Online nhiều việc, tại sao không ?
Việc kíp trực tàu Thống nhất SE4 gồm toàn nhân viên nam đỡ đẻ thành công cho một sản phụ đi tàu khiến nhiều người phải nức nở, trầm trồ thán phục. Mọi người thán phục không chỉ vì sự “dũng cảm” của các nam tiếp viên trên tàu, mà còn bởi cách mà các anh đỡ đẻ cho sản phụ là nhờ hướng dẫn qua online.
Dù chưa từng một lần đỡ đẻ, nhưng nhờ sự ứng biến thông minh, không ngại ngần mặc cảm là nam giới, nhóm tiếp viên trên tàu SE4 đã giúp cho người phụ nữ trở dạ mẹ tròn con vuông.
Kíp trực tàu SE4 chạy hành trình Nam - Bắc đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ sinh con. (Ảnh: Facebook Đường sắt Việt Nam).
Tàu SE4 xuất phát từ Ga Sài Gòn vào đêm 25/4, chiều ngày 26/4 tới khu vực giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế, bất ngờ một hành khách trên tàu là chị Lăng Thị Mậu đau bụng và có dấu hiệu sinh con. Trưởng tàu SE4 Trần Văn Trí phát loa toàn tàu hỏi xem có ai là bác sĩ đến giúp chị Mậu sinh con, song trên tàu không có ai. May mắn lúc đó một hành khách nói có quen một bác sĩ sản, anh Trí liền xin số rồi gọi zalo (video call) cho vị bác sĩ nọ nhờ hướng dẫn cách đỡ đẻ cho các anh.
Với sự hướng dẫn nhiệt tình của người bác sĩ, cùng với việc thực hiện đúng những chỉ dẫn của bác sĩ, tổ tiếp viên nam tàu SE4 đã đỡ đẻ thành công cho chị Mậu. Trường hợp đặc biệt này được báo cho ga Huế, lập tức xe cứu thương và đội ngũ nhân viên y tế được huy động chờ sẵn để hỗ trợ sản phụ. Ngay khi tàu vừa dừng tại ga Huế, các bác sĩ đã lên tàu cắt dây rốn cho cháu bé, rồi đưa sản phụ về bệnh viện chăm sóc. Đến lúc này tổ tiếp viên tàu SE4 mới thở phào trong sự kinh ngạc của hành khách.
Câu chuyện “nhỏ” nói trên cho chúng ta thấy nhiều điều đáng trân trọng. Đó là khi mọi người sẵn lòng giúp đỡ người khác thì dù không có chuyên môn, dù không quen biết thì vẫn có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Là tiếp viên nam, không có chuyên môn về y tế, lại chưa từng đỡ đẻ, nhưng tổ trực tàu SE4 đã sẵn sàng thực hiện một việc dường như “không tưởng” là đỡ đẻ cho sản phụ. Vốn không quen biết, song vị bác sĩ cũng vẫn hướng dẫn tận tình qua video call các bước đỡ đẻ cho tổ tiếp viên thực hiện. Nếu không có những con người sẵn lòng vì người khác như vậy, chị Mậu sẽ ra sao đây?
Còn một điều cũng khá quan trọng nổi lên qua câu chuyện này, đó là không phải cái gì cũng cần phải trực tiếp, mà có thể thực hiện qua online vẫn hiệu quả. Chẳng phải Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng mới đây từng khẳng định: Có tới hơn 70% loại bệnh có thể thực hiện khám chữa trực tuyến nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng đó sao? Trong bối cảnh giãn cách xã hội, hệ thống các bệnh viện đã kết nối để mỗi ca bệnh khó đều có sự chung tay chẩn đoán của các chuyên gia đầu ngành.
Chính từ sự liên thông từ tuyến bệnh viện Trung ương đến bệnh viện các tỉnh, thành phố, thậm chí xuống tới bệnh viện cấp huyện đã giúp chúng ta sử dụng có hiệu quả 4 tại chỗ, không bị quá tải trong việc điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19. Cũng nhờ có online mà mỗi ca dương tính với SARS-CoV-2 trở nặng đã được hầu hết các bác sĩ đầu ngành chẩn đoán trực tuyến, cùng nhau bàn thảo đưa ra những phác đồ điều trị hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ tử vong tối đa.
Điều đó lý giải vì sao tới nay Việt Nam dù có tới 270 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nhưng trải qua suốt hơn 3 tháng vẫn chưa có trường hợp nào tử vong. Điều đó cũng lý giải vì sao 3-4 ca bệnh Covid-19 rất nặng tưởng như không qua khỏi cuối cùng cũng dần hồi phục, sức khỏe ngày càng ổn định. Và tất nhiên chúng ta cũng có quyền tự hào vì là nước duy nhất trên thế giới đến nay đã chữa khỏi cho hơn 80% bệnh nhân mắc Covid-19. Một đất nước còn nghèo, y tế còn nhiều khó khăn về trang thiết bị máy móc, nhân lực... mà có thể khống chế, kiểm soát được đại dịch Covid-19 hỏi sao không tự hào.
Nói như vậy để thấy sức mạnh của công nghệ là vô bờ bến, chỉ có điều chúng ta chưa thể nắm bắt hết những điều hữu dụng của nó. Trong kỷ nguyên số, thời đại công nghiệp 4.0, chúng ta càng nhanh chóng nắm bắt công nghệ, đổi mới tư duy theo kịp trào lưu mới chừng nào thì kinh tế - xã hội càng phát triển, an ninh - quốc phòng càng vững chắc bấy nhiêu. Đó là chưa kể Việt Nam cũng đang hướng tới một Chính phủ điện tử nhằm giảm thiểu phiền hà nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn được nguy cơ tham nhũng của các cán bộ thực thi công vụ. Online nhiều việc, tại sao không?