Sửa đổi Luật Đất đai một cách tổng thể
Ngày 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, cần tiến hành đánh giá tổng quát, toàn diện đầy đủ để sửa đổi Luật Đất đai một cách tổng thể tại Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.
Ưu tiên sửa đổi những luật thực hiện nghị quyết của Trung ương
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ ưu tiên đề xuất đưa vào chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, 9, 10 và 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2020 với năm 2021, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo, và đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý cho rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình để trình sau Đại hội XIII của Đảng. Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết khác thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung cùng với việc quyết định bổ sung vào Chương trình. Cũng theo ông Tùng, tại phiên họp thẩm tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020 như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10/2021) mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 9 vì về bản chất việc ban hành Nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phân tích: Những vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai thời gian qua đang được dần tháo gỡ như việc đấu đấu giá sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Những khó khăn đã bước đầu được giải quyết khi Chính phủ ban hành Nghị định 25 về đấu thầu quyền sử dụng đất đối với các dự án sử dụng đất. Vì vậy nên chờ các định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, sau đó để Quốc hội khóa XV tiến hành sửa đổi.
Kỳ họp thứ 11 có nên thông qua luật?
Đó là vấn đề nhận được sự băn khoăn của nhiều ĐB. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần phải tập trung làm tốt những cái cũ, trước khi làm cái mới. “Điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng luật, không thể vội vàng. Như Luật Đầu tư công theo hình thức đối tác công tư PPP chưa chắc đã thông qua tại kỳ họp thứ 9, có khi phải sang kỳ họp thứ 10, có nghĩa phải mất 3 kỳ họp. Kinh nghiệm cho thấy, cái gì “vớt vát” thường chất lượng không cao”-ông Hiển cho hay.
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cần nhìn lại kỹ hơn về công tác xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV, thấy vấn đề gì để chuẩn bị cho khóa XV bởi việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng phải có mục tiêu. “Khi đặt ra luật thì quan điểm chỉ đạo của cơ quan trình thế nào, không chỉ giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quản lý mà ban hành luật. Quan trọng là làm sao nhìn ra những quan điểm, định hướng lớn trong thời gian tới, chứ không phải cứ “kẹt” gì thì làm cái đấy để dễ cho công tác quản lý”-ông Bình bày tỏ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, kỳ họp thứ 11 vẫn nên thông qua luật. Vì đây là vấn đề đã có tiền lệ. Nhất là kỳ thứ nhất, Quốc hội khóa mới không trình luật do dành thời gian cho công tác nhân sự, đến kỳ họp thứ hai mới trình và thông qua luật. Đã xem xét tại kỳ họp thứ 10 thì nên thông qua luật tại kỳ họp thứ 11, để hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội.