Đại thi hào Nga Pushkin: Những ngày cách ly và tấm bia mộ mang tên người khác

(Nguồn tham khảo: Russia Beyond RIA) 24/04/2020 18:51

Ít ai biết rằng, Aleksandr Puskin (1799-1837) - “Mặt trời thi ca Nga” từng phải hoãn đám cưới để cách ly phòng dịch tả trong hơn 3 tháng. Pushkin và Natalia Goncharova đã đính hôn hồi tháng 5/1830. Nhưng rồi vì một lý do riêng mà đám cưới đã hoãn suốt mùa hè năm đó. Nhưng khi họ định tổ chức đám cưới thì lại phải hoãn do lệnh cách ly trên toàn nước Nga trước sự bùng phát của dịch tả.

Đại thi hào Nga Pushkin: Những ngày cách ly và tấm bia mộ mang tên người khác

Ngày 3/9/1830, Pushkin tới Bolshoye Boldino- là đất đai của gia đình ông để tiếp nhận ngôi làng Kistenevo mà cha ông đã tặng cho ông vào dịp ông sắp kết hôn. Cuối tháng đó, ngày 30/9, Pushkin viết cho Natalia: “Anh vừa được thông báo là người ta đã lập 5 khu cách ly từ đây cho đến Moscow. Anh sẽ phải dành 14 ngày trong mỗi khu cách ly. Em thử nhân lên mà xem và tưởng tượng tâm trạng của anh thế nào”.

Việc cách ly này, được thực hiện dựa trên lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Count Zakrevsky.

Là người có trái tim cuống nhiệt, dù đi lại cực khó khăn nhưng vào giữa tháng 10/1830, từ Boldino khi biết tin dịch tả đã lan tới Moscow, Pushkin vẫn tìm mọi cách tới thành phố này để được ở bên Natalia. Tới nơi thì Natalia đã dời khỏi Moscow. Buồn bã, ông đành quay trở lại Boldino, tiếp tục cuộc sống cách ly.

Trong tâm trạng buồn bã nhưng không bi quan, ông viết cho người bạn là Pyotr Pletnev như sau: “Ngôi làng địa phương này mới duyên dáng làm sao. Tưởng tượng nhé: Cánh đồng cỏ bất tận bao xung quanh, không một người hàng xóm nào trong tầm mắt, cứ thế đi thoải mái tùy thích, còn ở nhà thì viết bao nhiêu cũng được, chả ai cản đường”.

Trong một lá thư khác gửi vị hôn thê Natalia, Pushkin viết: “Anh bây giờ để râu dài em ạ. Khi đi ra ngoài, người ta toàn gọi anh bằng chú. Anh thức giấc lúc 7 giờ sáng, uống cà phê và nằm ườn đến 3 giờ chiều. Sau đó anh đi cưỡi ngựa. Đến 5 giờ anh đi tắm rồi dùng bữa tối gồm khoai tây và cháo mạch. Anh đọc sách đến 9 giờ tối. Thời gian gần đây anh viết được rất nhiều, ra cả một đống”.

Sau này người ta mới biết, thời kỳ cách ly lại là giai đoạn hiệu quả nhất trong sự nghiệp sáng tác của Pushkin. Ông hoàn thành Chương 8 và Chương 9 của cuốn tiểu thuyết thơ “Eugene Onegin”. Ông cũng viết được “Tập truyện ông Belkin” về những người nông dân mà trước đó ông vốn ít có dịp tiếp xúc. Ông cũng viết các vở kịch “Tiểu Bi kịch”. Người ta gọi thời kỳ cách ly này trong cuộc đời của Pushkin là “Mùa thu Boldino”- nơi ông phải cách ly và sáng tác rất hiệu quả.

Ngày 5/12/1830, Pushkin trở về Moscow khi dịch tả đã kết thúc và việc cách ly được dỡ bỏ. Như vậy, ông đã ở “khu cách ly” 3 tháng (trừ một số ngày ông trở về Moscow tìm vị hôn thê).

Tuy nhiên, nhìn lại, người ta thấy rằng cuộc sống của đại thi hào không bình ổn. Là người đào hoa, với trái tim “ngùn ngụt ngọn lửa tình yêu”, trước khi cưới Natalia, Pushkin đã “loạn nhịp” trước khá nhiều phụ nữ. Nhật ký của ông lưu lại 37 cái tên, còn trong một lá thư gửi người đẹp Vyazemskaya trước khi cưới Natalia, ông viết: “Hôn lễ của tôi với Natalia (và đó là tình yêu thứ 130 của tôi) đã được quyết định”.

Người ta cho rằng, mối tình đầu của Puskin là Yekaterina Pavlovna Bakunina, chị gái của một người bạn học. Nhưng rồi sau đó ông lại đắm đuối trước sự quyến rũ chết người của Evdokia Ivanovna Golitsyna, người phụ nữ hơn ông tới 20 tuổi. Đó cũng là lúc ông chính thức bước vào thi đàn Nga.

Một mối tình trắc trở khác của Pushkin chính là khi trái tim ông loạn nhịp trước Anna Petrovna Kern, người kém ông 21 tuổi, và đã có chồng, người đàn ông hơn vợ tới 32 tuổi. Tháng 6/1825, trên đường tới Riga, Anna Kern rẽ vào thăm trang trại của bà dì Prasovia Osipova. Lúc này, Puskin đang chịu cảnh lưu đày ở gần khu trang trại đó và tình yêu của họ bùng cháy trong hoàn cảnh trớ trêu của cả hai người. Nhưng rồi nó cũng sớm lụi tàn, Pushkin lại trở về trong cô đơn…

Riêng với Natalia, chỉ một cuộc gặp vào tháng 12/1828, Puskin đã viết: “Khi tôi nhìn thấy nàng lần đầu tiên, tôi đã yêu nàng ngay và tôi đã cảm thấy chóng mặt”. Lúc đó, Natalia 16 tuổi còn Pushkin 29 tuổi. Đây cũng là người đàn bà cuối cùng trong cuộc đời Pushkin, trước khi ông bị chết trong một cuộc đấu súng chỉ sau khi làm chồng làm cha 6 năm.

Bước ngoặt bi thảm trong cuộc đời Pushkin là vào năm 1834, tình cờ trong một vũ hội, Natalia gặp viên sĩ quan kị binh người Pháp 22 tuổi Georges d’Anthes. Tới tháng 11/1836, Pushkin nhận được qua đường bưu điện một lá thư nặc danh cho biết ông đã bị vợ cắm sừng. Sau đó Puskin đã thách đấu súng với d’Anthes. Ngày 27/1/1837, trong cuộc đấu súng, Pushkin đã bị d’Anthes bắn trọng thương và đã không qua khỏi.

6 năm sau khi chống chết, tới năm 1843, Natalia được giới thiệu làm quen với một người bạn của anh trai mình, tướng độc thân Lanskoi, 45 tuổi. Tới ngày 16/7/1844 hai người làm đám cưới. Ngày 26/11/1863, Natalia qua đời vì bị viêm phổi nặng. Trên tấm bia mộ của bà chỉ khắc họ Lanskaya của người chồng thứ hai…

(Nguồn tham khảo: Russia Beyond RIA)