Đẩy mạnh dùng hàng Việt Nam
Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã được nới lỏng giãn cách xã hội; tuy nhiên, dịch Covid-19 được dự báo còn diễn biến lâu dài, do đó vấn đề đặt ra là: Làm sao phải cùng lúc vừa chống dịch vừa lo phát triển kinh tế. Trước vấn đề mà ĐĐK đặt ra, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
PV:Thưa ông, tại Hội nghị công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới “nhiệm vụ quan trọng vào lúc này chính là phát triển kinh tế”. Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng lúc này chúng ta cần đẩy mạnh việc ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là chủ trương đúng, nhất quán từ trước đến nay của chúng ta. Tôi xin nhấn mạnh rằng, việc người Việt dùng hàng Việt có lợi nhiều thứ. Thứ nhất, giải quyết được vấn đề lao động. Thứ hai, giải quyết vấn đề đời sống. Thứ ba, giúp khai thác nội lực. Thứ tư, tránh mọi rủi ro, tác động của thế giới khi có chuyển biến. Vì thế tôi cho rằng trong các chính sách đưa đất nước vươn lên sau dịch Covid-19 rất cần khai thác nội lực, chú trọng đến hoạt động kinh tế trong nước.
Ông có nghĩ trong bối cảnh này, các tập đoàn, tổng công ty, hay doanh nghiệp lớn của ta nên đầu tư trong nước để giúp đất nước?
- Thực tế hiện đầu tư của ta ra nước ngoài cũng mới bắt đầu, ở một số lĩnh vực, phạm vi thấp và mặt hàng chất lượng không cao. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật, năng suất lao động của ta so với các nước xung quanh còn chậm và thấp thì việc đầu tư ra ngoài hiện giờ có ý nghĩa học hỏi, hội nhập, trao đổi khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có lẽ giờ là lúc hạn chế đầu tư ra nước ngoài, chọn lọc khi đầu tư, tập trung vào phát triển trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, ông có nghĩ người tiêu dùng Việt Nam cũng phải vì đất nước để ưu tiên sử dụng hàng Việt, như cách mà trước đây Hàn Quốc từng áp dụng và rất thành công?
- Chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã được chúng ta áp dụng rất sớm, có chủ trương quyết liệt. Bây giờ vấn đề là cần khai thác tích cực, tuyên truyền, giải thích và thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để.
Khi dịch Covid-19 xảy ra chúng ta thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Từ đó nhiều doanh nghiệp cũng phải tạm dừng hoạt động. Cho nên cần nghĩ đến việc sản xuất nguồn nguyên vật liệu ngay trong nước?
- Dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ và cho thấy nhiều hệ quả. Do đó vấn đề cơ cấu, sắp xếp lại nền kinh tế sau dịch này đang được Chính phủ triển khai mạnh mẽ với nhiều đề án. Theo tôi việc khôi phục sau Covid-19 cần phải đánh giá một cách nghiêm túc, đặc biệt là vấn đề nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất và khai thác tiềm lực trong nước phải được chú ý triệt để. Bây giờ chúng ta đang đi vào sản xuất công nghệ cao, khai thác nền nông nghiệp trong nước, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm đưa năng suất của nhiều mặt hàng như khai khoáng; nông nghiệp và các ngành có lợi thế đi lên nhanh. Đó là biện pháp để tăng sản xuất trong nước, giảm phần phụ thuộc từ bên ngoài.
Hiện có nhiều người khuyết tật, yếu thế sản xuất các sản phẩm sạch, không gây ô nhiễm môi trường như tăm tre, giấy bọc thức ăn thay vì sử dụng túi ni lon. Ông có nghĩ trong lúc này nếu chúng ta ưu tiên mua sắm các sản phẩm này sẽ giúp người yếu thế có việc làm?
- Người yếu thế, người tàn tật sản xuất sản phẩm để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho họ chính là cách giúp họ xóa đói, giảm nghèo. Muốn để cho họ sống được ngoài sự hợp tác tương trợ của cộng đồng thì các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giúp họ nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ để họ có hàng tốt hơn, giá thành rẻ hơn, như vậy mới tồn tại được lâu dài. Nếu không có biện pháp đồng bộ, chính sách lâu dài thì không thể bảođảm chính sách bền vững.
Vậy theo ông chúng ta cần giải pháp nào để “kích cầu” sản phẩm trong nước?
- Muốn khuyến khích, tăng thêm yếu tố tiêu dùng hàng sản xuất trong nước thì hàng hóa trong nước phải rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Như vậy người dân mới mua và kích cầu được. Muốn người dân tiêu dùng hàng Việt mà chất lượng kém, giá cao thì sao có thể được. Cho nên cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động để hạ giá thành, lúc đó mới có hiệu quả kinh tế và khuyến khích người trong nước dùng hàng Việt. Muốn vậy chính bản thân các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật, làm giảm giá thành. Bởi chỉ có hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm mới có nhiều người mua. Lúc đó kinh tế trong nước mới phát triển được.
Trân trọng cảm ơn ông!