Bác đơn của bị cáo Nguyễn Bắc Son xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe
Bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết sức khỏe mình rất yếu, thường xuyên phải có sự chăm sóc của bác sỹ. Nhưng Hội đồng xét xử cho rằng phiên tòa diễn ra trong thời gian không dài và bị cáo được phép ngồi.
Sáng 23/4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 23 đến ngày 26/4).
Phiên phúc thẩm được tiến hành đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19, bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 2 mét và chỉ cho phép người được Tòa án triệu tập vào phòng xử án.
Chủ tọa phiên phúc thẩm này là Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chánh Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Có 9 bị cáo được xử tại phiên phúc thẩm, gồm: Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty AMAX), Phạm Thị Hoa Mai (cựu thành viên Hội đồng thành viên Mobifone), Hồ Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone).
Trong phiên sáng 23/4, Hội đồng xét xử đã bắt đầu phiên tòa và tiến hành các thủ tục, kiểm tra căn cước đối với các bị cáo kháng cáo, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Nói lời đầu tiên tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết mấy ngày gần đây sức khỏe của bị cáo rất yếu, thường xuyên phải có sự chăm sóc của bác sỹ.
"Bị cáo đã có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe không đảm bảo," bị cáo nói.
Theo Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn, Hội đồng xét xử đã nhận được đơn xin hoãn của bị cáo Nguyễn Bắc Son. Tuy nhiên, do đây là phiên phúc thẩm và đã bị hoãn một lần (vì lý do phòng, chống dịch Covid-19), Hội đồng xét xử cho rằng phiên phúc thẩm sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày, thời gian không quá dài và bị cáo Nguyễn Bắc Son được phép ngồi phát biểu. Do vậy, Hội đồng xét xử quyết định phiên phúc thẩm vẫn tiếp diễn như kế hoạch đã định.
Trước đó, phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra từ (13-16/4), tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên Tòa án đã quyết định hoãn phiên xét xử.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Bắc Son không có mặt tại phiên tòa phúc thẩm mà không nêu lý do.
Hội đồng xét xử cho biết luật sư Trần Hoàng Anh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son đã có đơn xin hoãn tòa vì lý do sức khỏe của thân chủ.
Sáng 23/4, thấy luật sư Trần Hoàng Anh không có mặt tại phiên tòa, thư ký phiên tòa gọi điện để liên lạc nhưng vị luật sư này đã tắt máy. Do vậy, Hội đồng xét xử chỉ định luật sư Nguyễn Văn Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son ở phiên phúc thẩm.
Hai bị cáo rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm
Sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm có 11 trong tổng số 14 bị cáo làm đơn kháng cáo và đều đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt; không có bị cáo nào kháng cáo kêu oan, kêu không có tội.
Tuy nhiên, đã có hai bị cáo rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm, đó là Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) và Võ Văn Mạnh (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).
Ba bị cáo không làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm gồm Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp của Bộ Thông tin và Truyền thông) và Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG).
Trước đó, trong các ngày từ 16-28/12/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Trương Minh Tuấn 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ," 6 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng," tổng hợp hình phạt chung cả hai tội đối với bị cáo Trương Minh Tuấn là 14 năm tù.
Bị cáo Phạm Đình Trọng bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng." Bị cáo Phạm Nhật Vũ bị phạt 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ."
Bị cáo Nguyễn Bắc Son xin giảm nhẹ hình phạt
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã trình bày nhiều nội dung, tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho mình như có nhiều thành tích, cống hiến trong công tác và chiến đấu khi ở trong quân ngũ, sức khỏe già yếu, nhiều bệnh tật...
Bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng ngay ở giai đoạn điều tra vụ án, bị cáo đã tự khai nhận hành vi nhận hối lộ và nay đã khắc phục hết hậu quả.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Bắc Son bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ," 16 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng," tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là tù chung thân.
Bị cáo Hồ Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone) làm đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, trong đó bị cáo Hồ Tuấn đề nghị Tòa cấp phúc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo với lý do Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá khách quan các tài liệu chứng minh tình tiết giảm nhẹ của bị cáo trong vụ án, chưa áp dụng triệt để các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự dẫn đến mức án quá nặng so với vai trò của bị cáo trong vụ án.
Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone) cho rằng mức hình phạt của Tòa cấp sơ thẩm là quá nặng đối với bị cáo, do Tòa cấp sơ thẩm chưa chấp nhận những nội dung đánh giá bản chất hành vi khách quan của bị cáo trong vụ án.
Vì vậy, bị cáo Hùng làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xem xét, xét xử theo trình tự phúc thẩm một cách khách quan và quyết định để bị cáo được miễn hình phạt.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Hồ Tuấn và bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng cùng bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng."
Bị hại trong vụ án là MobiFone đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên (nguyên Phó Tổng Giám đốc MobiFone).
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng." Tuy nhiên, sau đó, MobiFone đã rút đơn kháng cáo này.
Trước đó, bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội đã xác định, năm 2015 MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty AMAX đã gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng cho Nhà nước do vi phạm trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG; trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã có hành vi đưa hối lộ. Bốn bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã có hành vi nhận hối lộ.