Dịch Covid-19: Nơi gỡ bỏ hạn chế, nơi số ca tăng mạnh
Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải chật vật đối phó với đại dịch Covid-19, sau khi một số quốc gia ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trong hôm 20/4, đặc biệt là ở Singapore, nơi từng được coi là mô hình chống dịch hiệu quả của thế giới.
Thách thức mới của Singapore trong phòng dịch Covid-19 bắt nguồn từ lao động nước ngoài (Nguồn: FT).
Số ca nhiễm tăng đột biến ở Singapore
Trong hôm đầu tuần này, Singapore đã ghi nhận thêm 1.426 ca nhiễm Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục số ca nhiễm trong bối cảnh nước này có nguy cơ đối mặt với một đợt bùng phát dịch mới, xuất phát từ những khu nhà ở dành cho công nhân nước ngoài. Tổng số ca nhiễm ở nước này giờ lên tới 8.014, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Bộ Y tế Singapore cho hay con số báo cáo sơ bộ, được công bố vào chiều ngày 20/4, cho thấy “phần lớn” số ca nhiễm mới là những lao động nước ngoài đang sinh sống tại các khu ký túc. 16 bệnh nhân trong số này là công dân Singapore.
Số ca nhiễm ở Singapore được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong lúc chính quyền các cấp đang thực hiện chương trình xét nghiệm diện rộng đối với các lao động nước ngoài. Hiện có hơn 320.000 lao động nước ngoài ở Singapore để tham gia những công việc mà công dân nước này không nhận, như trong ngành công nghiệp xây dựng, kỹ thuật và bảo trì.
Thực tế hàng trăm nghìn lao động nước ngoài đang phải sống trong điều kiện tạm bợ đã trở thành thách thức mới nhất mà chính quyền Singapore phải đối mặt trong cuộc chiến chống Covid-19, bởi nhóm người này chiếm tới 71% tổng số ca nhiễm ở nước này, tính đến hôm 19/4 vừa qua.
Nhiều nước tính nới lỏng quy định hạn chế
Ở các khu vực khác trên thế giới, những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề và New York - tâm dịch ở Mỹ - trong khi đó đã đạt bước tiến trong công tác phòng dịch. Nhiều chính phủ trên thế giới bắt đầu tranh luận về thời điểm và cách thức gỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn một nửa dân số thế giới (4,5 tỷ người).
Khu vực châu Âu đã thu được những tín hiệu đáng mừng trong hôm cuối tuần trước, khi mà các nước gồm Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh ghi nhận mức giảm số ca tử vong và tỷ lệ nhiễm Covid-19. Châu Âu hiện chiếm gần 2/3 trong tổng số 165.000 ca tử vong trên toàn thế giới. Tổng số ca nhiễm trên thế giới hiện đã vượt quá 2,3 triệu người.
Ở Mỹ - nước có số ca tử vong và ca nhiễm cao nhất thế giới -Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói rằng dịch bệnh “đang trên đà giảm” mặc dù vẫn cảnh báo người dân không vội vui mừng.
Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy các lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội có hiệu quả trong việc ngăn chặn đà lây lan của virus corona chủng mới. Những bằng chứng này càng thúc đẩy nhiều nước tính kế gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế di chuyển, với mong muốn giảm sức ép đối với nền kinh tế.
Nơi gỡ bỏ, nơi duy trì
Tây Ban Nha- một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19, trong khi đó lại lựa chọn kéo dài lệnh phong tỏa, chỉ gỡ bỏ một số hạn chế đối với trẻ em. Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan đều bắt đầu mở cửa trở lại các trường học và hàng quán. Trong hôm đầu tuần này, Chính phủ Đức tuyên bố cho phép một số cửa hiệu mở cửa trở lại sau khi tuyên bố virus corona chủng mới “đã được kiểm soát”, trong khi Italy cũng đang bàn kế hoạch gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế.
Iran, nơi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất ở khu vực Trung Đông, đã cho phép một số cơ sở kinh doanh có “rủi ro thấp” mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng các lệnh hạn chế đã được áp dụng để ngăn chặn đà lây lan của virus corona chủng mới nên được gỡ bỏ theo từng giai đoạn, thay vì ngay lập tức, và điều này không có nghĩa rằng dịch bệnh đã chấm dứt.
“Đây mới chỉ là khởi đầu của giai đoạn tiếp theo”- ông Tedros cảnh báo trong một cuộc họp trực tuyến với các Bộ trưởng Y tế G20, thêm rằng WHO sẽ sớm công bố kế hoạch thứ hai về phòng chống dịch bệnh, trong đó bao gồm việc tính toán những nguồn lực mà họ cần có cho giai đoạn sau.