Không để bất động sản bất động

Minh Phương 21/04/2020 08:00

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tình hình thị trường BĐS quý I/2020, lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Không để bất động sản bất động

Giao dịch bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng. Ảnh: Quang Vinh.

Theo đó, đối với các dự án nhà ở: Tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Giao dịch: 7.641 sản phẩm (tỷ lệ hấp thụ: 14,3%). Trong đó: Lượng cung mới chào bán: 18.695 sản phẩm (8.363 căn hộ chung cư và 10.322 nhà ở thấp tầng). Giao dịch: 2.769 sản phẩm (chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019). Tỷ lệ hấp thụ: 14,8%. Giao dịch từ các sản phẩm đã chào bán từ năm 2019: 4.872 sản phẩm (tồn năm 2019 là 34.568 sản phẩm, phân khúc căn hộ cao cấp là phân khúc có tỷ lệ tồn kho lớn nhất).

Trước tình hình thị trường BĐS trầm lắng, có thể tác động tiêu cực đến nhiều ngành liên quan, mới đây Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có công văn gửi đến Chủ tịch Quốc hội với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho ngành BĐS.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, VNREA cho biết, thiệt hại do Covid-19 trong 3 tháng năm 2020 ở mức 5,9 - 7,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở thị trường khách Trung Quốc, quốc tế và nội địa. Cũng theo nghiên cứu bước đầu của Hội đồng Tư vấn Du lịch cho hay, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN khách sạn ở Cam Ranh, Nha Trang... cho biết tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn chuyên đón du khách Trung Quốc giảm tới 98%, còn các khách sạn phục vụ đa dạng đối tượng khách thì bị huỷ đặt buồng trung bình 50% và số lượng đặt buồng tương lai bị huỷ tới 70%. Thực tế này dẫn tới tình trạng “ảm đạm” của ngành du lịch nói chung và lưu trú khách sạn nói riêng, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… của tất cả các DN kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh đó, VNREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các giải pháp cấp bách hỗ trợ DN, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế. “Đối với giải pháp về tín dụng, cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có phương án giảm lãi suất đối với các hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (ví dụ: giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch, 30% cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát); xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho DN (ví dụ giãn nợ từ 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày dịch bệnh được kiểm soát), có gói vay với lãi suất ưu đãi cho DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh”- công văn của VNREA gửi Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đối với giải pháp về thuế, Hiệp hội đề xuất, giãn thời gian nộp các nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế VAT và lùi thời gian nộp thuế. VNREA cũng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội có ý kiến để tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội theo 2 kênh: Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối.

Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho DN và người dân. Theo VNREA, BĐS là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có ảnh hưởng lớn tới các ngành kinh tế khác như tài chính ngân hàng, vật liệu xây dựng, du lịch dịch vụ… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như sự ổn định xã hội. Hiện cả nước có 82.902 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 15.663 nhà phố thương mại… với tổng giá trị ước tính khoảng hơn 23 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thị trường phát triển sôi động nhưng bền vững, thu hút nguồn lực đầu tư sẽ mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội, mà một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN và người dân.

Minh Phương