'Lũy thép' nơi biên cương
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta, không thể không kể tới những chốt chặn của những người lính biên phòng theo dọc chiều dài biên giới. Gần 1.600 điểm chốt đã được bộ đội biên phòng dựng lên trong tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trở thành “lũy thép” nơi phên dậu của Tổ quốc…
Đo thân nhiệt cho người dân ở chốt Biên phòng Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Với hơn 1.200 km, toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia có 10 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu chính, 29 cửa khẩu phụ và 16 lối mở. Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, suốt mấy tháng qua, Bộ đội Biên phòng các tỉnh tuyến biên giới Tây Nam đã tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, ngăn chặn triệt để các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.
Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia chủ yếu là đồng bằng, có nhiều kênh rạch, nhiều đường mòn, lối mở và lại đang là mùa khô nên việc qua lại biên giới dễ dàng. Đây là một trong những khó khăn cho Bộ đội Biên phòng trong việc kiểm soát người qua lại. Tuy nhiên, với phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, trang thiết bị hóa chất phòng chống dịch tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, quán triệt chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, lực lượng Bộ đội Biên phòng của các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, An Giang… đã chủ động thành lập các tổ, chốt tại các đường mòn, kênh rạch qua biên giới, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như Công an, Hải quan, Kiểm dịch và lực lượng chức năng của nước bạn Campuchia tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại, nhất là những nơi có đông người nước ngoài ra vào khu vực biên giới.
Còn ở tuyến biên giới Việt Nam - Lào, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng rất quyết liệt. Theo Thượng tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), từ mùng 3 Tết tới nay, 100% quân số của đồn luôn ứng trực, 20 chốt được lập trên địa bàn đồn quản lý. Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) là nơi đón lượng lớn người Việt qua cửa khẩu. Từ ngày 18/3 đến ngày 25/3 trung bình mỗi ngày có 300 - 400 người nhập cảnh, thậm chí ngày 27/3 có tới hơn 1.000 người nhập cảnh. Cán bộ chiến sĩ đồn thay nhau làm việc không nghỉ để hoàn thành mọi công việc từ thủ tục nhập cảnh, khám sàng lọc, chia tuyến cách ly… và thậm chí lo cả những bữa ăn cho người dân trong lúc chờ đợi làm thủ tục …
Ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc công việc tuần tra, kiểm soát lại càng đòi hỏi sự khắt khe và quyết tâm chính trị cao hơn nữa. Bởi ai cũng biết, Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan sang các quốc gia khác. Nếu không có những biện pháp rốt ráo và hiệu quả thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất nhanh. Chính vì vậy, bộ đội biên phòng đã ngày đêm tuần tra, canh gác, kiểm soát, chốt chặn người dân qua lại trái phép tại các đường mòn, lối mở. Theo Thiếu tá Hà Văn Đô, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, Bộ đội Biên phòng Hà Giang: Đồn Biên phòng Lũng Cú có nhiệm vụ quản lý 26,234 km đường biên giới, 26 mốc quốc gia và dân thuộc 2 xã Ma Lé và Lũng Cú (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn) với 1.805 hộ/8.945 nhân khẩu. Người dân trên địa bàn thường có mối quan hệ dân tộc và thân tộc nên hay qua lại biên giới trao đổi, thăm thân, lao động… Để thay đổi thói quen đồng thời siết chặt hoạt động xuất nhập cảnh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi người lính phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và kiểm soát.
Trong khi đó, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái cũng lập lán ở gần Mốc 465 thuộc xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang). Theo Trung tá Nghiêm Duy Khiêm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái, ngoài việc tham mưu cho UBND huyện Mèo Vạc thành lập 3 chốt kiểm dịch tại Mốc 489, 450, 465; tham mưu thành lập trung tâm cách ly tại Trạm kiểm soát liên ngành Mốc 456, Đồn đã tận dụng cơ sở hiện có để thực hiện kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện. Đặc biệt, bố trí lực lượng tham gia tuyên truyền tới từng hộ, từng người dân. Chính vì thế, nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi, từ chỗ bà con các xã biên giới nhận thức chưa đầy đủ về dịch Covid-19 thì bây giờ bà con đã hiểu, tự biết cách phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và bảo vệ cộng đồng. Chính sự hiểu biết và thực hiện theo các khuyến cáo hàng nghìn hộ dân đã tạo “bức tường thành” chặn đứng dịch qua đường biên giới.
Tương tự, để bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch trên 15,237 km đường biên giới, 3 cột mốc và 2 xã biên giới Trịnh Tường, Cốc Mì với hơn 2.400 hộ/11.000 nhân khẩu, Đồn Biên phòng Trịnh Tường (Lào Cai) đã triển khai 4 chốt với 20 chiến sĩ cùng 1 tổ địa bàn, 1 tổ cơ động trực gác và kiểm soát gắt gao 24/24 giờ. Là địa bàn có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 35%, có không ít người dân thường sang bên kia biên giới lao động, kiếm sống nên các chiến sĩ một mặt kiểm soát xuất nhập cảnh chặt chẽ, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền về dịch bệnh để người dân hiểu và chủ động phòng chống. Các cán bộ chiến sĩ của đồn cũng phải kết hợp chặt chẽ với công an, dân quân, y tế… xuống từng nhà dân phát tờ rơi, khuyến cáo bệnh dịch, thăm khám sức khỏe, hướng dẫn cách phòng chống.
Với phương châm “ăn lán, ngủ rừng”, các chốt phòng chống dịch Covid-19 thường được lập ở những nơi heo hút, sát với đường mòn, lối mở. Chính vì thế, các lán trại này đều trong tình trạng không điện lưới, không nước sạch sinh hoạt… Lán trại dù được chằng níu cẩn thận vẫn không tránh được rung lắc, bật tốc trước mưa rừng, gió núi. Đơn cử, chỉ trong 5 - 10 phút mưa to, gió lốc đã thổi bay toàn bộ lán trại tại chốt Tân Tiến, xã Trịnh Tường (Bát Xát - Lào Cai). Dù điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng các chiến sĩ đều thích nghi và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc!”
Thật cảm động khi nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gác lại tình cảm riêng, hoãn làm đám cưới, cha mẹ ốm đau đi cấp cứu, thậm chí qua đời, vợ sinh nở… cũng không thể về vì nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.