Tấm hộ chiếu của Cơ 'điên'
Nhiều người khi được xem tấm hộ chiếu của Cơ không khỏi ngạc nhiên để tự đặt ra câu hỏi: Cơ là ai mà được đi nước ngoài nhiều thế. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Argentina, Pháp, Ixaraen, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Lào… Mà lại toàn là visa làm việc. Nhất là khi biết Cơ là một nhà điêu khắc thì lại càng ngạc nhiên hơn.
Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ.
Cơ “điên” là ai?
Cơ “điên” là cái tên được bạn bè trong giới đặt cho nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ sinh năm 1961. Sau khi làm anh lính đóng quân ở biên giới từ 1980-1984, Cơ “điên”thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khoa Điêu Khắc. Tốt nghiệp đại học năm 1990 về nhà làm nghệ sĩ tự do “bạch định” cho đến nay.
Cơ “điên” làm việc như điên. Hồi nhà còn ở sát Sân vận động Hàng Đẫy, cái “lều vịt” vừa là chỗ sáng tác, vừa là nơi ăn ở của vợ chồng con cái chỉ chưa đầy một chục mét vuông, mặt tiền được hơn một mét. Trời nắng như đổ lửa xuống mặt đường bê tông Cơ “điên” còn đặt một cái bễ lò rèn rực than hồng để nướng những thanh đồng, rồi đập chí chát. Đó là thời kỳ anh có cảm hứng với sáng tác trên những thanh kim loại. Anh như một bà đồng nát đi thu gom những sợi đồng rồi những máy móc người ta bỏ đi, tháo ra để lấy những chi tiết bằng đồng. Ngôn ngữ điêu khắc của Cơ rất hiện đại để thể hiện những thứ đang mất dần trong cuộc sống hiện tại. Cũng chính vì thế mà những bức tượng của anh gần như “lạc loài”trong làng điêu khắc nước nhà.
Năm 1994, triển lãm Quốc tế lần thứ 4 tại Fukuoka(Nhật Bản), điêu khắc trên đồng và sắt, lần đầu tiên mời Việt Nam tham dự. Qua ba lần gửi tác phẩm của các nhà điêu khắc “lão làng” sang Nhật nhưng không được chấp nhận, cực chẳng đã vì màu cờ sắc áo ban tuyển chọn trong nước phải gọi đến Cơ. Cơ là nghệ sĩ điêu khắc duy nhất của Việt Nam được Nhật Bản tuyển chọn 2 tác phẩm tham dự triển lãm và được mời sang dự trại sáng tác tại Nhật Bản một tháng. Đó là lần đầu tiên anh được ra nước ngoài và cũng là lần đầu tiên anh bán được tác phẩm. Hai tác phẩm tham dự triển lãm đã được một bảo tàng của Nhật Bản mua lại.
Sau thắng lợi khởi đầu đó Cơ cũng không thể có tiền để mở triển lãm riêng. Rất may có một nhà điêu khắc người Đức tên là Johanna theo chồng đang đảm nhiệm chức Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, nghe tiếng Cơ mà đến thăm. Chị mê mẩn ngắm những tác phẩm của Cơ. Rồi quyết định làm cho Cơ một cuộc triển lãm tại trụ sở của Quỹ tiền tệ Quốc tế vào năm 1996.
Cũng vào năm 1996, vợ chồng Cơ “điên” dành dụm mua được một mảnh đất 150 mét vuông tại xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Có không gian rộng rãi Cơ chuyển sang làm đá. Anh không muốn tự bó hẹp sự sáng tạo của mình trong một loại chất liệu. Làm đá cực kỳ nặng nhọc mà chỉ có một mình, cũng chẳng có thiết bị hỗ trợ. Một lần khi đang xẻ một tấm đá Cơ đã bị máy xẻ cắt cả vào 5 ngón tay trái. Anh nắm chặt bàn tay sang nhà hàng xóm nhờ giúp. Người hàng xóm nghèo tìm mãi trong nhà cũng không có một mảnh khăn hay mảnh vải nào để băng bó cho Cơ. Máu thì đang chảy thành dòng xuống nền nhà. Anh hàng xóm tốt bụng bèn cởi chiếc áo thun của con trai đang mặc xé ra để cầm máu 5 ngón tay cho Cơ. Cũng còn may, chỉ rách thịt chứ không phạm đến xương. Đến bệnh viện khâu lại một tuần sau là lành. Nhưng cái vết thương ở tim Cơ “điên”phải nhiều năm sau mới lành. Anh về nhà lục tìm những bộ áo quần của các con rồi còn đi tìm mua chiếc áo thun để tặng cho thằng bé hàng xóm. Và hình như từ đấy Cơ cũng ít điên hơn, bởi dẫu cuộc sống của người nghệ sĩ có còn khó khăn thật nhưng cũng còn hơn người nông dân nhiều.
Sau một thời gian làm việc như điên trên chất liệu đá đến năm 2004 một người bạn là chị Loan Đờleo đã giúp Cơ mở cuộc triển lãm cá nhân lần thứ hai có tên: Những con cá và những dòng sông, trưng bày 19 tác phẩm điêu khắc làm bằng chất liệu đá tại khách sạn Sofitel Metropole
Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ (bên phải) chụp ảnh kỷ niệm bên tác phẩm mới hoàn thành.
Trần Hoàng Cơ được đánh giá là một trong những nhà điêu khắc đương đại gây ấn tượng mạnh nhưng tại sao anh thường ít xuất hiện trong các trại điêu khắc quốc tế trong nước và các cuộc triển lãm trong nước? Đi tìm câu trả lời này ở anh không khó. Là người từng chơi với Cơ “điên” đã lâu tôi biết Cơ không muốn bon chen trên mảnh chiếu hẹp kia. Anh cứ lặng lẽ làm việc để cho ra những tác phẩm điêu khắc đẹp, hữu xạ tự nhiên hương, các cụ đã nói rồi. Cái đẹp sẽ tự nhiên mà tỏa sáng chẳng cần đến sự vận động hành lang. Đấy là một nhẽ. Nhẽ thứ hai Cơ sống thẳng tuột không biết nịnh bợ ai. Kể ra thì cách ứng xử của Cơ như vậy cũng là trúng. Cơ lao động tự do chứ không có chân trong cơ quan đoàn thể nào nên không thể có chuyện có đi có lại mới toại lòng nhau. Vậy nên cứ là làm cây thông đứng giữa giời mà reo thôi. Một lần trong cuộc triển lãm có một điêu khắc gia tiếng tăm, thường có chân trong hội đồng nọ kia, chìa tay ban phát cho Cơ một cái bắt tay. Cơ “điên” không đưa tay ra bắt đã đành mà còn nói lại:
- Ông đã làm được bao nhiêu cái tượng rồi mà đòi bắt tay tôi.
Vậy là Cơ đã bịt nốt cái lỗ bé tạo để thò chân vào cái manh chiếu hẹp . Trong khi những cánh cửa trong nước gần như đã khép kín trước mặt Cơ thì các trại điêu khắc quốc tế lại thao thiết mời gọi anh. Đây là một sân chơi sòng phẳng. Điều kiện của chúng tôi là ABCD… anh hãy đưa tác phẩm của anh ra đây cho chúng tôi tuyển chọn. Anh đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện chúng tôi đưa ra thì chúng tôi mời anh.
Nên nhớ anh sẽ phải tự tay làm tác phẩm của mình từ A đến Z, tự mang máy móc của anh đi…
Cơ cứ lặng lẽ đi rồi lặng lẽ về chẳng cần đến ai tung hô. Nhưng để lọt được vào một trại điêu khắc quốc tế không phải là dễ dàng gì. Trại điêu khắc tổ chức tại Đức năm 2006 hơn 100 người chọn 10 người. Trại điêu khắc quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 hơn 400 tác phẩm điêu khắc dự tuyển để chọn ra 10 tác phẩm, trong đó có tác phẩm của Cơ “điên”…
Năm 2016, Cơ “điên” tham gia hai trại điêu khắc quốc tế, một ở Israel, một Thụy Sỹ. Đầu năm 2017 anh tham gia hai trại liền được tổ chức tại Ấn Độ.
Cơ “điên” tâm sự:
- Ở nước ngoài người ta tổ chức các trại điêu khắc rất chuyên nghiệp, vì đây là một trong những hoạt động văn hóa để người ta quảng bá hình ảnh của đất nước họ. Như ở Argentina có xe cảnh sát đi dẹp đường cho đội xe đưa đón nghệ sĩ điêu khắc đến nơi làm việc. Ở Israel cũng có người đi theo để bảo vệ các nghệ sĩ. Còn ở tất cả các trại đều treo cờ của các nước có nghệ sĩ tham gia, long trọng lắm. Học sinh, sinh viên và các tổ chức cá nhân sẽ đến thăm trại điêu khắc quốc tế. Họ bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ các nghệ sĩ. Khi làm việc đôi khi tôi nhìn vào lá cờ của Tổ quốc mình với niềm tự hào rằng mình đã mang dấu ấn của Việt Nam để đặt lên một mảnh đất có tên là thế giới. Và cũng có một nỗi buồn man mát, rằng cũng cùng là lá cờ Tổ quốc bay trên trường quốc tế nhưng hình như những người làm nghệ thuật, làm văn hóa thì vẫn mãi là hình ảnh áo gấm đi đêm… Thôi, để ngày mai tính. Nói sang chuyện khác vui đi nhà báo. Này nhà báo biết không Ấn Độ người ta cấp visa hạng thương gia cho tôi đấy. Hì, bây giờ tôi là nghệ sĩ thương gia rồi nhé. Oách không?
Một tác phẩm điêu khắc của Trần Hoàng Cơ.
Tảng đá của Cơ
Trại điêu khắc quốc tế Les Lapidieles 2018 của Pháp được tổ chức hàng năm từ tháng 6 đến tháng 9 đưa ra một yêu cầu khắt khe, chỉ đục đá bằng tay, không được sử dụng máy móc. Trại điêu khắc này đặt trong một khu rừng nguyên thủy, từng là mỏ đá được khai thác sắp hết. Người ta để lại dãy đá cuối cùng. Các nghệ sĩ điêu khắc tạc lên đó các bức tượng. Mùa hè ở nước Pháp cũng là mùa du lịch. Cùng với trại điêu khắc làm điểm nhấn để quảng bá du lịch, họ còn mở các lớp dạy điêu khắc cho cả người lớn và trẻ em. Chính vì vậy người ta không cho dùng máy móc để cắt đá, gây tiếng ồn lớn và cũng dễ xảy ra tai nạn cho du khách đến tham quan.
Trại điêu khắc quốc tế Les Lapidiales 2018 có Cơ tham gia từ ngày 29/6 đến ngày 18/8/2018. Bức tượng của Cơ có tên “Lễ cúng cơm mới”. Dù không còn trẻ nữa, lại đục thủ công hoàn toàn do sức lực con người, Cơ vẫn háo hức lên đường. Trước khi đi Cơ vào làng Đa Sỹ để thửa 20 cái đục mang theo.
Sang đến Pháp, Cơ nghỉ ngơi một ngày rồi bắt tay vào công việc. Bức tượng của Cơ cao 2,2 m, đế cao 80 cm. Ngày thứ 4 khi Cơ đang mải tập trung vào công việc thì bị lật giàn giáo do dựng không đúng qui chuẩn. Người ta đưa Cơ vào viện. Sau khi chụp phim gót chân của Cơ, bác sĩ thảng thốt kêu lên. Chuyện lớn rồi, xương gót chân bị vỡ làm ba. Cơ nằm lại bệnh viện hơn một ngày trong khi chân mỗi ngày một sưng to. Cơ láng máng hiểu rằng vấn đề đầu tiên là tiền đâu chưa được giải quyết. Sang ngày thứ hai bệnh viện tìm một người phiên dịch tiếng Việt. Cô phiên dịch nói với Cơ:
- Trường hợp của anh cũng có thể được bệnh viện mổ từ thiện
Cơ không nghĩ ngợi nhiều về điều đó. Bác sĩ phẫu thuật nói với Cơ:
- Chúng tôi phải tiến hành phẫu thuật. Ông sẽ được làm các xét nghiệm trước khi phẫu thuật.
Để cho Cơ yên tâm bác sĩ phẫu thuật nói rằng, ông rất yêu Việt Nam, ông nội của ông ấy có một thời gian sống và làm việc ở Sài Gòn. Chân sưng vù và đau đớn Cơ chỉ biết làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Hai cô y tá đến nói với Cơ, ông phải cần tắm rửa sạch sẽ, ông có tự làm được không? Đời nào Cơ để cho hai cô y tá tắm cho chứ. Mất thể diện chết… Cơ được đẩy lên phòng phẫu thuật sau khi đã được đi tất trắng vào bên chân không bị què. Cái chân tất trắng kia để đánh dấu nó là chân lành, không phải chân bị thương, tránh nhầm lẫn khi vào phòng phẫu thuật. Trên đường lên phòng phẫu thuật có một nhóm người làm công tác xã hội hỏi Cơ:
- Ông có yên tâm về bác sĩ phẫu thuật không? Ông có quen biết ông ấy trước đây không? Nếu ông cảm thấy không yên tâm chúng tôi có thể đổi bác sĩ phẫu thuật khác cho ông.
Cơ trả lời:
- Tôi yên tâm về bác sĩ phẫu thuật cho tôi.
Thôi thì cứ phải yên tâm và tin tưởng vậy.
Hơn 1 giờ ca mổ hoàn tất sau khi gót chân của Cơ được đóng 4 cái đinh.
Ông Alain Tenenbum, nhà điêu khắc, Giám đốc Trại điêu khắc quốc tế Les lapidiales, gọi điện thoại cho Hà, con gái của Cơ (Hà là kiến trúc sư đã có gần 9 năm học tập và làm việc tại Pháp) để tính đường đưa Cơ về nhà. Khi con gái Cơ gọi điện thoại về nhà để báo tin tai nạn của Cơ, con trai Cơ nói với mẹ:
- Bố không về đâu mẹ ạ, con biết bố kiên cường lắm, bố sẽ ở lại làm cho xong cái tượng rồi mới về nhà. Với bố chỉ có tượng là số một mà.
Thứ bảy mổ, chủ nhật Cơ đã phải ra viện. Họ không muốn Cơ nằm viện lâu vì phải chi trả thêm tiền. Ông Alain mua cho Cơ hai cái nạng và gửi Cơ đến nhà một ông bạn già ở một mình. Được một ngày Cơ thấy bất tiện bèn nói với ông Alain cho về căn phòng của mình. Có người đã khuyên Cơ nên đệ đơn kiện. Cơ gạt phắt, cùng là nghệ sĩ với nhau, không bao giờ Cơ nghĩ sẽ kiện ai đó. Rủi ro đến cỡ nào Cơ cũng nhận về phần mình.
Một tác phẩm điêu khắc của Trần Hoàng Cơ.
Trại điêu khắc muốn cho các nghệ sĩ thâm nhập sâu vào đời sống của người Pháp nên đã dành một khu nhà riêng để các nghệ sĩ ở, tự đi chợ nấu ăn theo khẩu vị và văn hóa riêng biệt của mình. Phòng ngủ ở trên tầng 2, phòng bếp ở tầng 1. Cầu thang hẹp. Khi di chuyển lên xuống, Cơ đã phải ngồi phệt xuống lê từng bậc cầu thang.
Ngày thứ ba sau khi ở bệnh viện về Cơ đã tìm ra giải pháp. Một điêu khắc trẻ người Pháp tên là Cedric Henniane nhận làm phần việc cho Cơ, sau khi thỏa thuận phần tiền Cơ chi trả. Cơ hoàn thiện chi tiết bức tượng nhỏ bằng thạch cao để nghệ sĩ điêu khắc kia phóng lên đá. Cũng là ngày thứ ba sau khi mổ Cơ lại ra nơi làm việc. Cơ chỉ đạo cho cậu điêu khắc trẻ đục đẽo theo ý của Cơ và Cơ đục những bức tượng nhỏ.
Một thời gian sau khách tham quan nơi đục tượng của Cơ có vợ chồng ông thị trưởng, họ nói với Cơ:
- Ông cứ yên tâm, chúng tôi sẽ lo việc bảo hiểm.
Những người Việt sống gần khu vực đó đến thăm Cơ, mang đồ ăn để cùng ăn với Cơ. Rồi họ mời Cơ đến nhà chơi. Họ đưa Cơ đi chơi… khiến cho Cơ rất cảm động.
Công việc khá thuận lợi. Cơ tự chăm sóc bản thân không cần đến y tá. Cơ tự thay băng, tiêm thuốc thông máu. Cơ tự nấu ăn. Và có lúc bị trầm cảm vì không được uống… rượu.
Tảng đá của Cơ cũng đặc biệt. Khi đục có một lỗ thủng lớn bằng bàn tay, Cơ yêu cầu dừng lại để xem xét kỹ. Bởi vì Cơ đã đục khá nhiều các loại đá và chưa bao giờ thấy các lỗ thủng như thế. Thì ra đó là hàu hóa thạch. Vỏ con hầu dính vào đá và vỡ vụn, ruột của con hàu đã bị tiêu hủy. Ngoài con hàu còn nhiều vỏ ốc, ngao, hến hóa thạch, tất cả đã bị vỡ vụn khi đục. Bỗng có một hòn đá tròn vo văng ra cùng với các mảnh đá trong nhát đục của cậu điêu khắc trẻ. Cơ nhìn rõ sự khác biệt của nó. Cơ chống nạng ra chỗ đá vụn để nhặt nó lên. Chính nó, chính nó, còn nguyên vẹn một ruột con ốc đã hóa thạch, với những bụi tấm vàng nâu là dịch nước của ruột ốc.
Bức tượng dần dần lộ ra sự đẹp đẽ của nó dưới bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc. Khi tạc đến khuôn mặt của người châu Á cậu điêu khắc trẻ mắt xanh mũi lõ nói với Cơ:
- Có lẽ việc này hơi khó khăn với tôi.
- Vậy để đấy tao.
Cơ lại leo lên giàn giáo bằng sự trợ giúp của các nghệ sĩ, người kéo người ủn mông. Cơ đã tạc lên gương mặt rất đẹp đầy vẻ mãn nguyện của người đàn bà dâng lễ vật cúng trời đất khi mùa vàng bội thu.
Bức tượng đã không bị đục dở dang!
Và tôi không biết nước Pháp có biết điều này không, tảng đá dành cho Cơ tạc lên đó một người đàn bà An nam tuyệt đẹp là một tảng đá chứa đầy những hóa thạch, mà mỗi một hóa thạch đó sẽ kể lại cho ta nghe câu chuyện từ triệu triệu năm trước đây. Và người đàn bà An nam đứng sừng sững trong khu rừng nước Pháp cũng sẽ có ngày cất lên tiếng nói kể về câu chuyện của người nghệ sỹ, đã dâng hết cả sức lực trí tuệ, thậm chí cả máu nữa cho cái đẹp, mà có lúc gần như bị đẩy ra bên lề với một ca mổ từ thiện. Nhưng cuối cùng câu chuyện của Cơ đã kết thúc có hậu.