Người gìn giữ ngọn lửa huyền thoại Biệt động Sài Gòn
Nhận thấy trách nhiệm của tuổi trẻ trong gìn giữ, tri ân công lao của các thế hệ đi qua hai cuộc chiến tranh, ông Trần Vũ Bình, con ruột của cựu chiến sĩ biệt động là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế) đã dành nhiều năm tìm kiếm và khôi phục lại khá nhiều di tích. Nơi đây vốn từng là cơ sở hầm bí mật của biệt động Sài Gòn từ giai đoạn 1968 trở về trước.
Ông Trần Vũ Bình chia sẻ về quá trình xây dựng hầm bí mật của cha ông - anh hùng Trần Văn Lai. Ảnh: Hồng Phúc.
Những hầm bí mật góp phần làm nên chiến thắng
Ôn lại lịch sử hào hùng của những người lính biệt động Sài Gòn quả cảm năm xưa, ông Trần Vũ Bình cho biết, vào đầu năm 1965, cha ông Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế, bí danh Năm Lai) được chỉ thị tìm một địa điểm an toàn để triển khai công tác mật. Ông Ba Đen và Hai Trí, lúc đó là trưởng cụm A20 gợi ý cha ông tìm một nơi trong khu lao động, có hẻm rộng, thuận lợi cho di chuyển. Thế là 3 căn nhà lọt thỏm vào khu vực người Hoa chuyên bán ve chai giấy vụn mang số 287/68, 287/70, 287/72, đường Nguyễn Đình Chiểu (nay là Q.3) được sang tay ngay. Căn giữa có gác suốt lợp ngói, có cửa hậu là một trong những điều kiện phù hợp. Hai căn phụ ở hai bên được sử dụng nhằm che chắn và phục vụ khách.
Tại các căn nhà này, ông Năm Lai cho thợ xây hai hầm riêng, 1 chứa nước, 1 chứa phân, rồi ống thông thoát nước. Đến khi công trình chấm dứt, ông Năm tự mình bắt tay vào công đoạn cuối là tái tạo hầm bí mật theo yêu cầu của tổ chức. Sau gần 1 tuần xây, lấp, cấu kiện căn hầm hoàn chỉnh có kích thước sâu 3m mỗi chiều 2,5m với lỗ thông hơi và nắp đậy đầy kỹ thuật, khó lòng nhận ra. Cũng chính từ các địa chỉ hầm bí mật này, ông Năm Lai cùng các đồng đội của đội quyết tử 950, sau đó được cài vào Tổng liên đoàn lao động và Tổng liên đoàn lao công, chuyển về đơn vị Bảo Đảm đã giúp anh hùng Năm Lai có một quá trình hoạt động trong lòng địch, rút ra những kinh nghiệm quý giá và nhiều lần hoàn thành nhiệm vụ được giao ngay giữa lòng địch đầy hiểm nguy.
Ngày nay, để đến các di tích có hầm ém chứa vũ khí đánh Dinh Độc lập năm xưa phải đi từ đường Cách mạng Tháng 8, rẽ sang đường Nguyễn Đình Chiểu hướng về chợ Vườn Chuối. Gần đến chợ có hẻm 287 và từ đầu hẻm vào đến hộ 287/70 độ 150m. Đây là một trong những căn hầm chứa vũ khí tại Sài Gòn năm xưa. 3 năm dài, kể từ khi xây hầm, tải vũ khí đến lúc khui hầm lấy vũ khí là một khoảng thời gian mà các chiến sĩ cách mạng đã vận dụng mọi kinh nghiệm sống trong lòng địch để bảo toàn hầm bí mật. Ngày nay địa chỉ này trở thành những di tích đặc biệt. Với từng kỷ vật tại đây là hào khí của cuộc đối đầu giữa các chiến sĩ bảo vệ hầm ém chứa vũ khí 287/70 với địch năm xưa. Và, tại những địa chỉ di tích còn hằn in những đòn cân não, những đối phó đầy ngoạn mục của họ. Cũng chính những hầm ém chứa vũ khí để đánh Dinh Độc lập là một bằng chứng lịch sử chiến đấu của biệt động Sài Gòn trong lòng địch.
Phục dựng di tích, ôn cố tri tân
Ông Trần Vũ Bình là một trong sáu người con của cựu chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai, người nổi tiếng với việc tham gia xây dựng hệ thống hầm trú ẩn và chứa vũ khí giữa Sài Gòn phục vụ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 năm xưa. Các hầm trú ẩn này tới năm 1988 được hé mở phần nào, trong đó một trong những hầm trú ẩn là địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Để giới trẻ hiểu hơn về những công trình di tích đặc biệt này, ông Bình dành hơn 20 năm để đi tìm và phục dựng nguyên mẫu, hình thành chuỗi “Cà phê Biệt động” thu hút người trẻ đến tìm hiểu, hồi tưởng lịch sử sống động. Trong số này có các điểm “cà phê biệt động” được phục dựng nguyên mẫu nhiều hiện vật của hầm trú ẩn tại các địa chỉ 287/68-70-72 Nguyễn Ðình Chiểu (Q.3) và một căn nhà khác tại địa chỉ 113A Ðặng Dung (Q.1). Các địa chỉ này có đặc điểm rất đặc biệt đều là các cơ sở của Biệt động Sài Gòn trước đây, quá trình phục dựng được ông Bình cố gắng bày trí, trưng bày những hiện vật ghi dấu mốc lịch sử. Nhiều bạn trẻ sống tại TP HCM khi đến đây thưởng thức cà phê đều không khỏi bất ngờ. “Có những người già khi vào thăm quan đã hết sức xúc động khi nhìn thấy từng cái ly, cái tách, cái muỗng nhôm trong giai đoạn biệt động Sài Gòn. Các bạn trẻ đến cũng rất chú ý lắng nghe từng câu chuyện của những hiện vật lịch sử này”- con trai của anh hùng Trần Văn Lai chia sẻ.
Cũng tại chính những địa chỉ này, từng được anh hùng Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng vào các năm 1968 cho đến năm 1975. Vì vậy, ông Trần Vũ Bình đã cố gắng để lưu giữ và nối tiếp những gì cha ông đã tạo dựng, bằng việc tìm kiếm lại nhiều kỷ vật, đồ đạc xưa của các ngôi nhà, kể cả việc sưu tầm các hiện vật đã lưu lạc, sau đó tổ chức phục dựng nguyên trạng.
Ở các điểm “Cà phê Biệt động” không chỉ để trưng bày những kỷ vật hào hùng của giai đoạn kháng chiến, mà còn phục vụ đồ uống và cơm tấm theo hương vị Sài Gòn xưa. Tại cơ sở số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) được phục dựng ngay tại ngôi nhà có hầm chứa vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khi đó, tại địa chỉ “Cà phê Biệt Động” địa chỉ số 113A Ðặng Dung (Q.1) cũng là Hầm nổi từ những năm 1968 và được sử dụng bí mật cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vào mùa xuân năm 1975. Theo ông Trần Vũ Bình, tại địa chỉ di tích này cho đến nay còn giữ được hiện vật chiếc tủ áo, hộp thư bí mật cùng 400 hiện vật là đồ dùng cổ trong gia đình từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Tất cả đều được giữ lại nguyên trạng và mỗi hiện vật đều gắn với một câu chuyện lịch sử biệt động hào tráng.
Hiện nay chủ quán “Cà phê Biệt động” tại 113A Đặng Dung do anh Võ Trọng Duy, cũng là cháu nội của một chiến sĩ biệt động Sài Gòn quản lý. Mỗi ngày, khi được chứng kiến nhiều người đến thăm quan, hồi tưởng lại lịch sử hào hùng của biệt động Sài Gòn, anh Duy không khỏi tự hào hơn về những gì ông và đồng đội đã cống hiến, hi sinh góp phần vào chiến thắng cuối cùng, thống nhất non sông về một mối. Cũng theo anh Duy, nhiều năm qua, khách ghé thăm điểm cà phê di tích này là từ các cựu chiến binh của cả hai bên trước đây, cho đến các tổ chức đoàn thể, nhiều thanh thiếu niên tại TP HCM và các tỉnh thành đến tìm hiểu, học tập.
Ông Nguyễn Thanh Cương- một cựu chiến binh năm nay đã 71 tuổi, từ Bình Dương lên Sài Gòn để gặp lại những con cháu của những chiến sĩ biệt động năm xưa, nay tâm huyết giữ gìn truyền thống hào hùng của cha anh. Ông Cương xúc động chia sẻ, chuỗi “Cà phê Biệt động” thực sự là hình thức rất ý nghĩa, góp phần lan tỏa tốt hơn truyền thống và những giá trị lịch sử cách mạng đến với thế hệ hôm nay.
Còn với ông Trần Vũ Bình, những di tích được phục dựng chính là một phần mong muốn của ông với thế hệ trẻ về một thời kỳ lịch sử sống động, sôi nổi, hào hùng với những thế hệ cha ông đã hi sinh thầm lặng cho dân tộc, rất cần phải được gìn giữ và giới thiệu để nhiều người được biết đến lực lượng hình thành đặc biệt nhất ở Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh.
Để đến các di tích có hầm ém chứa vũ khí đánh Dinh Độc lập năm xưa phải đi từ đường Cách mạng Tháng 8, rẽ sang đường Nguyễn Đình Chiểu hướng về chợ Vườn Chuối. Gần đến chợ có hẻm 287 và từ đầu hẻm vào đến hộ 287/70 độ 150m. Đây là một trong những căn hầm chứa vũ khí tại Sài Gòn năm xưa. 3 năm dài, kể từ khi xây hầm, tải vũ khí đến lúc khui hầm lấy vũ khí là một khoảng thời gian mà các chiến sĩ cách mạng đã vận dụng mọi kinh nghiệm sống trong lòng địch để bảo toàn hầm bí mật. Ngày nay địa chỉ này trở thành những di tích đặc biệt.