Hải tặc hoành hành biển châu Á

Đình Tú 23/04/2020 08:00

“Tàu của chúng tôi đang di chuyển với tốc độ dưới 15 hải lý. Sau vài giờ bám theo, một chiếc tàu cao tốc có tốc độ trên 20 hải lý đã áp sát tàu chúng tôi. Toán cướp lăm lăm súng, nhảy lên tàu và bắt đầu hành động”- một thuỷ thủ tàu CK Bluebell kể lại.

Hải tặc hoành hành biển châu Á

Nhà chức trách Singapore kiểm tra một tàu nghi là hải tặc.

Ký ức kinh hoàng

Hơn một năm sau, khi tàu chở hàng của Hàn Quốc bị cướp biển tấn công gần eo biển Singapore (tháng 7/2019), những ký ức kinh hoàng của các thủy thủ khi đối diện với toán cướp biển hung hãn đã được Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tường thuật lại. Khu vực bị tấn công vốn là phần nối giữa eo biển Malacca ở phía Tây và Biển Đông ở phía Đông, dài 105km, rộng 16km được cho là tuyến hàng hải sôi động nhất thế giới.

Thời điểm tàu bị tấn công là 4 giờ 25 phút sáng ngày 22/7/2019. Khi tàu của bọn cướp biển áp sát, chúng tràn lên và tấn công các thuỷ thủ đoàn trên tàu CK Bluebell có trọng tải hơn 40 ngàn tấn vốn đang trên đường tới TP Incheon, khởi hành từ Brazil. “Chúng uy hiếp, bắt một số thủy thủ quỳ xuống, đánh đập và lấy đi 13.000 USD tiền mặt” – một thủy thủ kể lại.

Hãng tin Yonhap miêu tả kỹ hơn qua tường trình của một thủy thủ khác: “Chúng có 7 tên tất cả. Tay lăm lăm súng ống, đạn dược nhảy lên tàu. Chúng tra tấn, lấy tất cả tiền bạc lẫn đồ đạc cá nhân rồi rút đi nhanh chóng. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 30 phút”. “Nó là những ký ức rất tồi tệ trong cuộc đời thủy thủ. Bạn biết đấy, chúng tôi không thể làm gì để chống lại những tên cướp biển hung hãn được trang bị vũ khí tận răng”- người này kể lại.

Ngay sau khi vụ cướp diễn ra, Bộ Hàng hải và Thuỷ sản Hàn Quốc, đã thông báo về vụ tấn công cho tất cả tàu đăng ký ở Hàn Quốc gần eo biển Singapore, yêu cầu đề cao cảnh giác. “Tất nhiên, không có một tên cướp biển nào bị bắt. Chúng đã biến mất dạng trước khi đi tìm các con mồi khác là những tàu chở hàng” – một quan chức Hàn Quốc cho biết thêm. Chỉ sau khi tàu CK Bluebell bị cướp ít ngày, liên tiếp 5 con tàu khác cũng bị hải tặc tấn công tại khu vực eo biển Singapore.

“Điểm nóng” hải tặc

Thống kê của Trung tâm Chia sẻ thông tin của Thỏa thuận Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tại Châu Á (ReCAAP ISC), cho thấy năm 2019, ở khu vực châu Á đã có 82 vụ cướp biển, tăng 8% so với năm 2018. Trong đó, có 3 vụ ở Trung Quốc, 5 vụ ở Ấn Độ, 74 vụ còn lại ở các nước Đông Nam Á.

“Phần lớn là các toán cướp có vũ trang nhằm vào các tàu chở hàng và dân sự. Ba khu vực có tình trạng cướp biển, cướp có vũ trang diễn biến phức tạp được cảnh báo là: Biển Sulu-Celebes và khu vực phía đông Sabah; Khu vực Bandar Penawar, Johor, Malaysia và Eo biển Singapore”- theo ReCAAP ISC.

Theo lý giải của các chuyên gia hàng hải, cướp biển châu Á trở thành mối đe dọa chính đối với ngành vận tải thế giới. Điều này đặc biệt đáng tiếc khi 2/3 số tàu biển của thế giới đi lại trong vùng biển Đông Nam Á. Địa bàn hoạt động của cướp biển trong những năm ngày càng mở rộng hở các vùng biển nằm giữa Indonesia, lãnh thổ phía Đông Malaysia và Philippines.

Cách thức của cướp biển cũng đang thay đổi dần là tấn công tàu, bắt giữ thuyền trưởng, thủy thủ làm con tin nhưng không bắt tàu, hàng. “Thậm chí còn để lại một nhóm thủy thủ, cho phép tàu tiếp tục vận chuyển hàng theo lộ trình bình thường. Chúng sẽ thả con tin nếu được trao tiền chuộc, còn không sẽ giết hại” .

Để ngăn chặn hải tặc, Indonesia, Malaysia và Philippines đã cho phép các lực lượng an ninh hàng hải của các nước tiến hành các vụ truy quét cướp biển trong vùng biển của nhau. Nhiều biện pháp khác như tuần tra phối hợp tại Biển Sulu-Sulawesi và đường dây nóng giữa 3 nước cũng đã được thử nghiệm.

Theo khuyến cáo của ReCAAP ISC, các cơ quan thực thi pháp luật ở châu Á nên tăng cường giám sát, tuần tra, ứng phó kịp thời. Nếu không nạn hải tặc sẽ làm các tuyến hàng hải tại đây suy yếu và có thể tê liệt bất cứ lúc nào.

Tháng 12/2019, “Hội nghị cán bộ cao cấp các Trung tâm đầu mối chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, với sự phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và ReCAAP ISC. Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp về phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang cho các thành viên của ReCAAP ISC đồng thời bày tỏ cần có sự hợp tác quốc tế để chống vấn nạn cướp biển tại châu Á và khu vực Đông Nam Á.

Đình Tú