Vị giáo sư và những con chip 'made in Vietnam'
Năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng GS.TS Đặng Lương Mô (84 tuổi, Việt kiều Nhật Bản) vẫn nặng lòng với các nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử vi mạch của nước nhà. Với hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 phát minh sáng chế, GS Mô được coi là nhà khoa học hàng đầu về vi mạch tại Việt Nam, Nhật Bản, và có ảnh hưởng tại nhiều quốc gia.
GS.TS Đặng Lương Mô và đại diện chương trình “Ra biển lớn” của HTV. Ảnh: Hồng Phúc.
Là nhà khoa học tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Ra biển lớn” của Đài Truyền hình TP HCM (HTV) vào ngày 26/4 vừa rồi, GS.TS Đặng Lương Mô có thể mãn nguyện sau hành trình 20 năm về nước cống hiến cho dân tộc. Cách đây 20 năm, GS Mô đã có quyết định dứt khoát rời Nhật Bản, năm đó nhà khoa học Việt kiều 66 tuổi (năm 2002) và có hơn 40 năm làm việc và sinh sống tại quốc gia phát triển của Đông Á. Ông về nước, ngoài hàm lượng khoa học trong lĩnh vực vi mạch, còn mang về hoài bão của một tinh thần quật khởi sau chiến tranh thế giới thứ 2 - sức mạnh đã giúp Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suốt thời gian dài. Nhờ chứng kiến sự thay đổi thần kỳ của Nhật Bản suốt hơn 40 năm, GS Đặng Lương Mô đã mang theo nhiều hoài bão để mong muốn Việt Nam có sự phát triển vượt bậc khi đất nước mở cửa.
Đạo diễn truyền hình Trần Quốc Sơn (Hãng phim truyền hình TP HCM) chia sẻ, anh rất bất ngờ khi được giao làm phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến khoa học đầy tự hào của GS.TS Đặng Lương Mô. Một nhà khoa học thực sự, với nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, giải quyết được những bài toán hóc búa của lĩnh vực vi mạch, khai sinh ra bộ vi xử lý (chip) made in Việt Nam, thậm chí đưa tên mình vào những công trình nghiên cứu ứng dụng vi mạch tại các quốc gia phát triển cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
“Những hạt giống mà GS Đặng Lương Mô đã gieo trồng tại Nhật Bản và Việt Nam hẳn sẽ còn cống hiến nhiều cho sự phát triển nền công nghiệp bán dẫn vi mạch của cả 2 nước”- đạo diện Trần Quốc Sơn nói về nhân vật đặc biệt của chương trình “Ra biển lớn” của HTV tới đây.
Câu chuyện về hơn 40 năm bôn ba xứ người, nhưng nỗi niềm canh cánh không nguôi về cố quốc của nhà khoa học Việt kiều, với những lát cắt đan cài giữa yếu tố dự định và tính bất ngờ của cuộc đời như một bức tranh thú vị lột tả ẩn dụ sâu xa về ý chí của mỗi một công dân đối với vận mệnh và sự phát triển của một quốc gia, dân tộc.
Trong nhiều năm cống hiến trong lĩnh vực vi mạch, GS.TS Đặng Lương Mô đã được bầu làm Hội viên chính Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992; Hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - Điện tử - Tin học (IEEE) của Hoa Kỳ. Năm 1984, GS Mô nhận bằng khen thành tích xuất sắc của Công ty Toshiba (Nhật Bản). Năm 1991, ông nhận bằng khen về sự đóng góp xuất sắc cho Hội nghị Quốc tế ICCAD.
Rất nhiều phát minh sáng chế của ông được quốc tế công nhận, không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có tính ứng dụng cao trong sản xuất. Đặc biệt công trình khoa học mang tên ông “Mô hình Transistor Mosfet” (còn gọi là “Dang Model”) đăng trên tạp chí của Hội IEEE (Hội kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ) năm 1979 đã được Đại học California ở Berkeley (Mỹ) phát triển và được sử dụng trong công nghiệp và giáo dục trên khắp thế giới.
Đặc biệt, GS Đặng Lương Mô cũng đã đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), sản xuất thành công nhiều con chip mang tên SIGMA-K3, VN8-01, TH-7150 và chip vi xử lý 32 bit đầu tiên tại Việt Nam VN1632. ICDREC, sau đó đã sử dụng con chip tạo ra trên 50 sản phẩm công nghiệp, từ hộp đen giám sát hành trình cho ôtô và xe gắn máy, đến điện kế thông minh. Sự thành công những con chip made in Vietnam đầu tiên đã khiến Chính phủ đi đến quyết định đặt công nghệ vi mạch ở vị trí hàng đầu trong số 46 ngành công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Việt Nam.
Dù có những cống hiến hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch, thế nhưng hiện nay GS Đặng Lương Mô rất khiêm tốn và chọn cuộc sống giản dị tại một căn nhà nhỏ thuộc phường 11, quận Gò Vấp TP HCM. Phía trước căn nhà là khoảnh sân vườn nhỏ nên thơ, rời xa những ồn ào náo nhiệt của phố phường, nhưng là niềm vui rất lớn của một nhà khoa học Việt kiều ở tuối xế chiều.