Chuyện ít biết về Trần Đăng

Ngô Vĩnh Bình 18/04/2020 18:52

Nhà văn Trần Đăng - tác giả của “Một lần tới Thủ đô” đã ngã xuống trên chiến trường rất sớm, khi ông mới 28 tuổi. Tác phẩm ông để lại không nhiều, nhưng toát lên một bản lĩnh một ngòi bút, một nhân cách, một tấm lòng với kháng chiến, với dân tộc đúng như nhà văn Nguyễn Đình Thi viết: “Đời Trần Đăng đã là một tác phẩm và bài học đẹp nhất”!

Chuyện ít biết về Trần Đăng

Người văn nghệ binh thứ nhất đã đổ máu ở chiến trường

Cuối năm 1984, trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi được anh Ngô Thảo (lúc bấy giờ còn là đại úy, Trưởng ban Lý luận phê bình Tạp chí Văn nghệ Quân đội) trao nhiệm vụ đi tìm tư liệu về các nhà văn - liệt sĩ của quân đội để làm một loạt bài về chân dung văn nghệ sĩ trên tạp chí chúng tôi. Nguồn tài liệu về các nhà văn đi tiên phong trong văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng như Trần Đăng, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Mai Ninh, Hoàng Lộc... quả thật rất ít ỏi. Và nếu như tôi đã gặp may mắn khi lần tìm được nhiều bạn bè và người thân trong gia đình của thi sĩ Hoàng Lộc - tác giả bài thơ bất hủ “Viếng bạn” thì với trường hợp Trần Đăng, tác giả “Một lần tới Thủ đô” tôi đã gặp không mấy thuận lợi. Được biết ông quê ở xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) tôi đã lần về.

Về Tây Tựu, tôi đi tìm ngôi nhà xưa của tác giả "Một lần tới Thủ đô". Được biết, Trần Đăng ít sống ở quê, từ nhỏ đã theo thân phụ ra Hà Nội học ở trường Trung học tư thục Văn Lang, trường Thăng Long; vừa kiếm sống bằng cách phụ việc trong Thư viện Đại học Đông Dương (Đại học Tổng hợp - 19 Lê Thánh Tông hiện nay), nhưng tôi vẫn muốn, vẫn hy vọng tìm ra được một tư liệu nào đó về ông ở quê bởi tôi biết dường như ông còn một người em là đại tá Đặng Trần Bái đang sống ở đây. Vòng vo đi lại nhiều lần, mới hay đại tá còn đang tại ngũ. Ông chưa đến tuổi để "vui thú điền viên" nơi quê nhà... Thế là, lần về quê Trần Đăng năm ấy tôi không thu được mấy tí “thông tin" nào cụ thể về ông.

Giữa lúc tôi còn đang lo "cháy bài" thì tình cờ trong một lần đến Thư viện Quân đội tôi đã gặp may. Ở đó, trong phòng đọc dành cho những "đối tượng hẹp", giở tờ Vệ quốc quân số xuân 1950 tôi đã được đọc toàn văn Cáo phó của bản báo về cái chết của Trần Đăng như sau:

"Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:
Anh
Trần Đăng
Phóng viên mặt trận Báo Vệ quốc quân.
Đã hy sinh trong một trường hợp đặc biệt
Trên mặt trận biên giới ngày 26 tháng 12 năm 1949.
Toàn thể Tòa báo xin thành thực chia buồn cùng tang quyến.

Anh Trần Đăng, tức Đặng Trần Thi, năm nay 28 tuổi trước là sinh viên Luật Khoa Đại học, từ sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám thì tham gia công tác chính quyền ở Bộ Nội vụ và Bộ Tổng chỉ huy, đến tháng 4 năm 1948 mới về hẳn Tòa soạn Vệ quốc quân. Anh đã hoạt động nhiều trong địa hạt văn nghệ kháng chiến với những sáng tác tuy chưa lớn lao, song đã chứng tỏ một giá trị đáng kể và một triển vọng đầy tốt đẹp.

Về nhiệm vụ một phóng viên mặt trận anh rất tận tụy và say mê với tinh thần thanh niên cách mạng. Anh đã dự các chiến dịch Đường số 4, sông Thao, có mặt trong những trận đánh ác liệt và không hề quản ngại gian khổ, nguy hiểm. Thu đông vừa qua, anh công tác trên mặt trận biên giới, ở hàng tháng trong địch hậu đã một lần bị giặc phục kích, song vết thương không nặng. Khi vừa khỏi, anh lại hăm hở lến đường. Và lần này thì anh đã nhận lấy cái chết vinh dự.

Anh Trần Đăng là người văn nghệ binh thứ nhất đã đổ máu ở chiến trường.

Cây bút Trần Đăng đương đà sắc mạnh, đương hứa hẹn rất nhiều triển vọng ở ngoài nhân dân cũng như trong quân đội.
Sự thương tiếc anh thật lớn. Nó chan chứa trên tấm gương anh dũng trong trường hợp anh đã hy sinh".

Nghe mách nhà văn Từ Bích Hoàng - nguyên Phó Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội, tham gia quân đội ngay khi tiếng súng kháng chiến chống Pháp vừa nổ, từng nhiều năm là phóng viên mặt trận của báo Vệ quốc quân (báo Quân đội nhân dân) đã từng cùng công tác với nhà văn Trần Đăng, tôi đến thăm nhà văn Từ Bích Hoàng tại nhà riêng. Tôi thưa với ông rằng tôi muốn tìm hiểu về Trần Đăng. Ông tỏ ra rất hài lòng nhưng ông chỉ nói đại ý, ông có một thời cùng công tác với Trần Đăng trong tòa soạn báo Vệ quốc quân, đó là vào quãng mùa xuân năm 1948 tiếp sang nửa năm 1949. Nhưng nếu muốn biết thêm về con người này hãy đến phố Trịnh Hoài Đức gặp anh Đặng Trần Quỳnh, một đại tá công tác Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc.

Tôi lại đến phố Trịnh Hoài Đức gõ cửa căn phòng nằm đối diện với cửa vào sân vận động Hàng Đẫy. Ở đây tôi đã gặp anh Đặng Trần Quỳnh tên thường gọi là Đặng Trần Sơn, người em trai kế sau Trần Đăng. Qua câu chuyện của anh Sơn tôi được biết thêm về tuổi trẻ của anh thanh niên Đặng Trần Thi. Đó là một chàng trai Hà Nội có học thức, rất yêu văn học, ham thể thao, thích chụp ảnh và luôn sống hết mình, yêu hết mình. Anh Sơn còn nhớ như in những lần người anh của mình phải bán cả chiếc đồng hồ để bàn đi để lấy tiền mua thơ của các nhà thơ cổ điển Pháp, thơ của các nhà thơ mới Việt Nam. Đặng Trần Thi cũng là người chụp ảnh khá thành thạo. Ảnh của anh vừa sắc vừa mộng mơ. Không chỉ là một con người lãng mạn, anh còn là một con người rất thực tế. Anh nói anh rất thích thể thao, văn học nhưng anh muốn theo học ngành Luật vì nghĩ chỉ có Luật mới có thể góp phần đẩy nhanh quá trình văn minh hóa dân tộc, quốc gia. Và anh đã toại nguyện, trước khi đầu quân Đặng Trần Thi đã là một sinh viên Luật khoa. Với bạn bè, Đặng Trần Thi cũng luôn luôn sống chân thành, tình cảm. Cả trường Thăng Long hồi ấy, ai mà không biết nhóm 4 T của Đặng Trần Thi. Ấy là một nhóm thanh niên thích đua xe đạp, đá bóng, chụp ảnh và cùng chung một chí hướng, phấn đấu cho tương lai của dân tộc, cho nước Việt Nam mới bằng đóng góp tri thức và sức lực của mình. Biết bao nhiêu nữ sinh Hà Nội, biết bao nhiêu con nhà khuê các đất Hà thành mê mệt các anh. Nhưng rất lạ là Thi đã không "chấm" cô nào. Anh say đắm có mỗi một người con gái, đó lại là ni cô. Thi sống mãnh liệt, yêu cũng mãnh liệt đến nỗi ni cô trẻ này phải rũ áo hoàn lương để yêu anh. Nhưng rất tiếc là mối tình đầu ấy của anh đã không thành. Chiến tranh bùng nổ, Đặng Trần Thi đầu quân, cô gái nọ cũng lạc phương trời nào không rõ...

Cũng vào dịp ghé thăm gia đình người em trai Trần Đăng năm ấy chúng tôi cũng được biết thêm rằng cả gia đình ông đều tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu. Ba anh em trai đều đầu quân, cụ thân sinh ra Trần Đăng cũng lên chiến khu. Và kẻ thù đã cướp đi những người thân yêu nhất dường như cùng một thời gian. Phần mộ của cụ thân sinh Trần Đăng và cả của ông nữa đến năm đó gia đình vẫn chưa tìm ra được. Trần Đăng hy sinh chẳng để lại thứ gì ngoài một vài bài báo và những kỷ niệm được lưu giữ trong ký ức người thân và bè bạn. Cả gia đình anh vì bị cuốn vào cuộc chiến ba mươi năm vẫn áy náy, băn khoăn về điều này... Và một lần rất vui là đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, nhân có một việc đến tìm nhà thơ Chính Hữu, bạn cũ cùng sư đoàn của Trần Đăng, tình cờ được nhà thơ cho phép xem album ảnh tôi đã thấy được ảnh Trần Đăng. Trong ảnh, ông mặc áo trấn thủ, khoác áo nhà binh kiểu Pháp, nét mặt cương nghị, đôi mắt sáng nhưng lại chứa đựng vẻ mộng mơ, suy tư đứng cạnh một thân cây gân guốc, vỏ cây rạn nứt tạo thành nhưng hình khối đầy ấn tượng. Nhà thơ Chính Hữu đã vui lòng cho tôi “mượn” tài liệu quý này. Đây là tấm hình đầu tiên tìm thấy được sau hơn ba mươi năm nhà văn hy sinh. Tấm hình ấy đã được công bố trong cuốn sách "Nhà văn hiện đại Việt Nam" của Hội Nhà văn và sau này được treo trang trọng tại nhà người thân Trần Đăng và ở phòng truyền thống của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm tháng qua đi, công việc mà chúng tôi được giao là tìm lại những kỷ niệm, tư liệu và hồi ức về các nhà văn quân đội; đặc biệt là những nhà văn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vẫn được tiến hành đều đặn. Nhưng với việc này đâu chỉ cố gắng sức mà được, vẫn chỉ là chuyện tình cờ, ăn may...

Một năm, nhân chuyến đi công tác vùng biên giới, tôi đã gặp may thêm một lần. Ấy là lúc đến chào Bộ Tư lệnh Quân khu I. Trong câu chuyện thân tình với cánh nhà văn - quân nhân chúng tôi, Trung tướng Hùng Phong đã kể nhiều kỷ niệm về các nhà văn đi cùng bộ đội chiến đấu ở Việt Bắc hồi chín năm, trong đó có những kỷ niệm về tác giả “Trận Phố Ràng". Theo hồi ức của Trung tướng, thì Trần Đăng là một người lính một trăm phần trăm cả về tác phong, trang phục lẫn hành động. Ông luôn luôn có mặt ở những chiến dịch lớn, trong đội hình của các đơn vị tiên phong. Ông không nề hà bất cứ một công việc gì ở đơn vị: hành quân bộ, đào hầm hố, viết bích báo, kiếm củi, cõng gạo thậm chí làm cả công việc binh vận, phiên dịch và nếu cần thì ôm súng chiến đấu với địch như một chiến đấu viên... Những trang viết ông gửi từ mặt trận về hậu cứ thường được viết trên những chặng đường hành quân, sau một trận đánh. Những mẩu ký ức của người lính cùng thời với Trần Đăng ấy sau này đã được chúng tôi kết hợp với những câu chuyện về Trần Đăng của người thân và bè bạn làm thành bài báo "Trần Đăng hình dung qua những ký ức” in trên báo Văn nghệ số 35 ngày 1/9/1990.

Sau khi bài báo được in ra ít ngày, tòa soạn báo nhận được một hồi ức khá đầy đủ về "những giờ phút cuối cùng của Trần Đăng" của đại tá Lê Trần Quang từ Hải Phòng gửi lên. Đại tá Lê Trần Quang là người có mặt trong trận chiến đấu sáng 26/12/1949 - trận Trần Đăng hy sinh. Tác giả bài báo còn cho biết khá cụ thể về nơi mà đồng đội đã chôn cất nhà văn. Như vậy là những băn khoăn của đồng đội, người thân và những người làm công tác nghiên cứu về Trần Đăng mấy mươi năm sau đã được mở hướng giải tỏa. Công việc đi tìm người thân, đồng đội, đồng nghiệp - đi tìm phần mộ "người văn nghệ binh" đầu tiên ngã xuống trên chiến trường được bắt đầu triển khai thuận lợi. Hình dung về tác giả “Một lần tới Thủ đô” cứ ngày lại ngày thêm một đầy đủ, thêm một rõ ràng.

Chuyện ít biết về Trần Đăng - 1

Trần Đăng qua nét vẽ của họa sĩ Dương Bích Liên (1949),

Đưa tác giả "Một lần tới Thủ đô" về với Thủ đô

Sau khi báo Văn nghệ (phụ san tháng 11/1990) in bài hồi ức "Những giờ phút cuối cùng của Trần Đăng" của đại tá Lê Trần Quang, rất nhiều nhà văn, bạn bè, đồng chí đồng đội, người thân đã viết thư về tòa soạn, viết thư đến các cơ quan, đơn vị cũ - nơi sinh thời nhà văn công tác, chiến đấu để tỏ tấm lòng cảm kích, thương mến đối với nhà văn, cung cấp thêm nhiều tư liệu về đời sống về văn nghiệp của ông và sau cùng là muốn biết cụ thể về nơi an nghỉ cuối cùng của nhà văn - chiến sĩ, "người văn nghệ binh đầu tiên ngã xuống trên chiến trường".

Bộ Tư lệnh Quân khu I mà trực tiếp là đồng chí Trung tướng Hùng Phong, Phó Tư lệnh chính trị đã lệnh cho các cơ quan quân sự tỉnh Lạng Sơn và huyện Văn Lãng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm mộ của nhà văn Trần Đăng và người bạn chiến đấu cùng hy sinh một lần với nhà văn là chính trị viên tiểu đoàn Bùi Thịnh. Ngày 21/2/1991, trung tá Hoàng Tín - huyện đội trưởng Văn Lãng và đại úy Vy Quang Nam - trợ lý chính sách của huyện đội đã tìm ra phần mộ hai liệt sĩ nhờ sự giúp đỡ của bà con dân tộc các bản Nà Lầu, Nà Ngườm mà trực tiếp là cụ Hoàng Văn Đức và đồng chí Hoàng Văn Hoàng.

Tin vui này bay về Hà Nội và đến với gia đình các liệt sĩ Trần Đăng, Bùi Thịnh. Và tôi có may mắn được ngược đường lên xứ Lạng cùng các anh Đặng Trần Sơn (em ruột Trần Đăng - một sĩ quan cao cấp công tác tại Học viện Quân sự cao cấp), Hoàng Châu (thân nhân liệt sĩ Bùi Thịnh) và một số đồng chí khác đi tìm và viếng mộ các ông. Nhiều nhân chứng của một thời xa, vào cái thời "chặt giọng kìm đường số 4” mở thông vành đai biên giới với những chiến thắng vang dội Bông Lau, Lũng Phầy, Lũng Vài, Nà Han, Đông Khê, Thất Khê... đã kể cho chúng tôi nghe nhiều đoạn hồi tưởng vô cùng lý thú trong đó những dòng bi tráng về Trần Đăng, Bùi Thịnh và đồng đội của các ông.

Cụ Hoàng Văn Đức, nguyên xã đội trưởng, nguyên bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh, là người đã chứng kiến lễ truy điệu và an táng các đồng chí Trần Đăng và Bùi Thịnh chiều ngày 27/12/1949 ở địa bàn bản Nà Lầu cách mốc 15 của đường biên giới Việt - Trung không xa. Mộ Trần Đăng và Bùi Thịnh đặt trên sườn núi Kéo Lệnh, chân núi là đường liên xã, ô tô có thể đi đến được và cạnh đấy là trường phổ thông cơ sở Tân Thanh. Đối diện với núi Kéo Lệnh là núi Pa Đóm cao ngất, xa hơn chếch về hướng đông bắc là đồn cũ Nà Han. Đây là phần mộ được bốc từ bản Nà Lầu, cách chừng 2.000 mét về phía đường biên từ năm 1960. Bia mộ của Trần Đăng và Bùi Thịnh cũng được di từ nơi chôn cất cũ về và đặt đúng vị trí (cụ Hoàng Văn Đức người tham gia việc chuyển mộ kể lại). Đó là hai tấm bia được làm bằng hai viên gạch chỉ cỡ to (dưới xuôi gọi là gạch vồ). Bia đã mòn đi, mọc rêu lên nhưng nét chữ thì vẫn còn nguyên vẹn. Đó là những nét khắc vụng về, vội vã dường như là nó được khắc trổ bằng lưỡi lê hoặc dao găm thì phải. Tuy vậy, có thể đọc một cách thật dễ dàng. Đại úy Vy Quang Nam kể hôm đến đây vạch cỏ, phát cây mới thấy chữ Trần đã vui muốn khóc. Cụ Hoàng Văn Đức thì bảo cụ và anh Hoảng xã đội biết rõ các mộ này. Ngày 27/7, ngày thanh minh bà con vẫn đến đây tảo mộ, thắp nhang. Chỉ tiếc là không viết thư được cho đài, cho báo, nhắn cho gia đình các liệt sĩ ở dưới xuôi, chỉ tiếc không biết được người nằm ở mộ thứ ba (cạnh mộ Trần Đăng) là ai chỉ biết đó cũng là một bộ đội, cũng có bia nhưng vô danh...

Vậy là bắt đầu từ hai bài báo in trên tờ Văn nghệ, sau 42 năm phần mộ của nhà văn Trần Đăng tác giả của những thiên phóng sự và bút ký chiến tranh nổi tiếng như "Trận Phố Ràng", "Một cuộc chuẩn bị", "Một lần tới Thủ đô"... và các bạn chiến đấu của ông tưởng như "mất tích" đã được tìm lại. Như là một điều linh diệu, phần mộ của nhà văn - chiến sĩ Trần Đăng được tìm thấy đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông.

Trần Đăng – Trẻ mãi tuổi hai mươi

Trần Đăng là "người văn nghệ binh thứ nhất ngã xuống trên chiến trường"; đồng thời cũng là phóng viên đầu tiên của báo Quân đội nhân dân hy sinh trong chiến đấu. Nói về cuộc đời 28 tuổi, nói về quãng đời vừa cầm súng vừa cầm bút vẻn vẹn có chưa trọn 5 năm của ông, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết: “Đời Trần Đăng đã là tác phẩm và là bài học đẹp nhất”, còn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trên báo Vệ quốc quân số xuân 1950 trong bài "Những bạn văn trẻ" thì nói “cái ngòi bút vừa lạnh vừa nồng nàn, vừa âm vang tiếng sắt thép mà đầm ấm tinh thần người vệ quốc quân hiên ngang, chân chỉ, thực bộ đội, rất chính quy, tôi chưa được đọc ai như thế. Đăng tài nhận người, xét đoán việc với một cách nhìn thoáng đã chụp thành kiểu, gọn sắc. Đăng làm việc nhiều, sống mãnh liệt. Đăng là một thanh niên cộng sản. Các bút ký của Đăng cũng khỏe như cái chân đi của Đăng". Ông hy sinh cách đây đã hơn 70 mùa xuân, trong ký ức người thân và bè bạn, đồng nghiệp và đồng đội hình anh ông vẫn không một chút mờ phai. Hơn bảy mươi năm, kể từ ngày ông từ giã cây súng và ngọn bút, tác phẩm của ông vẫn được chọn in trong các tuyển văn trên vị trí những tác phẩm đứng ở đầu nguồn dòng văn học viết về đề tài chiến tranh và người lính cách mạng, đời chiến đấu, đời cầm bút và gương hy sinh của ông vẫn được xem như một mẫu mực, một tiêu biểu cho lực lượng cầm bút mặc áo lính.

Có một lần vào dịp tưởng niệm Trần Đăng, chúng tôi được anh Từ Ngọc Bình đồng tác giả bộ phim về Trần Đăng (cùng Ngô Thảo, Lê Lực) cho biết kỷ niệm về ông còn rất nhiều trong bè bạn, trong đó có bức tranh của họa sĩ tài danh Dương Bích Liên. Họa sĩ đã qua đời nhưng tranh ông vẽ về Trần Đăng thì nhà sưu tập Nguyễn Hào Hải hiện còn giữ được. Chúng tôi đã đến nhà riêng của Nguyễn Hào Hải và được anh giới thiệu văn tắt về bức tranh. Bức tranh được vẽ vào năm 1949 tức là trước khi Trần Đăng hy sinh ít ngày. Qua nét vẽ của Dương Bích Liên thấy một Trần Đăng hiện lên gọn sắc, cương nghị mà vẫn ẩn chứa một sự lãng mạn, một tình yêu chan chứa. Cùng với bức ảnh Trần Đăng đứng bên cạnh một thân cây xù xì gân guốc năm nào mà nhà thơ Chính Hữu còn giữ được, bức ký họa Trần Đăng của họa sĩ Dương Bích Liên mới phát hiện là những tài liệu quý hiếm về “người văn nghệ binh thứ nhất” ngã xuống trên chiến trường.

Và như thế, cùng với những trang văn, những bài báo nóng hổi không khí của mặt trận là Trần Đăng tươi nguyên trong ký ức của người thân và bạn bè - một Trần Đăng trẻ mãi tuổi hai mươi!

Ngô Vĩnh Bình