Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Ngọn cờ tập hợp, đoàn kết chống Mỹ cứu nước

Nguyễn Túc Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 01/05/2020 07:30

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào miền Nam nước ta; trực tiếp xây dựng, huấn luyện và chỉ huy quân đội Sài Gòn, biến miền Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và tìm cách thâu tóm các nguồn lợi kinh tế vào tay tư bản lũng loạn Mỹ.

Núp dưới chiêu bài “độc lập”, “dân chủ”, “bảo vệ thế giới tự do” và bằng các khẩu hiệu lừa bịp “đả thực, bài phong”, “cần lao, nhân vị”, “đồng tiến xã hội”, tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm ra sức tuyên truyền bịp bợm để lôi kéo các giai cấp và tầng lớp xã hội - ở miền Nam.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Ngọn cờ tập hợp, đoàn kết  chống Mỹ cứu nước

Ngày 20/12/1960, các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập.

Đồng bào miền Nam vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng, đã được tôi luyện qua mấy chục năm đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, có một bề dày kinh nghiệm, đã nhanh chóng nhận ra những âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Trong hoàn cảnh và điều kiện lúc đó, các tổ chức Đảng và đoàn thể yêu nước, cách mạng phải rút vào hoạt động bí mật. Trên toàn miền Nam không còn một tổ chức yêu nước nào công khai đứng ra để tổ chức, tập hợp quần chúng đấu tranh. Mặc dù tương quan lực lượng rất chênh lệch, song với lòng yêu nước nồng nàn, trước sự tồn vong của dân tộc, chỉ chưa đầy một năm sau ngày thi hành Hiệp định đình chiến, đồng bào miền Nam đã vùng lên; phối hợp tổ chức nhiều cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, cuốn hút hàng triệu người thuộc các giai cấp, mọi tầng lớp tham gia đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, thống nhất đất nước, đi đôi với đấu tranh chống phá các cuộc “tố cộng”, “diệt cộng”, phá các kế hoạch lập “ấp chiến lược”, “khu trù mật”, “dinh điền” của địch.

Song song với những phong trào đấu tranh của nhân dân lao động, là những phong trào của học sinh, sinh viên, trí thức. Tiêu biểu là “Phong trào bảo vệ hòa bình” của những người trí thức ở Sài Gòn- Gia Định đã có tiếng vang lớn trong các tầng lớp nhân dân.

Kết hợp những kinh nghiệm được tổng kết qua những năm lãnh đạo đồng bào đấu tranh giành độc lập với những thực tế phong phú của hai năm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bản “Đề cương về đường lối của cách mạng miền Nam” của Xứ ủy Nam Bộ do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy chấp bút ra đời.

Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng đề ra những tư tưởng lớn, những chủ trương, chính sách về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, đáp ứng những yêu cầu khách quan đang đặt ra cho cách mạng miền Nam. Bản Đề cương nêu rõ: “Thực chất của việc xây dựng và tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất là “bố trí lực lượng các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các thành phần trong dân tộc để đánh bại kẻ thù của cách mạng” và xác định: “đó “là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta hiện nay”.

Thực tiễn của 3 năm sau đó (1957 - 1960) ở miền Nam đã khẳng định những quan điểm tư tưởng của bản Đề cương là đúng đắn và vấn đề xây dựng, phát triển Mặt trận đã trở thành vấn đề bức bách vì như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa II chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân... Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc về phong kiến, dựng lên chính quyềncách mạng của nhân dân”.

Nội dung, tinh thần của bản Đề cương và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Đại hội nói rõ thêm về việc xây dựng khối công nông binh liên hiệp gắn với việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất ngày càng rộng rãi.

Những văn kiện nêu trên làm sáng tỏ con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, đồng thời cũng đặt cơ sở tiến tới sự ra đời của Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam.

Đáp ứng yêu cầu của lịch sử và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, ngày 20/12/1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, theo sáng kiến của những người cộng sản, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam được cử làm Chủ tịch Mặt trận, kêu gọi : “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại: “Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”.

Bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm được Đại hội thông qua là Cương lĩnh cho phong trào cách mạng của nhân dân. Mục tiêu đấu tranh của Mặt trận được cô đọng lại một cách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ. Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng, cách mạng miền Nam đã có danh nghĩa chính thức; phương hướng và mục tiêu cách mạng được công khai, rõ ràng để tập hợp lực lượng. Mặt trận thực sự trở thành người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã vạch rõ: kẻ thù nguy hại nhất hiện nay của nhân dân miền Nam là đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai bán nước. Chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân. Nhiệm vụ và mục tiêu cứu nước của toàn nhân dân miền Nam Việt Nam hiện nay là đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ ngụy quyền tay sai của chúng, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc và dân chủ rộng rãi, xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Bản Cương lĩnh chủ trương không những tăng cường thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận mà còn chủ trương thực hiện liên hiệp hành động với mọi lực lượng còn ở ngoài Mặt trận nhưng có nguyện vọng đánh đổ kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai bán nước.

Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do, chỉ có độc lập thật sự thì mới có hòa bình chân chính” để chiến thắng đế quốc Mỹ và tay sai, nhân dân miền Nam đã hăng hái tham gia vào các tổ chức yêu nước, các tổ chức chính trị - thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng như: Hội Lao động giải phóng, Hội Liên hiệp sinh viên học sinh, Hội Nhà giáo yêu nước, Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ, Hội Những người Công giáo kính Chúa yêu nước, Hội Lục Hòa Phật tử miền Nam, đảng Xã hội cấp tiến của trí thức yêu nước, đảng Dân chủ miền Nam của tư sản dân tộc.

Với phương châm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “hai chân, ba mũi, ba vùng chiến lược, ba mũi giáp công” phong trào đấu tranh chính trị đã diễn ra liên tục, sôi nổi thu hút nhiều giai cấp, tầng lớp tham gia. Chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo điều kiện cho một số nhân sĩ, trí thức rời các đô thị ra vùng giải phóng. Số đông còn lại cùng nhân dân ở các đô thị tiếp tục chống Mỹ - Ngụy.

Ngày 20/4/1968, nhóm trí thức vừa ra vùng giải phóng đã cùng số đông các nhân sĩ, trí thức yêu nước của các địa phương gồm các giáo sư, học giả, nhà báo, nhà công thương nổi tiếng ở miền Nam tiến hành Hội nghị đại biểu thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.

Với Cương lĩnh thích hợp, Liên minh đã đoàn kết và tranh thủ thêm một số trí thức, tư sản dân tộc yêu nước, tiến bộ ở thành thị có xu hướng hòa bình, trung lập nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng.

Ngày 6/6/1969, Liên minh cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng, đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các chính đảng, đoàn thể đã cử ra “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân miền Nam, đánh trực tiếp và liên tục vào âm mưu của Mỹ cố bám giữ chính quyền Sài Gòn, đồng thời giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có tư cách pháp lý để tập hợp lực lượng cách mạng, thực hiện hòa hợp dân tộc, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau 21 năm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, nhân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là thu hồi trọn vẹn nền độc lập, thực hiện thống nhất đất nước và bước vào thời kỳ phát triển mới.

Năm tháng sẽ qua đi, song những gì nhân dân miền Nam “đi trước về sau” được nhân dân cả nước trực tiếp kề vai, sát cánh, những cống hiến vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mãi mãi có chỗ đứng trang trọng trong lịch sử của dân tộc ta.

Nguyễn Túc Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam