Những mảnh đời phía sau ATM gạo
Gặp những người nghèo đến nhận gạo từ máy ATM gạo ở TP Hà Tĩnh, chúng tôi đã tìm về tận nhà của một số gia đình để tìm hiểu. Cuộc sống vốn đã nghèo, giữa vòng xoáy dịch Covid-19, họ càng túng bấn hơn. “Nếu không bị dịch, không phải nghỉ nghề nhặt ve chai thì tôi cũng không đến xin gạo đâu” - bà Tân, người phụ nữ nghèo ở giữa lòng TP Hà Tĩnh đã nói với tôi như thế.
Sau khi được phát phiếu, người nghèo ở TP Hà Tĩnh đến nhận gạo.
Nghe tin có nhà hảo tâm phát gạo ở Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, bà Vương Thị Tân (63 tuổi) đạp chiếc xe đạp lạch cạch từ khối phố Nam Tiến (TP Hà Tĩnh) đến những mong xin được ít cân gạo về ăn qua ngày. Hôm đó trời mưa lạnh, bà mặc chiếc áo sờn cũ, phía ngoài mang chiếc áo mưa tiện lợi mỏng manh. Ban tổ chức phát gạo phải tạm dừng một ngày để sắp xếp lại nên bà không thể nhận gạo.
Thấy thương người đàn bà nhiều tuổi còm cõi đội mưa đến một mình, anh Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh lấy địa chỉ của bà rồi hứa sẽ đưa gạo đến tận nhà cho bà. Thấy vậy, bà Tân mừng mừng tủi tủi, dắt xe ra về, trên môi mỉnh cười hiền từ, mãn nguyện.
Tôi đến nhà bà Tân vào ngày hôm sau, lúc đó bà đang lên chợ chiều bán vài bó rau vừa nhặt nhạnh từ mảnh vườn nhỏ của mình – nơi duy nhất để mẹ con bà bấu víu trong những ngày dịch bệnh hoành hành. Phải đến tối, khi vãn chợ chiều tôi mới gặp được bà. Ngôi nhà bà và đứa con gái đang ở được rào bằng những thanh củi ngổn ngang, không thể phân biệt được đâu là lối để vào nhà. Là nhà xây nhưng đang dang dở đã vào ở nên trông hết sức nhếch nhác. Phía sau chỉ còn mảnh đất nhỏ khoảng 20m2 với ít loại rau đã được trồng, vun vén cẩn thận.
Bà Tân kể, ngày thường bà đi nhặt ve chai kiếm được đôi đồng về hai mẹ con cũng đủ ăn nhưng dịch bệnh nên nghề ve chai phải nghỉ. Trước đây còn 3 sào ruộng để làm nên còn có gạo ăn, giờ ruộng không còn nữa nên hết gạo mà tiền không có nên nghe tin được phát gạo nên tôi đến xin ít về mẹ con ăn tạm chờ dịch qua.
Sống ở TP Hà Tĩnh 40 năm nay bà Tân đã nếm trải đủ cay đắng của cuộc đời. Khi người chồng phũ phàng bỏ bà và 3 đứa con để đi lấy người khác, một thân một mình nuôi các con lớn khôn. Đứa con trai vừa đến tuổi trưởng thành đã mất vì tai nạn, người mẹ như chết đi sống lại. Đứa con gái đầu lấy chồng, gom góp xây được ngôi nhà nhưng không đủ tiền nên làm dở dang rồi 2 vợ chồng vào Nam làm thuê kiếm sống. Nhà của bà Tân dột nát, chật chội nên bà đến ở, trông nhà cho con gái.
Đứa con gái thứ hai lấy chồng những tưởng cuộc sống ổn hơn nhưng do tâm thần không được bình thường nên nhà chồng trả về cho bà chăm sóc. Biết con bị bệnh nhưng không có tiền chữa trị nên hơn 2 năm nay, bà Tân nhặt ve chai về nuôi con. “Từ khi về ở với tôi, nó chỉ loay hoay trong nhà không hề tiếp xúc với ai, đến tôi còn bị nó chửi bới thậm tệ mỗi ngày. Nhưng tôi chỉ lo khi tôi chết đi thì đứa con gái này không biết sẽ sống thế nào” – bà Tân lo lắng nói.
Ở ngay TP Hà Tĩnh nhưng cuộc sống của gia đình bà Trần Thị Lan (61 tuổi, tổ 2, phường Tân Giang) cũng không khấm khá hơn. Nhận bao gạo 5 kg từ tay những người làm từ thiện, bà Lan tranh thủ bỏ lên xe đạp để về nhà kịp nấu bữa trưa. Bản thân bà đau yếu nên không làm ra tiền để trang trải cuộc sống.
Chồng bà làm phụ hồ nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, ông nhà phải nghỉ ở nhà. Hai vợ chồng già cả còn phải chăm lo cho đứa con trai bị bệnh. Cả nhà trông chờ vào đứa con trai đầu làm nghề lái taxi nhưng 2 tháng nay không có việc làm. “Nhà khó khăn quá, lại dịch bệnh không ai trong nhà đi làm được nên tôi mới phải đến xin gạo” – bà Lan chia sẻ.
Với những hoàn cảnh như bà Tân hay bà Lan, nếu không vì dịch bệnh, không thiếu gạo, họ sẽ không đến nhận 5 kg gạo này, bởi người nghèo cũng có lòng tự trọng của họ. Song thực tế, khi ATM gạo về Hà Tĩnh ngày đầu tiên (ngày 22/4) đã có hàng nghìn người ồ ạt đến xếp hàng nhận gạo, 15 tấn gạo đã được phát ra cho người dân. Theo ban tổ chức, trong ngày đầu, có những nhà nhận được 4 yến gạo, họ nhận xong ra thay áo rồi lại vào xếp hàng để lấy. Có người hoàn cảnh khá giả nhưng cũng đến lấy gạo, số này chiếm khoảng 20%...!
Trước tình thế đó, những người tổ chức buộc phải tạm dừng 1 ngày để sắp xếp lại, chọn lọc đối tượng. Sau khi họp bàn với UBND TP Hà Tĩnh và một số huyện lân cận, hơn 1.500 phiếu được phát ra, chuyển về các xã, phường. Đối tượng ưu tiên là hộ nghèo, gia đình chính sách, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Được sự hỗ trợ của thôn, xóm, các tổ dân phố trên địa bàn, người nghèo, lao động mất việc làm nhận được phiếu đến nhận gạo vào hôm sau.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh “cấp cứu” ở TP Hà Tĩnh, ATM gạo sẽ được chuyển về huyện miền núi Vũ Quang, Hương Khê, sau đó về huyện Lộc Hà…với phương thức thực hiện là phát phiếu tận hộ gia đình những người thực sự cần.
Quá trình huy động, ATM gạo ở Hà Tĩnh đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ với hơn 37 tấn gạo. Tất cả sẽ được chuyển đến tận tay bà con để cùng nhau vượt qua “bão dịch” Covid-19.