Đà Nẵng cũng xin cơ chế đặc thù

M.Loan 24/04/2020 22:44

Đây là ý kiến của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết một số cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, sáng 24/4.

Đà Nẵng cũng xin cơ chế đặc thù

Trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết theo đề xuất của Chính phủ là quy định một số cơ chế, chính sách về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư phát triển, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đối với thành phố Đà Nẵng.

Trong các nội dung này, nhận được sự thống nhất cao của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là thí điểm chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND.

Một số đặc thù khác cũng được Thường vụ Quốc hội đồng tình như cho phép tổng mức dư nợ vay của thành phố không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp hay HĐND thành phố được tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí... Vấn đề rất quan trọng nữa được Chính phủ đề xuất là phân quyền cho HĐND, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố (Luật quy hoạch quy định Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng).

Vấn đề này, theo thẩm quyền thì cần được Quốc hội quyết định. Và theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì có đưa ra cũng khó có thể được Quốc hội chấp nhận.

Nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là cùng một cơ chế, tại sao Đà Nẵng phát triển như vậy, Bí thư Thành uỷ Trương Quang Nghĩa nói đó là lời nhắc nhở thế hệ hiện tại làm sao để đưa Đà Nẵng tiếp tục phát triển và khắc phục được những hạn chế thời gian qua. Ông Nghĩa cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng phát triển, “để chúng tôi có cơ hội đóng góp lớn hơn cho đất nước, từ tâm khảm chúng tôi luôn nghĩ như vậy”. Ông Nhgĩa nói thêm: “Tâm nguyện của những người chuẩn bị nghỉ nhiệm kỳ này là chuẩn bị rất tốt quy hoạch chung theo nghị quyết 43 của Bộ Chính trị mà nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển cho thành phố là công cụ để thực hiện tốt nghị quyết 43, như là một sản phẩm để lại cho nhiệm kỳ sau”.

Nếu điều tiết hợp lý, có cơ chế đặc thù thì Đà Nẵng sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ với tâm tư của Bí thư Trương Quang Nghĩa.

Cũng trong ngày 24/4, buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17,5 ngày. Trong đó, đợt 1 họp 8,5 ngày bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5; đợt 2 họp 9 ngày bắt đầu ngày 10/6 và kết thúc ngày 19/6 (bế mạc kỳ họp).

M.Loan