Sống chung với mẹ chồng
Dân gian hiện đại có câu: Hễ cứ thấy một đám đông quần tam tụ ngũ thì một là nhân viên nói xấu sếp, hai là trò nói xấu thầy, ba là con dâu nói xấu mẹ chồng.
“Ranh ngôn” hài hước và cường điệu là thế nhưng nghe ra cũng có điều đung đúng. Vậy có chuyện ngược lại hay không? Nhiều chứ, tuy không bằng vế kia, vì dù sao là sếp, là thầy, là mẹ chồng, ấy đã là tầng lớp “thống trị”, bức xúc nó ít hơn tầng lớp “bị trị”, nên tần suất “nói xấu” sẽ giảm hẳn đi. “Nói xấu” ở đây chỉ đơn giản là những bức xúc ngày thường không thể giải tỏa được, nên các đối tượng mới đi tìm người chia sẻ, là bạn bè và đồng nghiệp. Thời nay, chuyện mẹ chồng nàng dâu xung đột như mặt giăng mặt giời cũng đã bớt lắm rồi, ấy là vì số hộ gia đình sống chung nhiều thế hệ cũng giảm dần theo thời gian, nên “xa thương gần thường”. Rất nhiều chuyên gia và trưởng chi hội phụ nữ đưa ra các lời khuyên về sự thích nghi của mẹ chồng nàng dâu, rằng mỗi người nên nhịn nhau đi một tí nhưng e rằng khó lắm.
Thời nay, cho dù hai bên đồng lòng mà “nhịn” cũng là khó lắm thay, ấy là còn đặt giả định đôi bên cùng nhất trí đồng lòng thay vì chỉ một phía. Cũng bởi, thế hệ nay đã khác xưa lắm rồi.
Các cô gái thời đại mới được bố mẹ chiều chuộng, lối sống trong gia đình cũng khác hẳn các đây một, hai thập niên, chứ đừng nói ba, bốn thập niên trở đi. Nếu là trước năm 86, các thiếu nữ chí ít đều biết đặt nồi cơm, luộc mớ rau và làm vài món mặn cơ bản, mà thực ra cũng chỉ được coi là mức độ “basic” trong nữ công gia chánh chứ chưa nói đến khéo tay, thì nhiều cô gái thành thị ngày nay thậm chí còn không biết gọt hoa quả. Ở nhà cha mẹ chẳng lấy đó làm điều, vì nhà ít con, hoặc có ô sin hoặc mẹ, hoặc bà làm hết phần nội trợ, các cô chỉ lo học hết các lớp bán trú ở trường, quay vòng học thêm, luyện IELTS, làm bài tập về nhà xong đi đánh răng vô giường ngủ là tốt lắm rồi. Thế đã là cực ngoan ngoãn, cha mẹ thấy đủ mừng lắm. Thời gian nào nữa mà nghỉ ngơi chớ đừng nói đến giải trí, nghệ thuật hay xa xỉ nữ công gia chánh.
Thời xưa cả gia đình quây quần trong căn hộ hơn chục mét vuông, giao tiếp là kênh chính của việc giải trí, bởi có muốn tránh mặt nhau cũng chẳng thoát đi đâu được. Giờ kinh tế đi lên, nhà trung lưu đều có phòng riêng, con cái vì thế đã quen với không gian riêng và giải khuây cùng iphone, ipad. Trò chuyện cùng bố mẹ là việc hạn chế hơn các thế hệ trước rất nhiều. Trước cha mẹ mắng con cái im thin thít, nay con có quyền phản biện, phản bác, và muốn con nghe theo cần thuyết phục, đưa dẫn chứng, phân tích, chứng minh, chứ không phải nói điều một điều hai là con nghe cái rụp. Ấy là giáo dục hiện đại bảo thế. Cha mẹ nói gì con nghe răm rắp thì ra ngoài e không thích nghi được với một xã hội đầy tính cạnh tranh, sáng tạo nhưng cũng không kém phần khốc liệt của thế kỷ 21.
Thời xưa, cả xã hội tôn vinh phong trào ba đảm đang, giờ người ta tôn vinh phụ nữ dám sống là chính mình: Thích sống độc thân thì có thể có con mà không cần chồng (sẽ được khen là dũng cảm), thích bao la bay nhảy thì sẽ xách ba lô một thân một mình đi khắp thế giới thu hút bao fan hâm mộ (sẽ được khen là cá tính), thấy chồng tệ quá thì lên ủy ban nộp đơn bỏ phứt là xong (sẽ được khen là mạnh mẽ), và những phụ nữ có các ông chồng làm hết việc nhà, tuần còn tự tay tắm gội cho vợ hai lần sẽ đầy tự tin khoe trên Facebook (sẽ được khen là người phụ nữ đi đầu trong lĩnh vực nữ quyền). Giờ này là giờ nào rồi mà còn bắt phụ nữ vừa đảm việc nước giỏi việc nhà, thực là tư tưởng đi ngược lại sự tiến bộ, bình quyền, khác gì các anh bắt chị em ôm cùng lúc hai nghĩa vụ, trong khi các anh chỉ có một việc. Thật cổ hủ, lạc hậu và gia trưởng. Và tất nhiên, phụ nữ mà nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh vì chồng vì con quá đáng không những bị cả hội chị em bạn dì chê… đần, mà còn bị phê phán công khai trên các chương trình dành cho phụ nữ của nhà đài. Một thế giới truyền thông hoàn toàn thay đổi hình ảnh phụ nữ trong thập niên 20 của thế kỷ mới. Và giới nữ tiếp thu tư tưởng ấy, tuyệt đối.
Vậy các bà mẹ chồng mong muốn điều gì ở con dâu? Không người phụ nữ dù hiền lành hay nanh nọc lại thích thú với một cô con dâu gọt quả xoài cũng lóng ngóng, rửa bát xong là nhanh nhanh chóng chóng chui vô phòng riêng với chồng, thời gian chia sẻ thông tin với bố mẹ chồng chỉ gói gọn trong bữa cơm tối, mẹ chồng bảo con dâu cho cháu nội ăn bột xương ninh thì dâu con lẳng lặng mua ngũ cốc tổng hợp theo đúng lời khuyên trong sách, bảo nấu cháo gà hạt sen tẩm bổ cho chồng thì dâu điềm nhiên cho chồng uống detox nhịn bữa tối vì bụng đã bự lắm rồi. Và không ít lần mẹ chồng đọc được những tư tưởng “nữ quyền” của dâu con trên Facebook, những phát ngôn vô thưởng vô phạt, loại nhan nhản có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trên cõi mạng nhưng lại cực kỳ lạ lẫm với mẹ chồng. Dâu con biết mẹ chồng không thích những điều ấy nên cũng cố điều chỉnh. Nhưng cần phải hiểu rằng, một con người từ cha sinh mẹ đẻ, mấy mươi năm đã theo lối sống ấy, tư tưởng ấy mà gia đình, bè bạn, đồng nghiệp chẳng ai thấy là vấn đề, giờ vì yêu chồng, kính mẹ chồng mà thay đổi bản thân thành con người khác, là điều bất khả. Nếu chưa nói chỉ thay đổi một phần thế ấy cũng đã là chịu đựng, là khốn khổ và xì trét lắm rồi. Đã không phải là bản chất, là thói quen, là phản xạ có điều kiện thì cũng giống như người Bắc mà phải giả giọng Nam, đến lúc kêu đau bỗng thốt tiếng Bắc, thế là bao công sức sắm vai đổ sông đổ bể cả.
Mẹ chồng, cũng vậy, bỗng dưng có người lạ vô nhà, sống tréo ngoe một mình một kiểu, nên cũng phải nhẫn nhịn. Đời sao khổ thế, đang yên đang lành là bà nội tướng trong nhà, nói gì chồng con theo một phép mà giờ lại phải nhịn một đứa con gái nứt mắt từ đâu đến. Mà nhịn đấy rồi vẫn chưa xong, vì cái cô kia, mặc dù con trai mình thề sống thề chết rằng “như thế là đã thay đổi hẳn con người để thích nghi với gia đình mới”, vẫn cứ thế nào ấy. Chuyện gì thấy cũng không lọt mắt. Vậy thì phải bảo mới được. Bậc làm cha làm mẹ sửa nết cho con là bình thường chớ sao. Dâu con cả đời chả bị ai chỉnh đốn, ở nhà mẹ đẻ có chỉnh thì phản biện lại ngay (dù có làm theo mà được cãi vớt mấy câu nó cũng đỡ xì trét), giờ không dám cãi đành ngậm bồ hòn. Đã phải sống thành con người khác, lại còn phải ngậm hạt thị làm thinh. Nói với chồng thì thành to chuyện, đành đi tìm bạn gái, đồng nghiệp mà xả chớ sao.
Khổ nỗi, người ta chỉ chọn được chồng, chớ không bao giờ chọn được mẹ chồng. Người đàn ông này tìm hiểu không ưng thì ta đi kiếm người khác, chớ mẹ chồng này không thuận sao có thể thay mẹ chồng khác. Thời xưa, thích nghi nó dễ vì lối sống của mẹ chồng con dâu dẫu có thế nào cũng không khác xa nhau quá. Thời xưa, nhịn mẹ chồng nó dễ vì phụ nữ ở nhà với cha mẹ đẻ cũng đã được dạy cái nết nhẫn nhịn, thế mới là gái ngoan. Thời nay khác rồi, thích nghi và nhẫn nhịn quá dẫn đến trầm uất cả mẹ chồng lẫn con dâu. Không ít nhà cả đôi bên đều phải tìm đến bác sĩ tâm thần để xin một đơn thuốc. Nhất là trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19, nhiều cặp mẹ chồng con dâu giáp mặt nhau cả ngày, chung đụng 24/7 càng stress nặng. Trước là hai vợ chồng đi làm 8 tiếng, thời gian giao tiếp ít, ấy là đôi bên còn quý hóa nhau, hoặc khuất mắt trông coi. Giờ bị “nhốt” chung trong nhà dài ngày, xung đột về lối sống, tư duy, hành vi vì thế càng trở nên nặng nề mà không biết đi đâu cho thoát. Ngày thường có tức giận thì đôi bên còn qua hàng xóm, đến cơ quan để “xả”, giờ ra đường lý do không chính đáng là bị hỏi giấy tờ. Biết trình bày sao với công an, chả nhẽ rằng tôi về nhà mẹ đẻ để xả stress.
Mẹ chồng, đa phần thích ở cùng con dâu, con trai, với điều kiện con dâu phải “thích nghi”. Con dâu, không biết có mấy người tha thiết ở với mẹ chồng. Tôi quen nhiều bà mẹ chồng, thi thoảng ngồi phàn nàn về con dâu, chuyện gì con dâu cũng sai cả, lúc ấy tôi thường tủm tỉm hỏi “Nếu con gái chị có hai lựa chọn, ở riêng hoặc sống chung với mẹ chồng thì chị ủng hộ phương án nào.” – “Ở riêng chứ, tội gì ở với mẹ chồng.”, mẹ chồng buột miệng. Trong chuyện này, tôi mới bảo các mẹ chồng, chẳng bên nào có lỗi cả đâu, lỗi là ở khoảng cách thế hệ và bốn bức tường chung đụng. Các nước văn minh, vì thế mà ngay cả cha mẹ đẻ và con gái ruột khi đã trưởng thành cũng không bao giờ ở cùng nhau dưới một mái nhà là vậy.