Băn khoăn về tên gọi của kỳ thi

Đặng Tự Ân 28/04/2020 08:00

Nên gọi kỳ thi cho học sinh đã hoàn thành chương trình THPT năm học 2019-2020 là “Kỳ thi THPT quốc gia rút gọn” cho năm 2020, theo đúng tên gọi và bản chất của nó. Sự thay đổi tên gọi thành “Kỳ thi tốt nghiệp” trong thời điểm hiện nay là không cần thiết, sẽ tạo ra sự xáo trộn cho học sinh, nhà trường và trong dư luận xã hội.

Băn khoăn về tên gọi của kỳ thi

Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ GDĐT và các bộ ngành liên quan để thống nhất phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, do đó, còn gọi là “Phương án 21/4”. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức, nhằm đánh giá toàn diện chất lượng dạy học ở các địa phương và định hướng phân luồng cho giáo dục nghề nghiệp. Nhưng như vậy, các trường đại học khó có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ chính để xác định phương thức tuyển sinh năm 2020. Hay nói cách khác, các trường ĐH phải chủ động tổ chức tuyển sinh riêng cho trường mình.

Theo tôi nên gọi kỳ thi cho học sinh đã hoàn thành chương trình THPT năm học 2019-2020 là “Kỳ thi THPT quốc gia rút gọn” cho năm 2020, theo đúng tên gọi và bản chất của nó. Sự thay đổi tên gọi của kỳ thi trong thời điểm hiện nay là không cần thiết, sẽ tạo ra sự xáo trộn cho học sinh, nhà trường và trong dư luận xã hội.

Như chúng ta đã biết, tên gọi “thi THPT quốc gia” xuất hiện vào tháng 2/2015, khi Bộ GDĐT sử dụng và đưa vào trong Quy chế thi THPT quốc gia. Bản chất của kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi “2 trong 1” hay kỳ thi “kép”. Nghĩa là gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi này xét cho thí sinh hai nguyện vọng: Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ. Ưu điểm lớn nhất của phương thức thi THPT quốc gia là giảm được tình trạng luyện thi tràn lan, học tủ, học lệch, giảm bớt chi phí thi và học sinh không phải dự quá nhiều các kỳ thi trong một thời gian ngắn.

Đã qua 5 năm với năm kỳ thi THPT quốc gia, tuy có điều chỉnh quy chế thi hàng năm nhưng bản chất và những ưu điểm cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia vẫn không thay đổi. Khi đối chiếu với “Phương án 21/4”, nội dung của nó không hề khác bản chất của kỳ thi THPT quốc gia cả về mục đích kỳ thi cũng như quá trình tổ chức thi

Trước hết, cả hai nội dung “Phương án 21/4” và “thi THPT quốc gia” đều có mục đích cấp bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh đạt yêu cầu. Việc có hay không cụm từ “quốc gia” không làm thay đổi tính chất kỳ thi vì Bộ GDĐT (mà không là các địa phương) vẫn là cấp quốc gia ban hành quy chế thi. Thực tế mấy năm vừa qua, kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã được các trường ĐH sử dụng theo các mục đích không giống nhau. Hoặc là chỉ làm điều kiện xét dự tuyển hoặc là điều kiện dự tuyển và là căn cứ chính xét tuyển hoặc bổ sung thêm các hình thức đánh giá khác theo đặc thù nhà trường. Việc sử dụng kết quả “thi tốt nghiệp THPT” năm 2020 vào tuyển sinh ĐH sẽ không hề vi phạm Luật định hiện hành.

Ngoài ra, bản chất kỳ thi THPT quốc gia đang tồn tại không vi phạm cả hai Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH. Vì vậy có nhất thiết phải thay đổi kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 theo nội dung “Phương án 21/4”. Điều quan trọng, cốt yếu là Bộ GDĐT cần “rút gọn” nội dung, cách thức của “kỳ thi THPT quốc gia” hằng năm một cách tối ưu nhằm phù hợp với tình huống dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, như : Hướng dẫn giảm tải nội dung dạy học; dự kiến môn thi giảm từ sáu môn bắt buộc xuống còn bốn môn; đã công bố đề thi tham khảo; các trường đang ôn tập theo hướng của đề thi tham khảo. Học sinh có tâm thế dự thi THPT quốc gia từ rất sớm từ những năm học trước.

Nếu thay đổi từ “thi THPT quốc gia” sang “thi tốt nghiệp THPT” (với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp), sẽ tạo ra trong học sinh và giáo viên sẽ có nhiều tâm tư: Nếu có nguyện vọng học ĐH phải thực hiện kỳ thi thứ hai tốn kém; Hai kỳ thi có thể nội dung, cách thi khác nhau; Sau kỳ thi thứ nhất lại tiếp tục “khăn gói” lên các trường ĐH ôn và dự thi như các thế hệ anh chị trước đây….Có nhất thiết không khi mà chỉ thay đổi tên gọi của một kỳ thi mà gây ra xáo trộn không cần thiết trong các nhà trường và xã hội.

Được biết, Bộ GDĐT đã xây dựng một lộ trình cho kỳ thi THPT quốc gia từ nhiều năm nay theo mục tiêu lâu dài, ổn định, hiện đại và phù hợp với các Luật định hiện hành. Kể từ năm 2013, khi Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi “3 chung” (chung đợt, chung đề và chung kết quả) cho đến năm 2019 phát triển thành kỳ thi “THPT quốc gia”, dư luận và giới chuyên môn đánh giá cao về sự sáng tạo và cầu thị của Bộ GDĐT. Ngoài đại án ở kỳ thi năm 2018 của một số tỉnh miền núi phía Bắc thì kỳ thi “THPT quốc gia” năm 2019 đã đạt được tới độ hoàn thiện nhất về mặt khoa học và thực tiễn. Kỳ thi “THPT quốc gia” năm 2019 đã phù hợp với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH, vì thế lộ trình thi tiếp theo có thể chỉ là ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào quá trình tổ chức thi kỳ thi và những điều chỉnh nhỏ khác.

Đặng Tự Ân