Người kể chuyện bằng ngôn ngữ hội họa
Tôi quyết định đột nhập xưởng vẽ của họa sĩ Trần Thị Thu ở làng Bắc Biên (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Cái cổng nhà cô ấy đầy màu sắc khiến nó nổi bật trên con đường làng giờ đã lên phố.
Tác phẩm “Giăng tơ 3” (Sáng tác từ ngày 10/12/2019 đến ngày 16/1/2020. Chất liệu: acrylic, màu nước trên voan trong và sắt hàn; dài 32 m; cao nhất 3,5 m; nhỏ nhất 60 cm. Tác phẩm được trưng bày tại: CoCo Bay Đà Nẵng).
Chính cái cổng đó khiến một người ngồi ăn bánh cuốn ở quán chênh chếch đã không khỏi tò mò mà phải hỏi chủ quán:
- Nhà bên ấy chắc bị xã hội đen đến đòi nợ không được nên tạt mắm tôm dầu luyn, bọn này cũng rách việc còn tạt cả phẩm màu nữa?
Bà chủ quán đang tay năm tay mười tráng bánh bỏ cái môi múc bột rơi tõm vào chậu bột để cười. Cười xong lấy tay quệt nước mắt rồi quay sang Thu cũng đang ngồi ăn bánh cuốn.
- Thu ơi mày nợ nần ai nhiều thế mà người ta tạt cả phẩm màu vào nhà mày.
Người khách lạ quay sang nhìn Thu, màu còn vấy trên tóc trên áo. Người đàn ông cũng cả cười. Mọi người trong quán bánh cuốn cùng cười. Tiếng cười ròn rã hiếm hoi trong cơn dịch dã.
Xưởng vẽ của Thu lúc nào cũng ngổn ngang, ngoài vườn khế vải giăng kín như tơ nhện, trong xưởng những bức vẽ cái đã hoàn thành đợi khô cái còn đang dang dở. Cái chỗ ngồi uống nước được chuyển ra phía vườn khế đầy nắng gió, phía trên được che bằng một tấm nhựa trong suốt. Ngồi ở đó nhìn nhau rạng rỡ hơn.
Tôi và Thu là hai người đàn bà dạng “hứng bưng” nhiệt kế của xã hội luôn ảnh hưởng đến tâm tư của chúng tôi. Sau chén trà ướp hoa bưởi mời nhau chúng tôi cùng nhất trí, "no Covid". Trả lời câu hỏi của tôi về cuộc triển lãm cá nhân lớn của Thu vào khoảng cuối năm nay Thu lại hỏi tôi:
- Chị có biết “Xống chụ xon xao” không?
- Có chứ, chị có biết.
- Em không sinh ra ở Sơn La nhưng lớn lên ở đó. Ban đầu em không thích “Khắp Thái” nhưng bây giờ thì em yêu và nhớ nó vô cùng. Em nhớ lúc còn nhỏ đi làm nương những cô bé người Thái vừa chăn trâu vừa thêu khăn, thêu chăn vừa hát đối hẹn hò. Khi một cặp đôi đã ưng mắt nhau rồi thì khăn và chăn cũng đã thêu xong. Người Thái ở sạch ăn ngon mặc đẹp… Và em không ngờ em có nhiều vốn về văn hoá Thái đến thế, em muốn kể một câu chuyện bằng hội hoạ của em!
Câu chuyện bằng ngôn ngữ hội họa là một cuộc triển lãm lớn có tên “Không gian” đang được họa sĩ Trần Thị Thu gấp rút chạy đua với thời gian, khoảng 200 bức tranh, sắp đặt và trình diễn. Nghe con số tôi đứng hình mất vài phút. Tôi im lặng và chỉ nhìn người đàn bà đang ngồi trước mặt. Ờ thì cô ta có to con thật, dư thừa năng lượng thật nhưng 200 bức tranh đâu phải là ngày một ngày hai mà có được đâu. Phải là một đời. Một đời người có khi cũng còn chưa đủ. Dường như Thu đã đọc được sự nghi ngại đang loang trên mặt tôi.
- Em đã nghiên cứu xong về cuộc triển lãm sắp tới, nó mất gần 3 năm nghiên cứu. Em đã hoạch định xong tổng thể. Em đã lên ý tưởng xong cho từng thể loại mà em định đưa ra và em cũng đã thực nghiệm thành công cho các ý tưởng điên rồ quái gở. Bây giờ em chỉ cần sức khỏe và thời gian.
- Chị chờ em tí.
Thu vào nhà bê ra bức tranh lụa hai mặt.
- Đây chị xem.
Một bức tranh hai mặt, trừu tượng trên lụa. Nó là một tấm bình phong, nó không phải là một tấm bình phong, thì nó đúng như một tấm bình phong, nó là bức tranh mà không phải treo trên tường. Nó là thứ “quái gở” mà Thu đã đau đáu và rất đau đầu về nó. Thì nó kia, trong ráng chiều của vườn khế đang trổ đầy lộc non nó ánh lên một vẻ đẹp trong suốt, xuyên thấu. Thu nói đó là không gian nhiều chiều “chính vì vậy em mới nghĩ đến đặt tên cho triển lãm này là “Không gian”. Tôi không chỉ được ngắm hai bức tranh, vì hiển nhiên nó là hai bức tranh, mà được ngắm ít nhất bốn bức tranh. Chất liệu lụa mỏng và trong kia từng nét vẽ của bức tranh phía trước phản lại tương tác cùng các nét vẽ của bức tranh phía sau. Từng nét vẽ như ánh mắt nheo hóm hỉnh thách thức người xem, nhìn đi ta biến ảo này.
Dường như họa sĩ Trần Thị Thu đang đi ngược lại và phá vỡ các luật lề của hội họa truyền thống. Tôi không phải là nhà phê bình mĩ thuật nên tôi không biết trước Thu đã có họa sỹ nào vẽ tranh trừu tượng trên lụa hay chưa?
Thu kể: Em loay hoay với cái tranh hai mặt này hàng năm trời. Vẽ xong rồi mà không biết lên khung kiểu gì cho đúng ý đồ của mình. May quá hôm rồi anh thợ mộc đã làm cho cái khung này, em xuýt nữa thì nhảy vào ôm cổ anh ấy, may kìm được. Tôi quá biết rõ điều này, ở nhà tôi có một ông điêu khắc, tôi đã từng chứng kiến ông ta đi tìm đá làm bệ tượng còn tốn thời gian hơn đục bức tượng.
Thu đang chạy đua với thời gian, cô ước một ngày có 48 giờ chứ không phải 24 giờ bởi có quá nhiều việc để làm. Nửa đêm tĩnh lặng phải thức để thêu điểm xuyết vào bức tranh. Ban ngày phải giăng toan qua các gốc cây khế để vẽ người đàn bà nhiều vú. Ý tưởng luôn tự tìm đến trong sự làm việc miệt mài của Thu. Người đàn bà nhiều vú hay là mẹ trái đất đến với Thu khi hàng ngày cô len lỏi mắc vải quanh những gốc cây khế. Một buổi chiều thu nắng vàng mật tôi đã được chiêm ngưỡng người đàn bà nhiều vú của Thu. Tôi và một người bạn cứ đứng ngơ ngẩn để ngắm những bầu vú màu vàng cam tươi rói, sữa phun thành dòng. Mặt đất của chúng ta đẹp lỗng lẫy huy hoàng. Còn bây giờ mẹ trái đất người đàn bà nhiều vú kia sẽ như thế nào? Khi mà đang bị bao phủ một màu xám đen của dịch dã? Quả là Thu đang phải chạy đua với các ý tưởng.
Câu chuyện không đầu không đầu không cuối của chúng tôi cứ hé lộ dần “Một câu chuyện sắc màu bằng ngôn ngữ hội họa”. Những câu chuyện to tát như Mẹ trái đất, Mẫu Âu Cơ và chuyện tình trai gái muôn thủa bất định và vĩnh cửu.
- Trong câu chuyện bằng ngôn ngữ hội họa này của em có bức chân dung tự họa của người đàn bà vẽ, là em ấy?
- Em muốn mình sống hồn nhiên như cây cỏ, em cần giữ lại điều đó trong em. Ngay câu chuyện hội hoạ của em cũng thấm từ thiên nhiên, trở về với tự nhiên hết mức có thể, nếu em làm được và chúng là của em, chỉ là của em thôi. Khi xuống đây, em phải làm việc gấp 3 và 4 lần người khác, học cũng thế, học không bao giờ thừa, quá nhiều thứ em chưa biết, cái gì em cũng trở nên ngơ ngác, sau đó em hiểu rằng em sẽ phải nghiên cứu chọn lọc hết mức có thể mới đủ thời gian cho câu chuyên nghệ thuật. Dạo này em đọc nhiều sách về triết học, khiến những thứ còn mơ hồ trước đây của em trở nên rõ ràng hơn. Nếu có thời gian và tiền bạc em muốn được đi tìm những nên văn minh Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng... Có lẽ em muốn em và các bức vẽ của em đi về chốn bất định.
Họa sĩ Trần Thị Thu.
Chốn Bất định và Không gian dường như đang có sự liên quan chặt chẽ với nhau và ám ảnh họa sĩ Trần Thị Thu rất nhiều chứ tôi biết ở ngoài đời Thu thường hoạch định cho mình đường hướng rõ ràng và chuẩn xác. Năm 2013 Thu quyết định cho con gái về Hà Nội để được học một lèo không phải đi đường vòng như mẹ. Với đồng lương giảng viên chỉ 7 triệu đồng một tháng vừa phải thuê nhà, tiền ăn học cho con, cho mẹ. Thu nhận vẽ trên áo váy cho làng lụa Vạn Phúc. Hàng tuần đi xe máy về Hòa Bình dạy học bất kể ngày mưa ngày nắng. Năm 2014 con gái đỗ Đại học Mĩ thuật Hà Nội, Thu quyết định quay về Hòa Bình sống vẽ và dạy học. Và cũng năm 2014 bức tranh trừu tượng có tên là “Tôi” đã đoạt giải nhất Triển lãm Mĩ thuật toàn quốc. Năm 2015 Thu quyết định thuê đất làm xưởng vẽ ở làng Bắc Biên và quyết định bán nhà ở Hòa Bình. Được 100 triệu đồng, cho em trai vay 50 triệu làm nhà, mua xe máy cho con gái hết 38 triệu còn lại 12 triệu mua tất màu và toan để vẽ, Thu “đánh bạc” với giời. Và giời đã phải nhường bước cho người đàn bà quá đỗi chăm chỉ. “Chị, em không làm việc thì chẳng biết làm gì”.
Quả là một sự làm việc hiếm có. Năm 2017 họa sĩ Trần Thị Thu mở triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam với 40 bức nhưng Thu chỉ bày 18 bức tranh trừu tượng khổ lớn. Triển lãm được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng chuyên môn. Năm 2018 triển lãm nhóm tại Sài Gòn Thu đã bày 15 bức tranh lụa và sắp đặt 150m lụa. Tháng 4/2019 sắp đặt Giăng tơ 1 ở Hội An. Tháng 1/2020 Giăng tơ 2 tại Coco Bay, và 4 cuộc trình diễn thời trang nghệ thuật tại: Số 1 Lương Yên; Tràng Tiền Plaza, Đại học Mĩ thuật Công nghiệp trong 3 năm 2017, 2018, 2019. Thu còn tham gia rất nhiệt tình hoạt động mĩ thuật cộng đồng, vẽ thuyền thúng tại Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam từ năm 2017, 2018. Thu làm việc hăng hái đến mức say nắng và nơi đó cho Thu nhiều tình yêu về vùng đất nắng gió và biển.
- Nếu không tại con Corona này thì giờ này em đang ở Tam Thanh rồi. Chính ở nơi đây em đã ngợp trước biển cả và dòng sông. Em đã nghĩ về sự nhỏ bé và cô đơn của con người chúng ta trước thiên nhiên bao la, em đã cảm được truyền thuyết bà Âu Cơ, rằng bà Âu Cơ và Lạc Long Quân đã dẫn 50 con lên rừng, xuống biển...
Năm 2019 họa sĩ Trần Thị Thu đoạt giải 3 Triển lãm ứng dụng mĩ thuật toàn quốc, 5 năm tổ chức một lần.
Dường như chơi với sắc màu chưa đủ hoặc là không thể thỏa mãn được những ý tưởng cứ nảy nở trong đầu khi được đắm mình trong một không gian văn hóa rất đẹp và của núi rừng bao la hùng vĩ họa sĩ Trần Thị Thu còn đôi khi “nghịch” với con chữ. Trần Thị Thu sáng tác khá nhiều thơ, những câu thơ của Thu cũng đẹp như cái kết rất có hậu của “Xống chụ xon xao”.
“Lời đàn Môi
Dẫn lối
Muộn mằn
Chàng đón về
Một ánh trăng”.
Tôi cầu mong dịch dã qua mau để thế giới bình an, để triển lãm cá nhân sắp tới của Trần Thị Thu được diễn ra suôn sẻ tốt đẹp.