Sập bẫy vay nhanh
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất “cắt cổ” gần 1.100%/ năm. Đứng đầu ổ nhóm tội phạm này là những người có quốc tịch Trung Quốc, nhưng thuê người ở TP HCM đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật.
Cơ quan công an đã bắt 5 nghi phạm bao gồm cả người Trung Quốc và người Việt Nam, với cáo buộc tội danh cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Đây không phải là trường hợp đầu tiên người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
Điều tra bước đầu của cơ quan công an cho thấy, có tới hơn 60.000 người ở rải rác trên khắp cả nước đang là “con nợ” của băng nhóm tội phạm này. Có người chỉ vay vài triệu đồng nhưng không trả được đúng hạn thì sau một thời gian lãi mẹ đẻ lãi con đã trở thành số nợ lên tới vài trăm triệu đồng. Nhiều người biết vay tiền qua app bị tính lãi suất cao nhưng do cần tiền nhanh để giải quyết công việc nên vẫn chui đầu vào bẫy của ổ nhóm tội phạm cho vay nặng lãi này.
Hầu hết các “con nợ” của đường dây cho vay nặng lãi qua app này đều là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, dù có xoay xở đủ mọi cách thì những người nghèo cũng không thể tiến, chẳng thể lui. Do vậy khi vớ được chiếc “phao cứu sinh” là vay tiền đơn giản qua app, họ đã không kịp nghĩ tới hậu quả khủng khiếp sau này. Được tới đâu hay tới đó, bất chấp lãi suất bao nhiêu, miễn là giải quyết được món nợ trước mắt.
Dù vẫn xác định tư tưởng từ trước là sẽ bị “chặt chém” tiền lãi, song cũng ít ai ngờ được sẽ bị tính lãi suất “cắt cổ” cao gấp hàng trăm lần. Với việc được vay nhanh chỉ trong “vài nốt nhạc”, không phải làm nhiều thủ tục phiền hà mà có thể nhận được tiền ngay đã khiến không ít người tán gia bại sản, thậm chí phải bỏ xứ tha hương để trốn nợ nhưng cũng không thoát.
Thời gian qua, báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để cảnh báo người dân về các chiêu thức ngon ngọt của những kẻ cho vay nặng lãi nhằm lừa người túng bấn sập bẫy. Song, có vẻ như thế là chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, hoặc giả những người nghèo đã “hết cách” để xoay xở nên dù biết cái “hố” trước mắt vẫn cứ lao xuống. Đó chính là điểm yếu của họ để những kẻ cho vay nặng lãi khai thác triệt để.
Dư luận xã hội cho rằng, bên cạnh sự nhẹ dạ cả tin của người dân để các ổ nhóm cho vay nặng lãi có thể lợi dụng cưỡi trên lưng hút máu họ, thì cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, từ chính quyền địa phương tới lực lượng công an. Nói như vậy hoàn toàn có cơ sở, khi mà hoạt động tín dụng đen đang hoành hành khá công khai trên nhiều tỉnh thành của cả nước. Chỉ cần lên google search cụm từ “vay nhanh”, “vay nóng”... thì lập tức hiện ra hàng nghìn kết quả là các trang web và app cho vay tiền.
Thậm chí trên một số đường phố ở TP HCM và một số tỉnh thành phố khác, các ổ nhóm cho vay nặng lãi còn dán số điện thoại liên lạc cho vay nhanh, có những đối tượng cò mồi “chỉ đường dẫn lối” cho các nạn nhân sập bẫy. Vì sao các ổ nhóm cho vay nặng lãi có thể ngang nhiên hoạt động công khai mà không hề kiêng dè, úy kỵ điều gì? Đơn giản là lâu rồi những kẻ hút máu người nghèo ấy chưa phải trả giá đắt cho hành vi táng tận lương tâm của chúng. Vậy thì trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?
Còn nữa, những người có quốc tịch Trung Quốc trong ổ nhóm cho vay nặng lãi vừa bị triệt phá không phải là những trường hợp đầu tiên phạm tội ở Việt Nam. Từng có không ít người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam rồi có những hành vi vi phạm pháp luật như: Làm giả thẻ ATM để rút tiền từ tài khoản của người dân, câu trộm điện thoại, tổ chức cá độ bóng đá... Về nguyên tắc, những người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải có lý do rõ ràng, thời hạn nhất định và quan trọng là phải được giám sát chặt chẽ. Vậy thì vì sao họ có thể hoạt động tội phạm trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý?
Qua những phân tích trên có thể thấy hành lang pháp lý của chúng ta còn lỗ hổng, đặc biệt là việc các cơ quan chức năng chưa hoàn thành chức trách được giao. Tất nhiên, việc nhiều người dân nghèo nhẹ dạ cả tin, chỉ cốt xoay ngay được một khoản tiền để giải quyết nhu cầu của bản thân, gia đình thì cũng đáng trách. Song, xét ở một mức độ nào đó thì thật ra họ lại hết sức đáng thương. Nếu các cơ quan chức năng làm tốt nhiệm vụ của mình, có lẽ những người nghèo túng quẫn đã không bị sập bẫy những kẻ cho vay nặng lãi, để rồi bị chúng “cắt cổ”.