Cây di sản ở Thanh Hóa chết hàng loạt
Tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có một cây gạo cổ thụ, ước khoảng gần 600 năm tuổi. Vào năm 2015, cây cổ thụ này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (HBVTNMT) Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam”. Thời điểm đó, cây gạo này có đường kính gốc khoảng 4m, chu vi gần chục người ôm chưa xuể. Chiều cao thân cây lên tới gần 100m.
Cây gạo ở xã Phú Yên (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) chết sau khi được công nhận là cây di sản.
Cây lớn tới mức đứng ở thị trấn Thọ Xuân (cách khoảng 10km) vẫn nhìn thấy cành lá tỏa bóng bên triền sông Chu. Tại gốc cây gạo này, vào năm 1967 đã diễn ra lễ truy điệu sống của một trung đội nữ dân quân, trước giờ đi tháo bom nổ chậm của máy bay Mỹ ném xuống phá đê sông Chu.
Cây chết sau khi được vinh danh
Thế nhưng không hiểu vì sao, ít năm sau khi được công nhận cây di sản thì cây gạo bỗng nhiên bị bệnh, héo dần rồi chết. Thời gian gần đây, các cành cây mục rơi xuống nhiều nên chính quyền xã Phú Yên phải ngăn đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Cách xã Phú Yên không xa, tại thôn Hào Lương, xã Xuân Lam, một cây gạo cổ thụ khác cũng bị chết chưa rõ nguyên nhân. Hiện cây cổ thụ đã khô phần thân. Tiếp đó là cây gạo cổ thụ khác tại khu vực nghĩa trang Mậu Dịch, xã Xuân Thiên cũng đã chết. Nhưng đáng tiếc nhất là cây gạo đại thụ tại thôn Phú Cường, xã Xuân Yên với đường kính của cây lên tới 6 – 7m. Cây gạo này từng được coi là cây lớn nhất tỉnh nên khi cây chết đi, người dân địa phương đều cảm thấy tiếc nuối.
Không riêng gì huyện Thọ Xuân, tại làng Cẩm Bào, xã Vạn Hoà, huyện Nông Cống, một cây gạo cổ thụ khác, khoảng 600 năm tuổi cũng chết “tức tưởi” sau khi được gắn biển vinh danh “Cây di sản Việt Nam”. Thân cây cao khoảng 10m, hiện đã mục rỗng và trở thành nguồn dinh dưỡng cho các cây ký sinh. Cùng chung số phận, cây gạo cổ thụ ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa cũng chết. Cây gạo này được công nhận Cây di sản Việt Nam vào năm 2012. Có thể khẳng định, những cây cổ thụ nói trên đã trường tồn qua bão tố, thiên nhiên khắc nghiệt, bom đạn chiến tranh... với chiều dài nhiều trăm năm. Vậy tại sao cây lại chết sau khi được vinh danh cây di sản?
Đâu là nguyên nhân?
Hiện tượng nhiều cây di sản Việt Nam, cây cổ thụ ở Thanh Hoá lần lượt chết trong ít năm gần đây nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân cây chết. Người dân cũng như chính quyền địa phương cũng chỉ biết chăm sóc cây theo kinh nghiệm dân gian nên không mang lại kết quả như mong muốn. Về phần cây gạo làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa chết sau hơn 1 năm được HBVTNMT Việt Nam gắn biển vinh danh cây di sản, người dân địa phương cho biết: Khi thấy cây gạo héo úa, cán bộ thôn báo cáo chính quyền xã, xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên Sở VHTTDLvà các cơ quan chức năng đề nghị có hướng chữa bệnh cho cây.
Mặt khác, chính quyền xã Vạn Hòa mời ông Lê Khả Tuấn- Giám đốc một doanh nghiệp chuyên chăm sóc cây cảnh trên địa bàn tỉnh đến tìm hiểu nguyên nhân, bón phân, chữa trị cho cây. Ông Tuấn đóng giàn giáo, bóc các lớp vỏ cây chết và các loài thực vật ký sinh, phun nước, bón phân bón đặc hữu lên thân cây. Nhưng thật đáng buồn, không lâu sau đó, cây vẫn chết trong sự tiếc nuối của người dân địa phương. Chúng tôi quan sát thấy phần móng kè xây kiên cố quanh thân cây vẫn còn nguyên vẹn. Tìm hiểu mới hay, sau khi được vinh danh cây di sản, người dân địa phương đã đóng góp kinh phí, đào quanh gốc cây để xây móng vây xung quanh gốc kiểu như một chậu cảnh lớn. Quá trình đào xây móng, thợ xây đã làm đứt một số rễ cây, có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng của một cây đại thụ đã vào giai đoạn già cỗi. Ngoài ra, khi chăm sóc cây, người dân địa phương còn bón nhiều phân lân, phân hóa học nên có khả năng, cây bị “bội thực” chất dinh dưỡng.
Ông Đậu Tam Thân- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Bào nghi ngờ: Còn có nguyên nhân khác là khi xây dựng nhà văn hóa làng Cẩm Bào và tuyến đường đi qua, tổ thợ đổ bê tông đè lên nhiều phần rễ của cây, có thể gây yếm khí và “nóng” khiến cây chết? Cũng trong giai đoạn này, trên thân cây cũng xuất hiện loại sâu màu trắng, to như ngón tay, đục vào thân cây... Tuy nhiên, chưa có cơ quan chức năng nào điều tra và kết luận xác đáng về hiện tượng cây cổ thụ chết.
Đối với cây di sản tại làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa chết trong tình cảnh tương tự. Khi bà con xây tường bao nhà văn hóa thôn, người ta đã chặt đi nhiều rễ của cây. Ông Nguyễn Đình Tuyên, nhà ở gần cây gạo, cho rằng: Với một cây cổ thụ như vậy, việc chặt đi một số rễ chắc chưa ảnh hưởng gì nhiều. Thời điểm cây chết, có loại sâu lụy màu trắng đục thân cây, có thể đây mới là nguyên nhân chính...
Về hiện tượng cây di sản chết nhiều ở Thanh Hoá, ngoài những nguyên nhân chủ quan do con người thì đa phần các cây cổ thụ nói trên bị chết đều có loại sâu lụy đục thân. Vấn đề đặt ra để bảo vệ những cây cổ thụ sinh trưởng qua hàng trăm, hàng nghìn năm lịch sử ngoài việc bảo vệ của người dân địa phương thì ngành chức năng liên quan cũng cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc cây. Bởi khi cây đã được công nhận là cây di sản thì nó mang trong mình những giá trị riêng, không chỉ là niềm tự hào của cư dân sở tại mà còn liên quan đến hoạt động bảo vệ sự đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, góp phần giáo dục giá trị truyền thống, lịch sử địa phương cho các thế hệ trẻ.