Phải có con mắt tinh đời

Lục Bình 28/04/2020 08:00

Với các kỳ Đại hội Đảng, công tác nhân sự luôn được dư luận quan tâm. Đại hội là lúc để chọn ra một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao cho Đảng, cho sự nghiệp phát triển đất nước. Chuẩn bị nhân sự tốt, Đảng sẽ có một đội ngũ cán bộ tốt, có uy tín với dân, đủ sức gánh vác trọng trách mà đất nước và nhân dân giao cho. Chuẩn bị không tốt, sẽ có tác dụng ngược lại.

Phải có con mắt tinh đời

Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội XII của Đảng, ngày 21/1/2016. Nguồn: Đảng CSVN.

Mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết phân tích thấu đáo về vấn đề này. Bởi vì, trong lựa chọn nhân sự khóa mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một mặt nhấn mạnh tính toàn diện như phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tầm nhìn xa, tư duy chiến lược, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng trích dẫn truyện Kiều để mọi người suy ngẫm: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Với tất cả các chức danh đều được qui định rõ ràng về tiêu chuẩn. Nhưng chung quy vẫn là 2 tiêu chuẩn bao trùm: Đức và Tài của người lãnh đạo. Trong đó, “đức” là gốc. Gốc có vững thì cây mới bền.

Tại sao khi lựa chọn cán bộ lại quan trọng chữ “đức” và phải lựa chọn người đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết- là bởi lịch sử đã chứng minh điều đó. Và gần đây nhất, khó khăn, thử thách khi phải đối diện với đại dịch toàn cầu, mới càng thấm thía: Nếu không đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, thì liệu chúng ta có được sự đồng lòng, nhất trí và tin tưởng của toàn dân hay không? Liệu có những cán bộ cố tình co mình lại để “giữ phiếu” vì sợ nếu đưa ra những quyết định trong một hoàn cảnh cụ thể nếu đúng thì không sao nhưng nếu sai họ sẽ bị ảnh hưởng đến tiền đồ của họ. Và chỉ có trong những hoàn cảnh đặc biệt nước sôi lửa bỏng như đại dịch vừa qua mà chúng ta vẫn phát hiện ra những cán bộ cố tình ăn bớt tiền của dân trong lúc cả nước căng mình chống dịch mới thấy tìm được đội ngũ cán bộ có tâm, hết lòng phụng sự nhân dân là quan trọng vô cùng.

Thận trọng, tìm cho Đảng, cho đất nước cán bộ vừa hồng vừa chuyên là điều không thể lơ là lời khẳng định này được dư luận xã hội đặc biệt chú ý khi được đặt trong bối cảnh thời gian qua, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao trong Đảng và các bộ ngành, địa phương suy thoái đạo đức, xa rời mục đích, lý tưởng, tham nhũng, lạm quyền, gây tai họa cho đất nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân, nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng đến mức phải nhận kỷ luật Đảng và bị pháp luật trừng trị.

Cụ thể, tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Do vậy, việc chuẩn bị nhân sự cho Đảng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này bởi vì nhân sự là khâu “chốt của then chốt”. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì phải thận trọng “đừng nhìn cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”, “đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín”, người làm nhân sự cho Đảng “phải có con mắt tinh đời”. “nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ”.

Để tìm nhân sự cho Đảng theo nhiều chuyên gia, công tác cán bộ là công tác rất quan trọng và rất khó. Tuy nhiên nếu chúng ta tin vào quần chúng, lắng nghe dân, hỏi dân thì sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác chọn cán bộ, ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Theo ông Vũ Mão, cán bộ cấp cao, cấp thấp như thế nào, nhân dân đều biết hết. Do đó, công tác cán bộ cần phải thực sự dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng mới có thể chọn được những cán bộ trung thực, gương mẫu, chân thành, trong sáng. Và việc này phải được thực hiện bằng những người công minh, trong sáng, không động cơ, vụ lợi mới có thể chọn được đội ngũ cán bộ tốt.

Hiện nay cơ chế dân chủ thực sự để đánh giá cán bộ còn cần phải tiếp tục củng cố và làm tốt hơn. Ví dụ đánh giá cán bộ trong cơ quan thì có dựa vào năng lực thực sự hay dựa vào thân quen, cấp dưới có dám đánh giá thực chất về cấp trên hay không. Việc lựa chọn nhân sự vào các cấp ủy Đảng thì nhân viên có được tham gia ý kiến thực sự hay không? Việc này cần phải được nghiên cứu để có đánh giá cho đúng. Vấn đề thứ hai là việc để quần chúng nhân dân giám sát cán bộ. Cán bộ có tham nhũng không, kê khai tài sản có trung thực không, dân sẽ nắm được hết. Cán bộ có trung thực, có trong sáng thì nói dân mới nghe, dân mới tin. Có làm được như vậy thì sẽ tìm được những cán bộ đủ đức, đủ tài, hết lòng phụng sự nhân dân đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Lục Bình