Mạc Can- Một đời rong ruổi

Hoàng Thu Phố 23/04/2020 19:38

Mạc Can là nhà ảo thuật, là diễn viên nhưng cũng là một nhà văn. Nói chung ông là một nhân vật thú vị. Thú vị và có phần bí ẩn.

Mạc Can- Một đời rong ruổi

1. Vào Sài Gòn tôi hay ngồi với Mạc Can trong một quán đầu hẻm nào đó. Thường là những chỗ Mạc Can hay lui tới. Chủ quán đã quen thói quen của ông. Ngồi bàn nào, ghế nào, uống thứ nước gì. Tất nhiên món đồ uống Mạc Can yêu thích nhất đó là trà đá. Trà gì không quan trọng, miễn là có nhiều đá.

Ngồi với Mạc Can, những câu chuyện không đầu không cuối được ông kể, vui có buồn có. Nhưng chuyện nào cũng được ông kể một cách chân thành, ấy là tôi nghĩ thế. Dù tôi biết, cuộc sống trôi dạt của ông từ tấm bé, khiến ông đã thu xếp cho mình một lối sống có nhiều “tự vệ”. Tự vệ cả trong những câu chuyện kể, những nhận xét về đời, về người.

Cuộc đời Mạc Can có nhiều bí mật. Có bí mật ông muốn cất giấu. Có bí mật ông muốn tạo ra, đưa người ta vào một “ma trận”. Nhiều chuyện, nhiều chi tiết Mạc Can, theo thói quen, có thể “thêm vào, bớt ra” cho xôm, để gây cười, thậm chí tăng phần lâm li. Giống như ông vẫn thường làm khi đọc kịch bản phim, kịch bản vở tấu hài nào đó trên truyền hình. Nhưng nếu lược qua những chi tiết ấy, có thể đọc được con người thật của ông.

Tôi nhớ một chiều Sài Gòn mưa tầm tã. Ngồi với Mạc Can trong quán cà phê nhỏ ven đường, tôi hỏi đường về nhà ông còn xa không? Mạc Can cười rầu: “Tui đâu có nhà. Tui ở nhà trọ mà”. Nói rồi ông chỉ tay vào chiếc xe cup phía sau có gắn thêm chiếc hộp đựng đồ kềnh càng. “Trong đó có tất cả đồ đạc cá nhân cần thiết, tiện đâu tui có thể ngủ đó” - Mạc Can nói và giải thích thêm: “Tui cũng không ở trọ cố định một chỗ lâu. Thi thoảng thấy chán, hay thấy chỗ khác vui hơn là tôi lại rời đi”.

Mới rồi, có dịp trò chuyện với Mạc Can, ông bảo, dạo này vẫn sống một mình, thuê nhà trọ ở phường 26, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. “Tôi thích sống cô độc một mình tự thấy vui sau các công việc”- ông nói. Đó là thói quen của Mạc Can. Thói quen ấy được “lên dây cót” từ những năm thơ bé, cậu bé Lê Trung Cang (tên thật của nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can) theo gánh hát của gia đình đi diễn khắp miền Tây. Cuộc sống nay đây mai đó cho ông chứng kiến nhiều cảnh đời, phận người. Sau này, khi làm diễn viên, những chuyến theo đoàn đi đóng phim cũng gia cố cho lối sống bất định ở ông.

Đã nhiều lần Mạc Can kể về cuộc sống nhiều trôi dạt. Ông hay ví mình như một con ruồi, một con gà lang thang. Lại có lần ông ví mình hệt như bông lục bình nổi nênh trên sông nước. Mạc Can bảo số ông là vậy, sinh ra trên ghe thuyền của sông nước, vì thế, chọn lựa cuộc sống yên ổn dường như đều không hợp. Đây là một đoạn trong hồi ký mà ông cho tôi đọc: “Mẹ tôi nói, tôi sinh ngày 14/4 năm Ất Dậu. Nhưng tôi cứ ngờ ngợ làm sao, có đúng không, rồi không biết do gì mà tôi thêm một chữ “chiều”. Tôi sinh vào chiều 14/4/1945 - thêm một chữ chiều, tôi yên tâm hơn.

Tôi cứ luôn nghĩ mình chào đời trên một dòng sông bọt bèo nhiều âm thanh. Nơi tôi sinh ra, lại cũng trên một chiếc ghe hát rong. Từ đó cho tới nay, là một chuộc phiêu linh dài không ngưng nghỉ. Vừa đi vừa lắng nghe những thăng trầm như nghe một giàn nhạc giao hưởng lớn, nhắc nhở tôi nhiều điều. Sống làm sao cho ra người, đầm ấm tình nghĩa với mọi người...”

2. Đến giờ, Mạc Can là tác giả của chừng 20 đầu sách. Văn chương cho tôi thoát khỏi thân phận “tép riu”- Mạc Can bảo vậy. Ai tin thì tin không tin thì thôi. 20 đầu sách ấy “có cuốn được, có cuốn không”- ông bình thản nhận xét. Nhưng có một cuốn sách gây ấn tượng mạnh với nhiều người, ấn tượng ngay cả với những nhà văn chịu đọc, đó là “Tấm ván phóng dao”. Cuốn sách ấy cũng đưa ông nhận nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Mạc Can kể rằng, khi ông bắt đầu manh nha những suy nghĩ về “Tấm ván phóng dao”, thì nó chưa có tên. Kể cả lúc tôi trôi dạt theo các đoàn hát xuôi ngược khắp miền Tây Nam Bộ sau ngày Giải phóng. Gần đây, “Tấm ván phóng dao” tiếp tục được tái bản với hình bìa vẽ lại từ bức ảnh tư liệu hiếm hoi về chính gánh hát của gia đình ông. “Tấm hình đó chụp đúng thời kỳ câu chuyện xảy ra” - Mạc Can kể: “Anh Hai tôi là người phóng dao, em gái tôi là cô đào đứng trước tấm ván, còn tôi là thằng hề nhỏ trông khá buồn cười”.

Bước vào văn chương, Mạc Can có sự hồn nhiên nhất định, không như nhiều người. Và “Tấm ván phóng dao” là một cuộc phiêu lưu lớn của Mạc Can trong mê cung của chữ và nghĩa. Nhưng chính cuộc sống trôi dạt và nhiều va đập cũng khiến ông sớm nhận ra, trong cuộc vật lộn với 24 chữ cái, làm sao để khác biệt, hấp dẫn là cực kỳ nhọc nhằn. “Có người nói tôi không biết gì về những tai nạn văn chương, hay biết mà bỏ ngoài tai. Thật ra khi viết tôi cũng sợ nhưng không vì thế mà không viết. Cuộc đời quá khó với tôi. Tuy nhiên tôi không hận không giận mà còn cám ơn”- Mạc Can tâm sự.

Mạc Can- Một đời rong ruổi - 1

Bìa cuốn “Tấm ván phóng dao” vừa được NXB Trẻ tái bản.

3. Khi gặp Mạc Can, tôi thích lắng nghe ông kể chuyện. Xen giữa những câu chuyện đời, chuyện nghề, là… chuyện tình. Mạc Can thường dừng lại khá lâu khi kể về những cuộc tình của mình. Lần đó, ông kể về “cuộc tình một đêm” với một phụ nữ người Nhật. Đó là đầu năm 1980, có một đoàn làm phim của Nhật đến Sài Gòn. Mạc Can được mời vào vai người đi chợ để giới thiệu các sản vật Việt Nam. Trong đoàn phim có bà Yoko, khoảng 35 tuổi, chuyên lo hậu cần, phát “thù lao” cho các nhân vật. Mạc Can và bà Yoko đã có một tình yêu… sét đánh. Quay xong, đoàn làm phim đóng máy về nước. Chừng 2 năm sau, ông nhận được thư của bà Yoko. Bức thư bà viết để báo cho Mạc Can biết, ông đã có một cô con gái. Nhưng người phụ nữ Nhật muốn giữ đứa con đó là của riêng mình… Mạc Can chứng thực cho điều này bằng chuyện hơn 10 năm trước ông đã sang Mỹ để gặp con gái.

Nếu chịu đọc sách của Mạc Can, cũng có thể thấy hiện ra nhiều cuộc tình nho nhỏ. Như trong truyện “Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa”, nhân vật người phụ nữ tên Cầm chẳng hạn. Gặp Mạc Can, tôi đã hỏi về bà Cầm. Mạc Can bảo: “Bà Cầm vẫn còn sống ở ngôi nhà có cái cửa sổ tò vò ấy. Tôi vẫn hay chạy xe máy xuống Cần Giuộc. Ngồi đâu đó, thường thì cái quán cà phê cạnh cầu tàu để nhìn bà. Cầm chính là nhân vật của câu chuyện “Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa”. Cho tới nay Cầm vẫn chưa biết rằng tôi rất yêu bà, đó là mối tình đầu “không bao giờ nói” của tôi”.

Tôi cũng chưa quên một lần, khi đó ngồi trong quán cà phê góc khuôn viên 81 Trần Quốc Thảo, Mạc Can say sưa kể về sự “say nắng” của ông với một người phụ nữ bán ve chai. Lại một lần khác, ông kể về một người phụ nữ ông đang thương, và ông đang thiếu chút tiền để mua tặng chiếc tivi mới. Rồi những người phụ nữ trong những quán nhỏ ông hay ngồi uống ly trà đá nhiều khi cũng khiến trái tim ông xao động.

Hồi đầu năm nay, ở tuổi 75, ông lại kể về sự “say nắng” của mình trước một người phụ nữ. Mạc Can thật thà: “Tôi có cái tật phải tìm sống trong một câu chuyện thật, suy nghĩ thấu đáo về các nhân vật, ví dụ như phải yêu thật sự thì mới hiểu và viết về tình yêu được. Mới đây bất ngờ tôi lại yêu sau bao nhiêu năm hầu như quên mất là mình có thể yêu ở cái tuổi cổ lai hy này. Tôi viết được một truyện ngắn có tựa là “Cặn tình” và tôi đang nghiền ngẫm “sự cố” nguy hiểm này để thành cuốn tiểu thuyết ngôn tình có tựa là “Say nắng”.

Tôi ngồi nghe Mạc Can kể chuyện. Những chuyện tình nho nhỏ trôi qua đời ông. Một đời cặm cụi. Một đời trôi dạt qua những miền đất, qua những nhớ thương. “Tôi nhỏ con thấp bé, làm nghề gì không tỏ. Hình như là người bị “thất tung” mà lại có khá nhiều phụ nữ mến thương tôi, cứ tìm cho ra thằng tôi cứ thương tôi. Buộc lòng tôi phải thương lại. Nhưng làm chủ gia đình hay làm chồng thì tôi kém lắm. Cho nên trốn nơi nầy thì tôi tá túc nơi khác. Phụ nữ đối với tôi là không thể thiếu. Khổ vậy đó”- Mạc Can trần tình.

Hoàng Thu Phố: Sài Gòn có vị trí như thế nào với ông?

Mạc Can: Sài Gòn luôn ở trong trái tim tôi. Tôi đã sống và yêu cũng như tạo sự nghiệp ở đây.

Hiện cuộc sống của ông ở Sài Gòn như thế nào?

- Tôi sinh ra ở miền Tây nhưng từ nhỏ tới bây giờ sống và làm việc ở Sài Gòn, sống bằng nhiều nghề làm diễn viên, có viết báo kịch trường sân khấu có về sau có viết truyện ngắn, truyện dài và lần hồi tập tành viết… tiểu thuyết.

Ông thường ngồi viết khi nào?

- Tôi ngủ một chút rồi chợt thức, viết một chút rồi ngủ sáng đêm.

Trong giới nghệ sĩ, ai là người bạn thân nhất của ông?

- Thú thật là tôi không có bạn thân, không hiểu vì sao như vậy, trong giới nghệ sĩ ai tôi cũng có quen, hầu như ai cũng mến cũng thương tôi còn nói là bạn thân thì chưa thấy.

Danh hiệu lớn nhất mà ông được trao là gì?

- Đừng gọi tôi là nhà văn hay nghệ sĩ gì hết, cứ gọi Mạc Can là đủ.

Hoàng Thu Phố