Phòng vệ thương mại
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi khi đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó phải kể đến các ngành như thủy sản, da giày, dệt may, điện tử, dược phẩm cũng như các ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng... Dự kiến, những ngành lợi thế về xuất khẩu sẽ có cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu sang các nước EU.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, xu thế bảo hộ, xung đột thương mại sẽ ngày càng lớn. Một con số được Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, tính đến hết tháng 3/2020, đã có gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ...
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được WTO và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế (hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp) cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp để “bảo vệ” các ngành sản xuất, các DN trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế.
Với các FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA, áp lực cạnh tranh đối với các DN trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại càng trở nên cần thiết.
“Khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai bên sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên”- ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số DN tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động phòng vệ thương mại cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.