Hà 20/04/2020 16:43

Hàng tháng nay kể từ khi virus corona “đặt chân” đến Hà Nội, trên Facebook bạn tôi, một giáo viên “thất nghiệp” mùa Covid-19 mỗi ngày đều đặn đăng tải chia sẻ thực đơn các bữa cơm gia đình để “ứng phó” với tình trạng không có thu nhập từ việc dạy học.

Người nghèo đô thị có thể lọt qua 'tấm lưới an sinh'

Những lao động phi chính thức khó để được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội.

Bạn tôi kể: Vẫn duy trì dạy online cho các con nhưng không thu phí dù vẫn bỏ tiền mua zoom chỉ với mong muốn các con không quên kiến thức để sau khi hết dịch có thể bắt nhịp ngay. Chính vì vậy mọi chi tiêu và sinh hoạt cho gia đình được cô ấy tính toán rất căn cơ để làm sao cho hợp lý từ việc mỗi ngày lấy ra một khoản từ tiền tiết kiệm nhiều tháng trước.

Những bữa ăn 50.000đ dành cho 3 người trong gia đình, bữa ăn 80.000đ, bữa ăn 100.000đ cho 4 người được tính toán kỹ lưỡng, vì lo sợ dịch kéo không biết đến bao giờ.

Một người bạn khác vừa quyết định nghỉ việc ngay sát Tết để chờ tìm việc mới gặp ngay đợt Covid-19 này nên mọi kế hoạch lại tiêu tan. Anh than vãn rằng hôm nay vào siêu thị mua thực phẩm và khi nhìn thấy hóa đơn hết 700.000đ, thì có phần “sững sờ” vì không nghĩ chi tiêu cho thực phẩm lại đắt như vậy. Nghĩ đến những ngày trước mắt khi chưa thể tìm được việc làm do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cậu ấy kể: Chưa bao giờ thấy lo lắng thực sự như vậy vì những thứ vượt ngoài tầm kiểm soát, và rằng trước khi có đại dịch Covid-19 xảy ra cậu ấy chưa bao giờ phải lo nghĩ quá nhiều về hóa đơn tiền chợ.

Hai người bạn trên của tôi, dù sao cũng vẫn may mắn vì họ thực ra vẫn nằm trong con số thống kê 75% gia đình có tiền tiền kiệm mà TS Nguyễn Việt Cường, một chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về kinh tế vi mô, hiện giảng dạy và nghiên cứu ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đã tính toán dựa trên dữ liệu hộ gia đình từ khảo sát “Mức sống dân cư năm 2016” do Tổng cục Thống kê thực hiện.

Trong đại dịch Covid-19, TS Cường đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Trung bình một hộ gia đình nếu không có thu nhập do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ cầm cự được bao lâu, đặc biệt là sau khi có yêu cầu của Thủ tướng “cách ly xã hội” trong 15 ngày.

Kết quả, theo TS Cường: “Những hộ nếu không có thu nhập, đồng thời không có tiền tiết kiệm hay trợ giúp của Chính phủ, thì họ sẽ phải đi vay hoặc bán bớt tài sản để chi tiêu. Một số hộ nông nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất và có thu nhập. Các hộ nghèo đô thị có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ không dựa được vào nông nghiệp hay hoạt động tự sản xuất khác”.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã đồng ý với dự thảo Nghị quyết gói 61.580 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19 bên cạnh nhiều chính sách giãn thuế. Theo đó, các đối tượng sẽ được chi hỗ trợ một lần trong 3 tháng để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Ông giao các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Nghị định, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc xem xét sử dụng tiền ngân sách. Về nguồn, gói 61.500 tỷ đồng sẽ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó ngân sách Trung ương lấy từ nguồn tăng thu năm 2019, nguồn dự phòng ngân sách năm 2020.

Người nghèo đô thị có thể lọt qua 'tấm lưới an sinh' - 1

"Nếu khó khăn hãy lấy một phần.Nếu bạn ổn xin nhường người khác” thực sự là một hành động ấm áp nghĩa tình.

Ngày 6/4, Chính phủ đã có văn bản xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến trong tuần này gói hỗ trợ này sẽ được thông qua để triển khai đến đúng đối tượng.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: “Hiện tại, rất nhiều người lao động đang mất việc làm, cuộc sống như treo trên sợi chỉ vậy, rất cần các chính sách hỗ trợ thiết thực trong thời điểm này”.

“Trong lúc này mỗi người dân, người lao động cần có sự hỗ trợ của Chính phủ một khoản tiền để họ có thể duy trì cuộc sống đặc biệt với những người bị mất công ăn việc làm, hộ kinh doanh không thể bán hàng được. Vấn đề sống còn của người dân là quan trọng vì vậy sự trợ cấp trực tiếp cho người dân lúc này có thể coi như cái phao cứu sinh để người dân để họ duy trì cuộc sống vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các nước trên thế giới họ cũng làm vậy, hình thành những gói cứu trợ nền kinh tế, gói hỗ trợ người lao động mất việc làm để phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh”, ông Hiếu nói.

Tính đến thời điểm này, các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân và doanh nghiệp dự kiến lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, một số đã được triển khai như: Miễn, giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng; Hạ lãi suất cho vay từ 0,5-2,5%; Gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ đồng; Gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng. Hiện còn các gói hộ trợ khác gồm: Gói 61.580 tỷ đồng cho người yếu thế, doanh nghiệp khó khăn trong ba tháng 4,5,6; Gói 180.000 tỷ đồng nhằm giãn, hoãn tiền thuế, thuê đất; Gói hỗ trợ doanh nghiệp được vay không lãi trả lương nhân viên; Giảm giá điện thì vẫn đang trong quá trình triển khai, chưa được thực hiện.

Đa số nhân dân đồng lòng thực hiện cách ly xã hội để chống dịch. Tuy nhiên, điều kéo theo không tránh khỏi là hàng loạt những ngành nghề chính thức và phi chính thức đều bị ảnh hưởng. Trong số ấy, bị “đánh gục” ngay tại chỗ chính là những người nghèo trong khu vực phi chính thức, họ bị mất việc làm, thậm chí nhiều người không biết nương tựa vào đâu. Tỷ lệ lao động giản đơn vẫn đang chiếm phần không nhỏ trong thị trường lao động tại Việt Nam. Đây rõ ràng là những người bị tác động lớn nhất, trực tiếp nhất trong đại dịch này. Rất nhiều trong số họ không hợp đồng lao động, không bảo hiểm và rất có thể lọt qua tấm lưới an sinh. Rất nhiều trong số những người lao động ấy đang thuê nhà ở thành phố và không phải ai cũng có thể về quê nương nhờ vào bệ đỡ nông nghiệp được.

Phong trào chung tay đẩy lùi Covid-19 được triển khai ở nhiều tình thành trên cả nước với khẩu hiệu: “Nếu khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường người khác” thực sự là một hành động ấm áp nghĩa tình. Nhưng ngay cả việc ấy cũng chỉ giúp cho người nghèo qua cơn đói, để họ có thể gượng dậy sau đại dịch cần nhất là gói hỗ trợ của Chính phủ phải với được tới họ.

Phương Hà