Hành xử chuẩn mực

Lê Anh Đức 21/04/2020 08:00

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao việc Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) khi thực thi nhiệm vụ phòng chống đại dịch Covid-19 đã có phát ngôn thiếu chuẩn mực với người dân.

Việc nữ cán bộ phường có cách ứng xử thiếu chuẩn mực đương nhiên là đáng trách, nhưng việc bà yêu cầu tổ công tác nghiêm khắc xử lý người bán hàng rong nhiều lần vi phạm là quyết định đúng, đặc biệt trong lúc cả nước thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19.

Người bán hàng rong bị cưỡng chế đưa về phường trong video clip đang lan truyền trên mạng xã hội là chị Vũ Thị Chinh (ở phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Theo báo cáo của UBND phường Bãi Cháy, chị Chinh đã nhiều lần vi phạm quy định về phòng chống đại dịch Covid-19. Trước đó, Tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 của phường Bãi Cháy đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền, yêu cầu chị Chinh vào chợ bán hàng, không bán hàng rong nhưng chị Chinh không nghe.

Theo phân loại của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh nằm trong nhóm nguy cơ cao (nhóm 1) nên vẫn phải bắt buộc thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người dân không được phép bán hàng rong, mà phải bán hàng tại chợ dân sinh để tránh sự lây lan của SARS-CoV-2. Đây là quy định bắt buộc nên việc chị Chinh không chấp hành sự tuyên truyền thuyết phục của Tổ công tác dẫn đến bị cưỡng chế là hoàn toàn đúng pháp luật.

Cũng theo báo cáo của UBND phường Bãi Cháy, Tổ công tác phòng chống đại dịch Covid-19 không chỉ giải thích, tuyên truyền vận động chị Chinh dừng việc bán hàng rong, mà đã từng lập biên bản vi phạm (do vi phạm nhiều lần) nhưng chị này tự ý bỏ về không ký vào biên bản. Với một người dân không chấp hành chỉ đạo giãn cách xã hội của Chính phủ, các quy định của địa phương, nếu tuyên truyền, thuyết phục không thành thì việc đưa ra biện pháp cưỡng chế là hoàn toàn đúng, để đảm bảo không có sự nhờn luật.

Song, ở chiều ngược lại, dù có kiên quyết xử lý người vi phạm bằng biện pháp cưỡng chế, thì cán bộ thi hành nhiệm vụ cũng cần có cách ứng xử chuẩn mực, không thể nói văng mạng, bạ đâu nói đấy. Việc Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy Lê Thị Hiền xưng “mày, tao” với người dân là không thể chấp nhận. Cán bộ tức là đày tớ của nhân dân nên phải có cách hành xử chuẩn mực, tôn trọng, lễ phép với người dân chứ không thể có kiểu ăn nói “hàng tôm hàng cá” được.

Đó chính là lý do tại sao lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo TP Hạ Long yêu cầu Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy phải đến tận nhà chị Chính để xin lỗi. Việc trong cơ quan có cán bộ “hỗn hào” với người dân thì người đứng đầu đơn vị đứng ra xin lỗi cũng là điều nên làm và cần phải làm. Điều đó thể hiện sự cầu thị của cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước, thể hiện thái độ văn minh, tôn trọng nhân dân của chính quyền. Song, việc UBND phường Bãi Cháy xin lỗi không đồng nghĩa với việc chị Chinh bán hàng rong là đúng.

Chúng ta cần tách bạch hai hành vi của 2 người trong câu chuyện này, để có cái nhìn tổng thể, đúng đắn. Hành vi cố tình vi phạm quy định giãn cách xã hội của chị Chinh là không thể chấp nhận và cần có thái độ dứt khoát, xử lý nghiêm minh. Nếu chị Chinh không biết từ đây rút ra bài học gì cho mình thì việc đối mặt với rắc rối pháp lý là khó tránh khỏi. Nếu tiếp tục có hành vi bán hàng rong, chị Chinh chắc chắn sẽ bị xử lý, nhẹ thì phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Lê Thị Hiền cũng cần phải nhìn nhận lại thái độ, hành vi ứng xử của mình với dân để không có “lần sau”. Tất nhiên, tới đây cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý nữ Phó Chủ tịch này bởi những phát ngôn thiếu chuẩn mực, có thái độ thiếu tôn trọng, coi thường người dân. Đừng để đến lúc mọi sự đã quá muộn thì hối cũng không còn kịp nữa.

Tóm lại, qua câu chuyện trên thấy nổi lên 2 vấn đề mà không chỉ phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), mà nhiều địa phương khác vướng phải. Đó là một số người ỷ vào hoàn cảnh khó khăn rồi cố tình vi phạm các quy định của pháp luật. Ở chiều khác, một số cán bộ thực thi công vụ nóng nảy, khi không động viên, thuyết phục được người vi phạm thì có cách hành xử kiểu “chợ búa” khó chấp nhận. Việc kiên quyết xử lý người vi phạm là hoàn toàn đúng, nhưng cần có thái độ đúng mực để tránh việc một số người lợi dụng “đánh bùn sang ao”, người vi phạm trở thành đúng.

Lê Anh Đức