Họa sĩ Trần Khánh Chương: Người nặng lòng với mỹ thuật
78 năm sống trên cõi đời, họa sĩ Trần Khánh Chương không chỉ là một người lãnh đạo mẫu mực, chu toàn đối với ngành mỹ thuật, ông còn là người nghệ sĩ cống hiến không ngừng nghỉ vì sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Trần Khánh Chương.
Họa sĩ Trần Khánh Chương sinh ngày 14/8/1943 tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông bắt đầu “chuyên tâm” với mỹ thuật vào năm 1959 khi theo học trung cấp Khoa Gốm, Trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ra trường năm 1963, họa sĩ sĩ Trần Khánh Chương về công tác tại Phòng Kỹ thuật, Nhà máy sứ Hải Dương. Đến năm 1975, ông chuyển công tác phục vụ trong quân đội tại Cục Quản lý giáo dục Bộ Tổng tham mưu (1975- 1977). Từ năm 1984 đến lúc qua đời, họa sĩ Trần Khánh Chương đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong ngành mỹ thuật. Từ năm 1999 đến năm 2019, ông giữ chức Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, ông đã nhận được nhiều giải thưởng, huân huy chương; trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 (2007); Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Khi còn đảm đương vị trí Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông luôn thẳng thắn trước những vấn đề “nóng” của mỹ thuật. Có lẽ, từng hoạt động trong môi trường sản xuất công nghiệp và quân đội nên tác phong làm việc của họa sĩ Trần Khánh Chương rất cởi mở, hoạt bát, luôn luôn có nguyên tắc, đâu ra đấy, cái gì nói được là được, cái gì không được là dứt khoát không...
Bên cạnh những cống hiến trong vai trò quản lý, về sự nghiệp sáng tác trong suốt hành trình sáng tạo của mình, họa sĩ Trần Khánh Chương đã để lại cho mỹ thuật Việt Nam một bộ sưu tập đồ sộ. Trong bộ sưu tập đó có thể kể đến bức tranh “Đường lên Điện Biên”- sơn dầu, sáng tác năm 2005. Tác phẩm lấy cảm hứng từ những chuyến về chiến trường xưa, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông từng chia sẻ, đó là bức tranh đầu tiên ông vẽ về Điện Biên nên cảm xúc rất mãnh liệt. “Hồi bé, ở trong Liên khu 4, tôi đã được tiếp xúc với những vũ khí và bộ đội nên trong ký ức của tôi, kháng chiến là một điều rất hiện hữu, không hề xa xôi, lạ lẫm. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại được tiếp xúc với những chiến sĩ Điện Biên rất giản dị trong bộ trang phục áo xanh. Trong mắt tôi hồi ấy, hình ảnh bộ đội nên thơ vô cùng”- ông nói.
Cũng theo họa sĩ, để có được những tác phẩm tốt, các thế hệ họa sĩ đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Có rất nhiều tác phẩm là của các tác giả vừa là họa sĩ, vừa là chiến sĩ trực tiếp tham gia các chiến dịch...
Không chỉ để lại những tác phẩm để đời, theo nhiều họa sĩ “lão làng” ông còn là người có kiến thức sâu rộng về vốn tạo hình cổ dân tộc. Họa sĩ Trần Khánh Chương thành công trước hết ở loạt tranh thể hiện các mô típ dân gian, qua kỹ thuật khắc thạch cao in trên giấy hoa tiên, một loại giấy “hàng mã” truyền thống, làm dậy lên một bảng màu phong vị dân tộc. Không những vậy, nhằm tiếp cận nhiều đề tài và tìm tự do hơn cho bút pháp, ông cũng đã từng thử thách qua các chất liệu sơn dầu, acrylic, sơn mài, giấy dó... Những với tempera trên nền lụa, ông mới thực sự tạo ra một hình thái riêng và thoát khỏi mọi sự ràng buộc truyền thống hoặc cổ điển, trong đồng bộ hội họa hoàn toàn mới của hình sắc.
Họa sĩ Trần Khánh Chương ra đi để lại một khoảng trống cho mỹ thuật Việt Nam. Nhưng hình ảnh của một vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật, một họa sĩ tiêu biểu, một con người tình nghĩa vẹn toàn sẽ mãi là kỷ niệm đẹp với mọi người.
Lễ viếng họa sĩ Trần Khánh Chương sẽ được tổ chức từ 7h30 đến 8h30 ngày 24/4/2020 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông,Hà Nội). Lễ truy điệu được tổ chức vào hồi 8 giờ 30 phút cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội). An táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng viên (Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).