Tây Nguyên căng mình trong khô hạn

Quang Vũ 22/04/2020 15:54

Suốt từ ra Tết Nguyên đán tới nay, Tây Nguyên rất ít mưa. Sông suối khô cạn, đất đai nứt nẻ, hàng chục nghìn ha cây trồng mất mùa. Bà con nông dân nhiều nơi vật lộn tìm nguồn nước tưới và sinh hoạt. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, nhiều năm qua Tây Nguyên phải hứng chịu thiên tai. Khi thì nắng quá, khi lại mưa lũ. Riêng với năm nay, dự báo tình hình khô hạn còn kéo dài.

Tây Nguyên căng mình trong khô hạn

Nhiều dòng sông cạn trơ đáy.

1. Ở thôn Cửu Đạo (xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), khô hạn kéo dài làm cuộc sống sinh hoạt của người dân đảo lộn với rất nhiều khó khăn.

Một nông dân thôn Cửu Đạo cho biết, hơn 20 năm trồng mía, chưa năm nào gia đình ông gặp thua lỗ như năm nay. Sản lượng trung bình hàng năm 50-60 tấn mía trên một ha, nhưng vụ mùa vừa rồi, gần 2 ha mía ông chỉ thu được 14 tấn. Không bù cho năm ngoái, cũng vào thời điểm này, con đường đất dẫn vào khu rẫy bụi tung mù mịt bởi hàng chục chiếc xe tải vào ra chở mía. Giữa đồng, cả trăm nông dân cười nói rôm rả, luôn tay chặt mía, bốc lên xe chở về nhà máy. Còn bây giờ thì vắng vẻ quá. Nhiều đồng mía đã khô vàng, bông lên cao nhưng chưa thu hoạch.

Theo Phòng Kinh tế thị xã An Khê, trên địa bàn có gần 3.000 ha mía, sản lượng trung bình đạt khoảng 60 tấn trên một ha. Do ảnh hưởng của nắng hạn vụ đông xuân 2019 - 2020, sản lượng sụt giảm hơn một nửa. Thị xã An Khê có 165 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp, phần lớn là các ao, bàu, đập nhỏ. Nắng hạn kéo dài, các hồ nhỏ hầu như đã cạn nước, ở mực nước chết. Nhiều công trình thủy lợi lớn cạn khô, dung tích hồ chỉ còn 10-30 % so với dung tích ban đầu. Một số nhà máy thủy điện phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động.

Cũng vì quá thiếu nước, người dân phải bỏ tiền ra thuê người đào thêm giếng. Tại xã Ayun (huyện Chư Sê), những chiếc giếng cũ đã cạn khô, trong khi bể nước sạch phục vụ cho 170 hộ làng Keo cũng không đáp ứng được nhu cầu dù ở mức thấp. Các gia đình bỏ tiền ra thuê đào giếng cũng “năm ăn năm thua” vì rất có thể sẽ không có nước. Có người phải ra sông Ayun, đào những cái hố nhỏ, lấy nước trong về sử dụng. Một ngày, họ lấy hai lần, mỗi lần gùi 15 - 20 chai.

Việc thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán vẫn đang được tiến hành. Nhưng với tỉnh Gia Lai, có thể thấy rất rõ các huyện Chư Sê, An Khê, Ayun Pa, Đăk Pơ, Krông Pa đang thiếu nước. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình khô hạn ở Tây Nguyên năm nay còn kéo dài đến tháng 5, mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 25-75 % so với cùng kỳ.

Tây Nguyên căng mình trong khô hạn - 1

Khô hạn, bà con ở Tây Nguyên chắt chiu nước tưới cho cà phê.

2. Giống như Gia lai, tỉnh Đăk Nông cũng rơi vào tình trạng thiếu nước trên diện rộng, với khoảng 15.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Kể từ sau Tết cho tới giữa tháng 3, nơi này hầu như không có mưa. Sau đó cũng xuất hiện một vài trận mưa nhưng rất nhỏ, lượng nước bù dắp không được nhiều, cả Đăk Nông cũng như Kon Tum, lượng nước trên các sông suối thiếu hụt khoảng hơn 50% so với trung bình năm. Nhiều cánh đồng không có nước nên cây lúa héo rũ.

Đăk Lăk có 605 hồ thủy lợi, dung tích hơn 600 triệu mét khối nước, nhiều nhất vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, năm nay tình hình khô hạn cũng căng thẳng do các con sông lớn như Krông Ana, Krông Buk thiếu hụt tới hơn 50 % nước so với trung bình nhiều năm. Như vậy, hàng nghìn ha cà phê, cao su, hồ tiêu... của tỉnh này sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước tưới.

So với Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum, Đăk lăk, thì Lâm Đồng không khó khăn bằng, nhưng dẫu thế thì mùa khô năm nay việc sản xuất sinh hoạt của bà con nhiều vùng trong tỉnh cũng gặp khó khăn. Tại huyện Đạ Tẻh, không ít vườn cà phê chết héo vì thiếu nước tưới. Được biết, khoảng 1.500 ha cây trồng của huyện Đạ Tẻh thiếu nước. Tương tự, tại huyện Đạ Huoai vào khoảng 6.780 ha. Tới đầu tháng 4, mực nước ở 10 hồ lớn của tỉnh Lâm Đồng không tích đủ nước so với thiết kế. Trong đó, các hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), Ma Đanh, BôkaBang (huyện Đơn Dương) giảm gần 7 m. Theo dự báo 25 nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới trong mùa khô, hơn 4.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt...

Người dân xã Đạ Pal (huyện Đạ Tẻh) cho biết, những tháng qua bà con phải loay hoay tìm nguồn nước tưới cho cà phê. Nhiều giếng khoan ở đây khô cạn, người dân phải thuê cả máy múc đào ao tìm nước tưới. Tuy nhiên, do mực nước trong ao quá cạn, nên lại phải bỏ tiền ra mua máy bơm công suất lớn với những cuộn ống dài để có nước tưới cho cây trồng.

Như vậy, năm nay, khô hạn kéo dài, nhiều diện tích cây trồng ở Tây Nguyên thiếu nước tưới, sản lượng thấp, thu nhập của bà con sẽ bị giảm sút đáng kể. Do biến đổi khí hậu, tình hình nước tưới, nước sinh hoạt ở Tây Nguyên sẽ là chuyện kéo dài chứ không chỉ là một thời vụ. Do đó, việc cải tạo nâng cấp, xây mới hệ thống thủy lợi tại đây phải được đặt ra một cách cụ thể mang tình bền vững.

Cùng với Tây Nguyên, các tỉnh Nam Trung bộ cũng đối mặt khô hạn, thiếu nước cục bộ. Cụ thể, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đứng trước nguy cơ xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước. Trong khi đó, khu vực này suốt nhiều tháng ít mưa, nước các dòng sông xuống rất thấp. Nước trong các hồ chứa thủy lợi cũng xuống thấp hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng từ 10% đến 70%, một số sông thấp hơn 85%). Dung tích phần lớn các hồ chứa thuỷ lợi ở Nam Trung bộ chỉ đạt từ 50% đến 90%. Dung tích các hồ chứa thuỷ điện phổ biến chiếm 40-85%. Một số hồ dung tích chứa ở mức thấp hơn 40%. Dự báo, từ tháng 6 đến tháng 8/2020, khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung bộ tương đương mùa khô năm 2019. Nguồn nước ngầm phục vụ công tác chống hạn do đó cũng đang sụt giảm nghiêm trọng.

Quang Vũ