Những toan tính trên hòn đảo lớn nhất thế giới
Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới nằm ở Bắc Cực, đang là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của Mỹ cả về địa chính trị lẫn thúc đẩy sự hiện diện quân sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump tác động đến Greenland như những bước đi đầy toan tính về một “địa bàn hứa hẹn nhiều tương lai”.
Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng tại Bắc Cực.
1. Greenland có diện tích 2,1 triệu km2. Dù nằm gần lục địa Bắc Mỹ nhưng đây là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Với 56.000 người sinh sống trên đảo, Greenland là một khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên.
Đối với nhiều người, quốc đảo vốn có 82% bề mặt là băng, cũng là nơi giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đại dương thế giới là một thiên đường du lịch nghỉ dưỡng và “một trong những nơi nhất định phải đến một lần trong đời”.
Nhưng với vị trí địa chính trị quan trọng: Phía Nam là Đại Tây Dương, phía Bắc là biển Lincoln và biển Wandels, phía tây là eo biển Davis và vịnh Baffin, phía Tây Bắc là eo biển Smith và eo biển Nares, phía Đông là eo biển Đan Mạch, những nhà quân sự và chính trị thế giới coi Greenland là “điểm then chốt” tại Bắc Cực.
Đặc biệt, Mỹ với những toan tính chiến lược tại khu vực từ lâu đã coi Greenland là địa bàn không thể thiếu đối với quân đội Mỹ cũng như địa điểm có thể xây dựng và lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của nước này.
“Nếu có được các lợi ích tại Greenland, Mỹ sẽ cạnh tranh với những lợi ích thương mại và quân sự của Nga, Trung Quốc tại Bắc Cực” - các nhà phân tích chính trị tại châu Âu cho biết thêm.
2. Năm 2008, Greenland trở thành quốc đảo tự trị, Đan Mạch đảm bảo các vấn đề ngoại giao và quốc phòng cũng như kiểm soát tài chính. Mỗi năm, theo ước tính Đan Mạch phải chi trên 700 triệu USD cho các hoạt động nói trên. Tháng 8/2019, châu Âu và Đan Mạch sững sờ khi Tổng thống Donald Trump “muốn hỏi mua Greenland từ Đan Mạch vì tiềm năng về tài nguyên và vị trí chiến lược của hòn đảo”.
Dù không tiết lộ số tiền mà Mỹ sẵn sàng bỏ ra nhưng Tổng thống Trump đã đưa sẵn “mồi nhử” với Chính phủ Đan Mạch: “Rất nhiều điều có thể hoàn thành. Đan Mạch chịu thiệt hại rất nặng nề vì họ đang tốn gần 700 triệu USD mỗi năm để gánh vác cho hòn đảo. Vì thế, họ đang chịu tổn thất rất lớn”. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh Mỹ là đồng minh lớn của Đan Mạch và giúp bảo vệ nước này.
Quan điểm và quyết tâm mua Greenland của Mỹ không phải lời nói suông. Trong suốt thời điểm đó, người ta thấy Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Larry Ludlow chạy đôn, chạy đáo trong các cuộc ngoại giao con thoi với Đan Mạch đồng thời không úp mở với giới truyền thông: “Đây là vùng đất giữ vị trí chiến lược và có nhiều khoáng sản giá trị”.Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã từ chối thắng thừng khi tuyên bố: “Greenland không phải để bán. Câu chuyện nên chấm dứt ở đó”.
Tổng thống Donald Trump không phải là lãnh đạo Mỹ đầu tiên để ý đến Greenland cho thấy sự nhất quán trong chiến lược hàng trăm năm của nước này tại khu vực Greenland. Năm 1867, Bộ Ngoại giao Mỹ nghiên cứu khả năng dạm mua Greenland và Iceland. Sau Thế chiến 2, chính quyền Tổng thống Harry Truman cũng đã hỏi mua đảo “đứt” đảo này từ Đan Mạch vào năm 1946 với mức giá 100 triệu USD.
3. “Mỹ không mua được thì tăng viện trợ, tăng sự ảnh hưởng và nhất định không chịu mất đi lợi ích ở khu vực Bắc Cực”- là nhận định của nhiều chuyên gia khi Chính phủ Đan Mạch kiên quyết nói không với chính quyền ông Trump.
Ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu USD cho đảo Greenland chủ yếu dành cho các lĩnh vực tài nguyên và giáo dục. Đồng thời, Mỹ cũng tiết lộ trong năm nay có kế hoạch mở lãnh sự quán ở thủ phủ Nuuk của Greenland kể từ năm 1953.
“Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc tái lập lãnh sự quán ở Nuuk là một phần trong kế hoạch lớn của Mỹ nhằm gia tăng hiện diện tại khu vực Bắc Cực”- theo hãng tin AP. Dù trong Chính phủ và Quốc hội Đan Mạch còn những chia rẽ và bất đồng với chính sách của Mỹ nhưng chính quyền của ông Trump đã có cơ hội hiện diện hơn tại khu vực này.
Theo nhận định của Hãng tin Reuters, Mỹ thông báo về gói viện trợ nói trên giữa lúc Nga tăng cường khả năng quân sự ở Bắc Cực trong khi Trung Quốc tự gọi mình là “quốc gia gần Bắc Cực” và đã đặt kế hoạch cho “Con đường tơ lụa địa cực” tập trung vào các tuyến vận chuyển mới. Động thái của Mỹ nhằm cách chặn đứng sự ảnh hưởng của Nga - Trung tại khu vực này.