Đồng tâm hiệp lực tất thắng Covid-19
Nhiều quốc gia trên thế giới được đánh giá có nền y khoa tiên tiến lại đang hết sức lúng túng trong việc khống chế sự lây lan của đại dịch Covid-19. Họ không hiểu vì sao Việt Nam lại có thể khống chế, kiểm soát tốt đại dịch này. Song, đơn giản là ngoài việc chủ động ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ còn có sự đồng tâm nhất trí của nhân dân nên dịch bệnh dù nguy hiểm cũng không có cơ hội lây lan rộng.
Niềm vui vỡ òa trong giờ khắc Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ phong tỏa. Ảnh: Quang Vinh.
Chủ động phòng dịch
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 chưa xâm nhập vào Việt Nam, các cơ quan chức năng đã có những cuộc họp quan trọng đánh giá tình hình để đưa ra những biện pháp ứng phó nếu xuất hiện dịch. Chính nhờ điều đó mà khi xuất hiện ca đầu tiên dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), Chính phủ, Bộ Y tế cùng các địa phương đã kịp thời đưa ra các biện pháp kiểm soát, kiềm chế đến mức thấp nhất sự lây lan của đại dịch. Việc không bị bất ngờ, lúng túng chính là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình đại dịch Covid-19.
Sau khi xác định nhóm công nhân đi tập huấn ở Vũ Hán (Trung Quốc) về có người dương tính với SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã lập tức tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn lây lan. Những người có tiếp xúc gần (F1) với người bệnh, tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2)... lập tức được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo không lây lan rộng trong cộng đồng. Thậm chí, cả một xã của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã được cách ly, phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Chính biện pháp “mạnh tay” đó đã khiến cho SARS-CoV-2 bị “giam” lại không có cơ hội làm lan rộng ra những địa bàn khác.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế phải xây dựng nhiều kịch bản nhằm ứng phó với mọi trường hợp xấu có thể xảy ra. Nếu số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 là mười người thì sẽ thế nào, 100 người sẽ ra sao, thậm chí 1.000 người thì sách lược đối phó là gì?... Không chỉ có Bộ Y tế, ngay từ những ngày đầu, Bộ Quốc phòng cũng đã nhận được chỉ đạo của Chính phủ là luôn phải sẵn sàng “tham chiến” trong trường hợp cần thiết. Đó chính là lý do tại sao khi số người mắc Covid-19 tăng lên, quân đội đã sẵn sàng nhiều khu cách ly với sức chứa hàng nghìn người là các đối tượng F1, F2...
Có được kết quả tốt trong phòng chống đại dịch Covid-19 còn phải kể đến việc Chính phủ luôn chủ động thực hiện những biện pháp mạnh hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một bậc. Khi mà WHO khuyến cáo chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp hạn chế các chuyến bay để đảm bảo giao thương quốc tế, thì Việt Nam đã dừng các chuyến bay đi và đến tâm dịch Vũ Hán. Tất cả những người từng có mặt ở Vũ Hán trong thời gian bùng phát dịch bệnh, khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải kiểm tra y tế bắt buộc, cách ly theo dõi 14 ngày, xét nghiệm kiểm tra dịch tễ, để đảm bảo không làm lây lan đại dịch Covid-19 ra cộng đồng.
Chống dịch như chống giặc
Từ những ngày đầu tiên xuất hiện đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Chính phủ đã quán triệt tới các ngành, các cấp phải xác định chống dịch như chống giặc. Các bộ, ngành, địa phương phải coi công tác phòng chống đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị được ưu tiên hàng đầu, không lơ là chủ quan, nhưng cũng không được hoang mang lo sợ. Và tất nhiên, khi đã coi đại dịch Covid-19 là “giặc” thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đồng thời huy động mọi nguồn lực để “chiến đấu” giành thắng lợi. Đây chính là tiền đề để các lực lượng chức năng triển khai hàng loạt các biện pháp đồng bộ, kịp thời phòng chống đại dịch Covid-19 một cách có hiệu quả.
Với việc xác định “giặc dịch”, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch Covid-19 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới trong phòng chống đại dịch Covid-19. Và sự khác biệt đó cũng đã giúp Việt Nam đứng trong top những nước dẫn đầu về kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Để có thể chiến thắng “giặc dịch”, nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã phải mắc võng, lập lán giữa rừng, ăn ngủ tại chỗ để canh phòng các đường mòn, lối mở, ngăn ngừa sự xâm nhập SARS-CoV-2 từ bên kia biên giới tràn vào nội địa. Ở những trung tâm cách ly người nghi nhiễm, đối tượng tiếp xúc... có những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế hàng tháng không được về nhà thăm gia đình. Họ chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để giành thắng lợi cuối cùng trước đại dịch Covid-19. Không thể không nhắc đến lực lượng y bác sĩ tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống đại dịch Covid-19. Các anh, các chị không quản ngại nguy hiểm, ngày đêm tận tình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Đó là lý do giải thích vì sao đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ ca tử vong nào do đại dịch Covid-19 gây ra.
Từ sau khi xuất hiện bệnh nhân số 17 (ngày 6/3), tình hình bắt đầu xấu đi với việc tăng nhanh số ca dương tính với SARS-CoV-2 mỗi ngày. Đỉnh điểm là đã bắt đầu xuất hiện những ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bar Buddha (TPHCM)... Lúc này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương buộc phải thực hiện các biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn “giặc dịch”. Từ chính quyền cơ sở, lực lượng công an, dân phòng đến các tổ chức đoàn thể đã phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” rà soát, kịp thời phát hiện, cách ly những đối tượng nguy cơ cao, đảm bảo không phát sinh các ổ dịch mới.
Cả xã hội đồng tâm hiệp lực
Phải khẳng định ngay rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ không thể làm tốt công tác phòng chống đại dịch Covid-19 nếu không có sự đồng thuận cao của nhân dân. Mọi chủ trương trong phòng chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương đưa ra đều nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Hầu hết mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, khiến cho các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 khi được triển khai thực hiện đều mang lại kết quả khả quan. Nói đâu xa, trong những ngày này, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội được đại bộ phận nhân dân nghiêm túc thực hiện, tạo ra kết quả rõ rệt.
Không chỉ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, nhân dân còn kề vai sát cánh cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong “cuộc chiến” với “giặc dịch”. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã có những đóng góp thiết thực bằng tiền, hiện vật giúp đỡ phòng chống đại dịch Covid-19. Có người quyên góp hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng, có tổ chức tặng hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, có doanh nghiệp đóng góp lô máy thở... tất cả cùng chung một ý chí: Quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19. Dù chưa giành thắng lợi cuối cùng, nhưng chúng ta có quyền tự hào Việt Nam đang khống chế, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 so với nhiều cường quốc trên thế giới với tiềm lực kinh tế dồi dào, y tế phát triển.
Chính vì ủng hộ, một lòng tin tưởng Chính phủ trong phòng chống đại dịch Covid-19, nhân dân không hề kêu ca, phàn nàn về hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trái lại, dù ít dù nhiều, mỗi người đều có sự đóng góp nhất định trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Từ đó đã xuất hiện nhiều sáng kiến hay, cách làm tốt để chung tay góp sức với Chính phủ phòng chống đại dịch Covid-19. Thay vì trực tiếp phát các suất quà là các bữa ăn miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư gây nguy cơ lây lan dịch bệnh vì tập trung đông người, đã xuất hiện các cây “ATM gạo” đảm bảo sự giãn cách xã hội cần thiết phòng dịch. Từ một ATM đầu tiên của anh Hoàng Tuấn Anh tại TP HCM, đến nay đã lan tỏa ra cả cả nước với hàng chục ATM gạo tuôn trào yêu thương…
Từ những ATM gạo lan tỏa tình người, những bà mẹ gần đất xa trời vẫn muốn đóng góp mớ rau, cân gạo “nuôi” bộ đội tuyến đầu vất vả, những cháu nhỏ sẵn sàng quyên góp những đồng tiền dành dụm ít ỏi... ta thấy rõ nét sự đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 của cả dân tộc Việt Nam. Đoàn kết chính là sức mạnh vô song giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Khi mà còn có sự kề vai sát cánh của nhân dân, tin rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng.