Trụ vững, đón sóng đầu tư
Nhận xét của tờ Asia Times (ngày 16/4): Thông qua kiểm soát biên giới sớm và hiệu quả, minh bạch thông tin và ngoại giao chiến lược trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam nổi lên như một quốc gia chiến thắng sau đại dịch. Đó là bài viết của tác giả David Hutt với tiêu đề “Việt Nam sẽ trở thành nước thắng lớn sau đại dịch”.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tới thời điểm hiện tại, dù trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành và nhiều dự báo bi quan về kinh tế toàn cầu năm 2020, thì các định chế tài chính uy tín trên thế giới đều cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững, tăng trưởng cao nhất trong khối các nước ASEAN, cho dù GDP giảm so với dự kiến (6,8%). Ngân hàng Thế giới dự báo, trong trường hợp xảy ra kịch bản xấu nhất của đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam sẽ giảm 1,5% trong năm nay, nhưng đây là mức giảm rất thấp so với hàng loạt quốc gia khác. Ví dụ so với Thái Lan khi dự báo sẽ giảm khoảng 5,3%.
Theo Asia Times, là một quốc gia đáng tin cậy và có trách nhiệm cũng như ít chịu thiệt hại so với nhiều nước trong dịch Covid-19, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi dịch bệnh đi qua.
“Việt Nam đã nhanh chóng ghi dấu ấn của mình trong phiên bản ‘ngoại giao thời Covid-19’, một bước đi mà nhiều nước khác cũng đang triển khai để đạt được hiệu quả chiến lược”- bài báo dẫn lời GS Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia). Bài báo cũng không quên dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lời cảm ơn tới “các bạn bè của chúng tôi tại Việt Nam” trong một bài viết đăng trên Twitter, sau khi Mỹ nhận 450.000 bộ đồ bảo hộ được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam do công ty DuPont của Mỹ sở hữu và vận hành.
Cùng chung nhận định, GS Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á -Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii) cho rằng “Đại dịch Covid-19 là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để tăng cường sức mạnh mềm, vì giúp quảng bá sự hào phóng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế”. Còn Derek Grossman- nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện Nghiên cứu Rand Corporation (trụ sở tại Washington, Mỹ) cho rằng cách Việt Nam ứng phó với Covid-19 cũng như chính sách ngoại giao của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ “giúp Việt Nam chứng minh giá trị của mình với thế giới”.
Khi nhìn nhận đại dịch cũng như hậu đại dịch, nhiều phân tích cho rằng Việt Nam sẽ nhận được “phần lớn nhất” của “làn sóng dịch chuyển thứ 2” khi các nhà máy di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Cùng đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nổi lên như điểm sáng nhất trong khu vực năm 2020 (tới thời điểm cuối tháng 4), trong khi các thị trường chứng khoán khác trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn.
Vào thời điểm này năm trước, đánh giá về khả năng Việt Nam thu hút các nhà sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang, một vị chuyên gia Công ty Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Kizuna, còn dè chừng và cho rằng không dễ dàng bởi sức hấp dẫn của thị trường hơn một tỉ dân là rất lớn. Nhưng tới nay tình thế đã khác khi mà sau nhiều toan tính Kizuna vẫn tiếp tục rót vốn xây nhà xưởng để đón các nhà đầu tư khi dịch bệnh không còn.
Còn JLL- tập đoàn cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản cho rằng từ năm 2019, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Năm 2020, theo JLL, ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu nên xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến tích cực nhất.
Ông Stephen Wyatt-Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng dù dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư tại Việt Nam vẫn tự tin tăng giá đất trong quí đầu năm 2020, do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn. Điều đó cho thấy những dự báo và niềm tin rằng thị trường Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát.
Cũng có thể tham khảo dự đoán của VinaCapital rằng việc trụ vững trong đại dịch sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch các dòng vốn đầu tư từ các quốc gia khác về Việt Nam.