Thi THPT 2020: Sẽ sớm công bố đề thi tham khảo

Vi Cầm 25/04/2020 08:00

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý Chất lượng vừa cho hay, Bộ GDĐT đang xây dựng đề thi tham khảo, phù hợp mục đích của kỳ thi THPT 2020, sẽ công bố cho thí sinh trong thời gian sớm nhất.

Thi THPT 2020: Sẽ sớm công bố đề thi tham khảo

Sử dụng kết quả thi THPT không phải là phương thức duy nhất để tuyển sinh đại học. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Không có nhiều xáo trộn

Theo đó, do mục tiêu kỳ thi được thay đổi nên định hướng ra đề thi cũng có điều chỉnh, tỉ lệ các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao sẽ giảm bớt so với cấu trúc đề thi năm trước. Phần lớn nội dung đề thi sẽ bám sát nội dung kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT có sự phân hóa nhất định để phân loại được chuẩn đầu ra theo từng nhóm khác nhau. Ba bài thi tốt nghiệp THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cấu trúc sẽ tương tự như đề thi tham khảo đã công bố. Riêng hai bài thi tổ hợp KHTN, KHXH sẽ được cấu trúc lại theo hướng nhẹ hơn và bài thi sẽ chỉ có một đầu điểm chung, không phải tính điểm thành phần từng môn thi trong bài thi tổ hợp. Tất cả bài thi đều quy về một đầu điểm ở thang điểm 10, kể cả bài thi KHTN và KHXH.

Ông Trinh khẳng định, về cơ bản, yêu cầu kỳ thi sẽ không có nhiều xáo trộn so với năm trước. Cụ thể là số lượng bài thi, hình thức thi như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Song điểm khác là mức độ đề thi sẽ giảm nhẹ, phạm vi nội dung ra đề thi chỉ trong chương trình đã được Bộ GDĐT giảm tải. Thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi các nhà trường, học sinh lớp 12 năm nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19.

Hiện Bộ GDĐT đang triển khai các công việc cụ thể để chuẩn bị tổ chức tốt nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Dự thảo Quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT với quy trình rút gọn sẽ được ban hành sớm để phù hợp với thời gian tổ chức kỳ thi. Ngay sau đó, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức kỳ thi đến các địa phương.

Tiếp tục hỗ trợ lọc ảo

Việc thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT 2020, khi không còn là kỳ thi THPT quốc gia nữa, cũng đang đặt ra nhiều băn khoăn trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH- CĐ) năm nay. Đơn cử như dự kiến cán bộ coi thi THPT là người địa phương, giáo viên coi thi đảo chéo giữa các trường. Khác với năm trước, giảng viên các trường ĐH sẽ không về các địa phương coi thi. Như vậy, liệu có xảy ra hiện tượng giáo viên các trường bắt tay nhau, thả cho thí sinh quay cóp, thanh tra thì có nơi làm chặt nơi thả lỏng, dẫn đến kết quả kỳ thi thiếu công bằng, khách quan hay không?

Về vấn đề này, ông Trinh cho hay, trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại thi bằng hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh trong phòng sẽ có một mã đề riêng, tránh tình trạng quay cóp, trao đổi bài. Bộ GDĐT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra với thanh tra từ Bộ (có sự tham gia của giảng viên các trường ĐH), Sở GDĐT, UBND tỉnh. Đây là năm đầu tiên thanh tra UBND tỉnh tham gia. Công tác chấm thi cũng được đảm bảo với thiết bị hỗ trợ giám sát như camera. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm được năng cấp, chấm tại địa phương nhưng quy trình rất chặt chẽ.

Với hình thức thi mới, không ít trường ĐH lo ngại tỉ lệ ảo cao, khó khăn trong công tác tuyển sinh. Giải đáp những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Bộ GDĐT dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH và thí sinh trong công tác tuyển sinh, trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển (ĐKXT), lọc ảo như năm 2019. Với sự hỗ trợ này, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng,… nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành/trường mình mong muốn. Việc lọc ảo tốt sẽ giúp các trường có khả năng tuyển một số lượng chỉ tiêu hợp lý ngay từ đợt tuyển sinh đầu để đảm bảo hoạt động đào tạo chung của nhà trường. Quy trình này đã thực hiện tốt trong những năm qua.

Ngoài ra, do có sự thay đổi của kỳ thi THPT năm nay, một số cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các trường top trên, có thể sẽ tổ chức thi riêng để tuyển sinh cho trường mình hoặc theo nhóm trường. Bộ GDĐT sẽ có giải pháp hỗ trợ việc tổ chức thi, đăng ký xét tuyển, lọc ảo theo nhóm trường. Hiện tại, Bộ GDĐT đang hoàn thiện Quy chế tuyển sinh năm nay và sẽ ban hành sớm nhất trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin thêm: Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỉ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT, tăng dần tỷ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác. Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi TPHT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%. Còn lại là các phương thức khác (từ thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế…) khoảng 10%. Con số này cho thấy, kết quả tuyển sinh ĐH ngày càng có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào sử dụng kết quả thi THPT, tỉ lệ tuyển sinh từ các phương thức khác ngày càng tăng lên. Do đó, sử dụng kết quả thi THPT không phải là phương thức duy nhất để tuyển sinh đại học.

Vi Cầm