Ngày thống nhất
Những ngày này 45 năm trước, toàn thể dân tộc Việt Nam náo nức trong niềm vui chiến thắng, trùng phùng sau biết bao năm xa cách. Đất nước mình đó mà bị chia đôi đêm Nam ngày Bắc. Sông Bến Hải với cây cầu Hiền Lương nối đôi bờ nhưng lại như một vết cắt giữa lòng dân tộc.
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định chào đón Quân giải phóng trước cửa Dinh Độc lập, trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.
Ngày 30 tháng Tư 45 năm trước là ngày chiến thắng cũng là ngày đoàn viên của dân tộc. Ai ai cũng là người thân thiết ruột rà. Nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc. “Ta lại về ta những đứa con/ Máu hòa trong máu đỏ như son…”.
Những ai từng được sống trong thời khắc ấy thật là vinh hạnh. Vinh hạnh vì mình là chứng nhân một chiến công hiển hách của dân tộc, một chiến thắng mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trang Vàng chói lọi nhất. Đó là chiến thắng của người Việt Nam yêu nước thương nòi, của khát vọng được sống trong hòa bình, thống nhất.
Biết bao ngày đêm những con người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; biết bao bà mẹ gạt nước mắt khóc thầm khi tiễn chồng, tiễn con, tiễn cháu lên đường làm nghĩa vụ với đất nước, với dân tộc. Biết bao con người đầu xanh tuổi trẻ đã không quản ngại hy sinh thân mình cho ngày giải phóng. Những em bé đội mũ rơm đi học. Những bà mẹ chuyền cơm qua nắp cống nuôi giấu những người cách mạng ngay trong lòng địch. Biết bao cô gái vai súng tay cày tất cả vì tiền tuyến lớn. Sự hy sinh của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến “đánh cho Mỹ cút - đánh cho ngụy nhào” là không kể xiết. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cao cả: Chiến thắng quân thù, để non sông liền một dải cho đến ngày trùng phùng của một dân tộc lẫm liệt.
Trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người Việt Nam dù Nam hay Bắc, miền ngược hay miền xuôi, từ già tới trẻ đều chung một ý chí, đều khát khao hòa bình thống nhất. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài “Chia tay trong đêm Hà Nội” viết rằng:
“Em đi với anh trong đêm Hà Nội
Qua những phố hè quen thuộc yêu thương…
Dọc hàng cây ánh đèn pha cuốn bụi
Từng đoàn xe cao xạ chạy rung đường
Trăng soi gương mặt nghìn yêu dấu
Ngày mai hai đứa đã hai nơi
Hai đầu đất nước trong dông bão
Cùng chung chiến đấu hai phương trời…
Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em”.
Cuộc chia ly sao mà sao xuyến đến thế, mà dữ dội đến thế! Cuộc chia ly ấy theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước! Nhất định không chịu làm nô lệ!”.
Trong một bài thơ khác, bài “Lá đỏ” Nguyễn Đình Thi viết vào cuối năm 1974 khi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 sắp sửa bắt đầu. Ông viết: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường/ Như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Ðoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn/ Em vẫy cười đôi mắt trong”.
Họ, những người con gái con trai “đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép”, dù ở hậu phương hay ra tiền tuyến thì đều cùng linh cảm tới ngày chiến thắng, cho dù đang trong tình thế rất ngặt nghèo. Những cuộc chia ly, những lời hẹn gặp cũng chính là quyết tâm sắt đá của người Việt Nam. Chia ly để mong đến ngày gặp lại.
Cũng trong những ngày tháng cam go giành độc lập tự do cho dân tộc, trong bài “Ngọn đèn đứng gác” nhà thơ Chính Hữu viết: “Trên đường ta đi đánh giặc/ Ta về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu cũng gặp/ Những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu/ Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt/ Như miền Nam/ Hai mươi năm không đêm nào ngủ được/ Như cả nước với miền Nam/ Đêm nào cũng thức...”.
Ngọn đèn dầu thân quen trong những năm tháng ác liệt là trái tim ta đó, thao thức khắc khoải vì vận mệnh đất nước, vì một niềm tin không bao giờ tắt mơ ngày chiến thắng, ngày thống nhất. Cả nước thao thức vì điều thiêng liêng ấy.
Trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 mãi mãi không quên khi đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn trong niềm vui vỡ òa của người dân thành phố -Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. “Đường đi trên dây thép gai” cho đến ngày toàn thắng. Cũng trong buổi trưa mãi mãi không quên ấy, trên Đài Phát thanh Sài Gòn vang lên bài hát “Nối vòng tay lớn” của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. “Rừng núi giang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la, anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam… Nối liền một vòng tử sinh”.
Một vòng tử sinh của dân tộc Việt Nam trong ý nghĩa hai tiếng “đồng bào” cùng chung số phận. Đất nước này là của chúng ta, của tất cả những người Việt Nam yêu nước đã gan góc vượt qua mọi hy sinh mất mát cho đến ngày toàn thắng, ngày đoàn tụ.
Trịnh Công Sơn là nhân vật tiêu biểu cho giới trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam lúc ấy. Những nghĩ suy, tấm lòng của ông trong những ngày đất nước chia ly cũng là nghĩ suy, tấm lòng của người Việt Nam ta trong cơn binh đao lửa đạn nhưng vẫn không thôi mong tới ngày trời quang mây tạnh, tay trong tay “đi giữa phố phường không xa lạ”. Ngay trong lúc bom gào đạn xé thì trong bài hát “Ta thấy gì đêm nay” ông vẫn viết: “Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Cờ bay trăm ngọn cờ bay/ Rừng núi loan tin đến mọi miền/ Gió Hoà bình bay về muôn hướng/ Ngày vui con nước trôi nhanh/ Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù/ Gặp quê hương sau bão tố/ Giọt nước mắt vui lay lòng gỗ đá”.
Những cách biệt, những khác biệt từng chia cắt dân tộc trong những ngày chiến tranh ly tán được xóa bỏ. Người Việt Nam cùng hướng về nhau, cùng nhau xây dựng đất nước, một đất nước đã phải chịu đựng quá nhiều đau thương mất mát, nhưng không bao giờ chịu khuất phục mà vẫn quật cường gian khổ hy sinh cho ngày hội ngộ đoàn viên. Còn trong bài “Huế Sài Gòn Hà Nội” Trịnh Công Sơn viết: “Hãy xóa hết dấu tích buồn xưa/ Ngày mai đây những con đường Nam Bắc nở hoa/ Bàn tay thân ái lòng không biên giới/ Anh em ơi lắng nghe tình nhau/ Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu/ Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu/ Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao”...
Thời gian trôi qua, nhưng tinh thần ngày chiến thắng 30 tháng Tư mãi mãi bất diệt. Trong bài thơ “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư”, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân viết: “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư/ Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất/ Không một lần dám sống hy sinh… Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm/ Lòng vẫn nghĩ: Tháng Tư làm nhân chứng/ Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn/ Làm thế nào em có thể đền ơn?”.
Đúng, chúng ta mãi mãi biết ơn những con người làm nên ngày 30 tháng Tư lịch sử, để từ đó chúng ta có đất nước của mình, một đất nước non sông liền một dải. Sông Bến Hải đã không còn là nhát dao cắt trong lòng dân tộc. Cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc đã đi đến thắng lợi cuối cùng trong ngày 30 tháng Tư chói ngời ấy.
Xin dâng một nén tâm hương lên những con người vì dân vì nước đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng Đất Mẹ để chúng ta có được ngày 30 tháng Tư vĩ đại, để cho chúng ta có được Việt Nam. Đất nước trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, nơi nào trên mảnh đất hình chữ S thân thương này cũng có Nghĩa trang Liệt sỹ. Họ đã sống và chết cho đất nước.
Hôm nay, sống trong một đất nước độc lập tự do, chúng ta không bao giờ quên công ơn những con người đã hiến dâng tất cả cho ngày thống nhất. Càng lo lắng hơn về trách nhiệm của người đi sau làm sao giữ được toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững hòa bình để dựng xây đất nước. Để chúng ta mãi mãi tự hào mình là người Việt Nam, để được là “Ta lại về ta những đứa con/ Máu hòa trong máu đỏ như son”…