Học sinh trở lại trường: Đảm bảo an toàn là quan trọng nhất
Sáng 27/4, học sinh (HS) của gần 30 tỉnh, thành phố trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch Covid-19. Đa số các nhà trường đều yêu cầu chặt chẽ giáo viên, HS đến trường phải tuân thủ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn.
HS đến trường phải tuân thủ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn.
Tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp
Sau khi 8 địa phương trên cả nước (Cà Mau, Thái Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Yên Bái, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ) cho HS đi học trở lại trong tuần vừa qua (từ ngày 20/4) thì tuần này, thêm khoảng 30 tỉnh thành khác bắt đầu cho HS trở lại trường sau khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát. Trong đó, đa số là HS THCS và THPT còn HS tiểu học và mầm non vẫn được nghỉ.
Riêng Phú Thọ, trẻ mầm non, HS tiểu học trên địa bàn đã bắt đầu đi học trở lại từ hôm nay. Đây là tỉnh đầu tiên có toàn bộ HS, sinh viên trên địa bàn bắt đầu nền nếp học tập bình thường.
Thống kê của Sở GDĐT Phú Thọ, trong sáng 27/4, số trẻ mầm non đến trường là 52,3%; HS tiểu học là 99,1%; HS THCS là 99,0%; HS THPT là 98,9% và học viên giáo dục thường xuyên là 94%.
Lý giải tỷ lệ trẻ mầm non của Phú Thọ quay trở lại trường học chưa cao là vì quy định linh hoạt của Sở GDĐT khi nhấn mạnh, nếu cơ sở giáo dục mầm non chưa bảo đảm các yêu cầu theo quy định để huy động trẻ các độ tuổi đến trường thì ưu tiên bố trí đón trẻ 5 tuổi ra lớp hoặc chia thời gian đến trường cho các nhóm, lớp khác nhau.
Tương tự, trong ngày đầu tiên trở lại trường học, thông tin từ Sở GDĐT Hải Phòng cho biết số trẻ mầm non đến trường chỉ đạt 37,8%.
Địa phương thứ 3 tổ chức cho tất cả HS các cấp đi học lại từ ngày 27/4 là Điện Biên. Tuy nhiên, tỉnh này cũng lưu ý, thời gian từ các ngày 27/4 - 16/5/2020, các cơ sở giáo dục chỉ tổ chức dạy và học 1 buổi/ngày.
Thông tin từ Sở GDĐT Thừa Thiên - Huế, HS đến trường đạt tỷ lệ trên 90% trong sáng 27/4. Cụ thể, tỷ lệ HS đi học ở khối THCS là 23.687/39.374 em, đạt 95,7%; khối THPT có 19.375/19.970 em, đạt tỷ lệ 97,02%; học viên các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên có 481/527 em, đạt tỷ lệ 91,2%...
Khó thực hiện giãn cách
Một khó khăn với hầu hết các địa phương là quy định về giãn cách. Các trường tại Nghệ An thực hiện giãn cách bằng việc chia khối phân ca học sáng chiều. Đối với khối THPT, HS lớp 11 - 12 sẽ học buổi sáng, lớp 10 học buổi chiều. Khối THCS, HS lớp 8 - 9 học buổi sáng, lớp 6 – 7 học buổi chiều.
Ngoài ra, trong lớp học, các em cũng được bố trí chỗ ngồi cách nhau tối thiểu 1m. Đối với lớp học sỹ số đông, nhà trường sẽ tách một số HS và thành lập “lớp ghép” mới hoặc bố trí học ở phòng đa chức năng có diện tích rộng hợp.
Tại Ninh Thuận, HS lớp 9 và 12 đã bắt đầu ngày học đầu tiên từ ngày 27/4. Do mới bố trí từng khối lớp học nên quy định giãn cách được từng trường đảm bảo. Ghi nhận tại Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Phan Rang – Tháp Chàm), nhà trường chia gần 700 HS của 17 lớp 12 thành 2 ca học/ngày, mỗi lớp nhà trường cũng chỉ bố trí 20 HS và giữ khoảng cách 1,5 mét/HS.
Tuy nhiên, đối với các địa phương triển khai học tập tất cả các khối lớp thì khó thực hiện quy định này. Như Điện Biên, hầu hết các đơn vị đều gặp phải là cơ sở vật chất không thể đáp ứng được yêu cầu về quy định giãn cách giữa HS với HS là 1,5m. HS ở bậc học này chưa ý thức được về công tác phòng, trừ dịch bệnh, ý thức giữ khoảng cách an toàn nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.Vì vậy, theo một số chuyên gia giáo dục, cần phải phân luồng rõ ràng hơn. Trường hợp cần thiết có thể bố trí học so le theo tuần, ưu tiên cho HS các lớp cuối cấp như: Lớp 5, 9 và 12 đi học trước. Số HS còn lại sẽ được đảo ca, bố trí cho đi học vào tuần kế tiếp thì mới có thể đáp ứng được về cơ sở vật chất để thực hiện giãn cách.
Hiện vẫn còn một số địa phương, HS chưa đi học trở lại. Để đảm bảo khoảng cách HS 1,5m như khuyến cáo, các trường cần cân đối đến việc giãn thời khóa biểu, dừng toàn bộ học 2 buổi/ngày để chia 2 ca học, 1 - 2 khối/buổi học. Bàn ghế trong lớp học sẽ được sắp xếp lại để giãn cách tối đa HS…
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, phải đảm bảo những HS vào trường đều có sức khỏe bình thường. Trường hợp HS có biểu hiện bị ốm, có dấu hiệu ho, sốt cần được phát hiện, phối hợp với gia đình cho HS đi khám, điều trị.