Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Tinh anh và bình dị
Ở tuổi 102, hằng ngày trong ngôi nhà ở khu đô thị Trung Yên (Hà Nội), nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn say mê làm việc. Ông hay tự trào rằng từ khi vào tuổi bách niên, cái đầu đã “cạn dần nhiên liệu” còn đôi tai thì nghễnh ngãng, phải dùng máy trợ thính, đôi mắt tinh anh hồi nào đã cần đến kính lúp để trợ lực…
Nhà văn hóa Hữu Ngọc.
Phẩm cách lớn nhất mà tôi nhận ra ở con - người - thế - kỷ Hữu Ngọc, đó là sự cần mẫn học hỏi, cần mẫn làm việc. Soi rọi lại các thời kỳ trong hành trình hơn bảy thập niên cống hiến cho văn hóa Việt của Hữu Ngọc, thấy ông không từ nan việc gì. Ngay cả những khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, vẫn thấy ông đều đặn viết bài, giữ mục cho một số tờ báo. Ở tuổi 88, ông vẫn đảm đương Chủ tịch Quỹ văn hóa Thụy Điển - Việt Nam và Quỹ văn hóa Đan Mạch - Việt Nam. Còn năm nay, ở tuổi 102, ông khiến nhiều người kinh ngạc khi ký hợp đồng với NXB Kim Đồng xuất bản bộ sách “Cảo thơm lần giở” gồm 2 tập, dày gần 1.000 trang. Khi mà tuổi cao, nhiều hoạt động xã hội đã giảm, đã không còn cái thú đọc báo, xem tivi, nghe đài, vào internet thì ông tập trung cho cho “Cảo thơm lần giở”. Mượn ý thơ trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, “Cảo thơm lần giở” – nghĩa là mở lại những pho sách quý làm tiêu đề, nhà văn hóa Hữu Ngọc viết bộ sách này không chỉ để “mua vui”. Hữu Ngọc đã cho thấy sự chắt lọc những suy ngẫm của mình về “cuộc đời và xã hội qua lăng kính tư duy của những trí tuệ uyên thâm trên thế giới”. Bằng việc điểm qua cuộc đời và tư duy của hơn 180 danh nhân Đông Tây kim cổ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và đại diện cho các nền văn hóa của nhân loại, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một “cuộc hành hương tìm về quá khứ”. Trong chuyến “đi tìm thời gian đã mất” ấy, trí óc ông đã có dịp hồi tưởng những chuyện riêng tư và cả những sự kiện quốc gia và quốc tế đương thời…
Hơn chục năm trước, hình ảnh nhà văn hóa Hữu Ngọc khoác túi vải lững thững bộ hành đến cơ quan ở 46 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) làm việc hay đều đặn viết tuần 3 bài báo (1 bài bằng tiếng Anh cho tờ Vietnam News Sunday, 1 bài bằng tiếng Pháp cho tờ Le Courrie du Vietnam Dimanche và 1 bài bằng tiếng Việt cho tờ Sức khỏe và Đời sống) khiến nhiều người nể phục. Rồi khi vào tuổi bách niên, ông ngồi sau xe máy đến NXB Thế giới làm việc, vẫn viết báo, làm sách. Chỉ có điều mắt kém ông viết bằng cách đọc cho người thân đánh máy hộ. Tạo được một nếp sống, nếp lao động như thế, ngay cả khi ở độ tuổi đã cao, là điều bất khả ở nhiều bậc trí thức khác.
Từ khi còn trẻ, nhà văn hóa Hữu Ngọc có ý thức trau dồi ngoại ngữ. Ông sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và chữ Hán từ khá sớm. Năm 1960, Hữu Ngọc lưu tên mình khi dịch “Truyện cổ Grimm” từ tiếng Đức. Sau này, bản dịch của ông được tái bản nhiều lần. Ngoài ra, những cuốn sách như “Phác thảo chân dung văn hóa Pháp” (1991), “Sổ tay người dịch tiếng Anh” (1988), “Sổ tay người dịch tiếng Pháp” (1990), “Hồ sơ văn hóa Mỹ” (1995)… đã khai trí cho nhiều trí thức Việt Nam, bắc cầu nối văn hóa cho độc giả giữa những năm tháng đất nước còn ít sách báo, ít thông tin.
“Nhịp cầu Hữu Ngọc” tiếp tục thênh thang, đó là quãng thời gian ông làm Giám đốc NXB Ngoại văn và cộng tác với nhiều tờ báo tiếng Anh và Pháp. Không chỉ “nhập khẩu” văn hóa thế giới về Việt Nam, dấu ấn của nhà văn hóa Hữu Ngọc còn khắc đậm ở trên địa hạt “xuất khẩu” văn hóa. Từ rất sớm, năm 1955, ông đã viết “Le Vietnam en marche” (Việt Nam tiến bước) bằng tiếng Pháp. Ba năm sau, ông cùng Alice Kehn xuất bản bằng tiếng Pháp cuốn “Chansons populairer Vietnamiennes” (Ca dao Việt Nam). Nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng là người giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài khá sớm. Ông kết hợp cùng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chủ biên bộ “Anthologie de la littérature Vietnamienne” (Tuyển tập văn học Việt Nam) bản tiếng Pháp gồm 4 tập, dày 2.000 trang (1979) và bản tiếng Anh dày 1.000 trang (1981). Đến đầu thế kỷ 21, ông chủ biên cuốn “Mille ans littérature Vietnamienne” (1.000 năm văn học Việt Nam) in tại Paris, 2002. Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam” (tiếng Pháp, Anh) đến nay vẫn được coi là cẩm nang quý. Đây là thành quả của cách làm việc chăm chỉ, như con ong cần mẫn, suốt hơn chục năm trời Hữu Ngọc giữ mục “Mạn đàm truyền thống” cho tờ Le Courrier Vietnam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh).
Còn tác phẩm “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” dày hơn 1.200 trang của nhà văn hóa Hữu Ngọc đã xuất bản bằng tiếng Việt, Pháp, Anh thực sự là dấu son trong sự nghiệp quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cuốn sách là chia sẻ của ông về vốn sống, về văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dưới một góc nhìn riêng và bằng thứ ngôn ngữ giản dị, hấp dẫn. Mỗi bài viết như một chuyến lãng du với văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng: làng Việt, văn hóa tết, thú chơi cây cảnh ở Hà Nội, số phận xe kéo và xích lô, chiếc áo dài... Nói như nhà văn Mỹ Lady Borton, “dù trình độ học vấn của ta ra sao thì “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” vẫn mang lại nhiều hiểu biết và hứng thú. Trong thời buổi đầy biến động, khi cuộc sống ngoại lai tuôn tràn vào, ta may mắn được ông đem đến cho một viên ngọc quý mài sáng loáng về văn hóa truyền thống Việt Nam, đáng để ta nâng niu mãi mãi. Cuốn sách này là món quà tuyệt diệu ta có thể mang về từ Hà Nội”.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc và vợ con năm 1946.
Không chỉ viết sách, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã làm tổng biên tập của 3 tờ báo đối ngoại: tờ Tia lửa (tiếng Pháp), Việt Nam tiến bước (tiếng Anh, Pháp, Esperanto) và Nghiên cứu Việt Nam (tiếng Anh, Pháp). Những “ô cửa” ấy cũng đã góp phần đưa văn hóa Việt ra thế giới, và nối gần hơn văn hóa thế giới với bạn đọc trong nước.
Nhưng Hữu Ngọc còn nổi tiếng qua những buổi nói chuyện với khách nước ngoài. Địa chỉ 46 Trần Hưng Đạo hay nhà riêng của ông luôn có những vị khách quốc tế đến giao lưu, trao đổi, mạn đàm về các giá trị văn hóa Đông - Tây. Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, ông vẫn tham gia nhiều buổi giao lưu, trao đổi văn hóa thu hút đông đại biểu, đại diện nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới. Trong các cuộc nói chuyện đó, với sự thông tuệ và cách diễn giải bình dị, ông trình bày về văn hóa Việt Nam, sự hình thành và diễn biến với những đặc điểm truyền thống Việt Nam, tiếp biến văn hóa với phương Tây, các thách thức trong thời kỳ toàn cầu hóa... Nhà văn Mỹ Lady Borton qủa quyết rằng, “nếu phải chọn một người để hướng dẫn những khách đến Việt Nam lần đầu tiên, tôi sẽ chọn ông Hữu Ngọc”.
Với nhà văn hóa Hữu Ngọc, trong quá trình “xuất khẩu văn hóa”, ông muốn làm cho người nước ngoài hiểu Việt Nam có nền văn hóa độc lập. 90% người nước ngoài ngộ nhận rằng, văn hóa Việt Nam giống Trung Quốc. Ông đã phải dẫn giải nhiều minh chứng để nói rằng Việt Nam có chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng vẫn mang bản sắc riêng. Từ lịch sử cái tên Việt Nam là đất nước của người Việt, đến văn hóa sông Hồng biểu trưng là trống đồng Đông Sơn khác với văn hóa Trung Quốc là văn hóa sông Hoàng Hà, biểu trưng là cái vạc đồng...
Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh ngày 22/12/1918 quê gốc ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhưng ông sinh ra ở phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dù cuộc đời ông cũng kinh qua nhiều công việc, ngược xuôi qua nhiều vùng đất vào Vinh, đến Huế rồi lại ngược ra Nam Định thậm chí cùng đoàn quân cách mạng lên chiến khu Việt Bắc, nhưng căn cước giai Hà Nội đã ngấm sâu vào máu. Vì thế, trong sự nghiệp “xuất nhập khẩu văn hóa” của Hữu Ngọc, mảng đề tài về Hà Nội có vị trí rất đặc biệt. Dù so về số lượng với nhiều tác giả khác, thì số đầu sách về Hà Nội của ông không hơn. Song nhà văn hóa Hữu Ngọc lại là người có nhiều tác phẩm về Hà Nội viết bằng ngoại ngữ hơn cả. Trong trí nhớ của người viết, hiện lên nhiều tựa sách như “Hà Nội của tôi”, “Hanoi, who are you?” (Hà Nội, bạn là ai?) (10 cuốn, viết cùng Lady Borton), đặc biệt là cuốn “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội” - cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội cho người nước ngoài kể từ tháng 8/1945 đến thời điểm năm 1997.
Tôi nhớ, nhà văn hóa Hữu Ngọc từng ví Hà Nội giống một bức tranh khắc nổi và đa chiều. Ông nhận ra vẻ đẹp độc đáo của văn hóa Hà Nội từ chính những chuyến điền dã qua hàng trăm con phố, hàng trăm làng nghề, qua nền ẩm thực phong phú cùng hàng ngàn lễ hội… Các công trình nghiên cứu của mình, bằng một trí tuệ tinh anh và tinh thần mẫn cán, Hữu Ngọc bảo, ý tưởng xuyên suốt chủ đạo trong các cuốn sách về văn hóa của ông đều là giới thiệu những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Hà Nội nói riêng. Đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Bác Hữu Ngọc là người có năng lực chuyển tải bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như một văn hóa đối ngoại. Bác là một người miệt mài tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng luôn luôn hướng tới một tình yêu đối với mảnh đất Hà Nội”.
Trong cuộc đời lao động chữ nghĩa miệt mài của mình, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được trao tặng nhiều huân chương, giải thưởng danh giá: 2 Huân chương Độc lập; Huân chương Chiến công; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp); Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển); Giải Mot d’or (Pháp); Giải Vàng Sách Việt Nam 2006; Giải Đồng Sách Việt Nam 2015; Giải thưởng Quốc gia Sách Việt Nam 2017; Giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam; Giải Nhất toàn quốc 2015 về Thông tin Đối ngoại; Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2017.