Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg về Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam; trong đó giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, chỉ đạo thực hiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nhiều năm qua với sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số- tới nay Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã trở thành ngày hội chung của đất nước.
Lễ hội mừng lúa mới của bà con Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
1. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam là dịp để đồng bào các dân tộc nhìn lại những kết quả đạt được và kiểm điểm những phần việc còn khiếm khuyết, cần phải khắc phục để thực hiện tốt chính sách dân tộc, đặc biệt là chính sách đối với các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong từng năm và từng giai đoạn gắn với sự thay đổi, phát triển của đất nước. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng là để đề cao bản sắc văn hóa, tinh hoa văn hóa các các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Để mọi người càng thêm yêu quý, tự hào truyền thống dân tộc, phát huy truyền thống đó trong cuộc sống hôm nay. Ngày Văn hóa các dân tộc cũng là dịp để mọi người gắn kết, sẻ chia trong tình nghĩa đồng bào.
Đặc biệt, thông qua những hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
2. Trong tình hình mới, theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, việc gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc là rất quan trọng, khi mà quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng. Giáo sư Đinh Xuân Dũng cho rằng, dù có nhiều thách thức trong quá trình hội nhập song chúng ta hoàn toàn có thể phát huy, phát triển, hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc trong quá trình đó. Toàn cầu hóa vừa là thời cơ cho sự hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là những thách thức to lớn, nhiều khi hoàn toàn mới mẻ, đối với vấn đề giữ gìn, bảo vệ, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt, độc đáo, có tính truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia trong bối cảnh và đặc điểm mới của thế giới hiện đại.
Trong quá trình xích lại gần nhau, đan xen văn hóa thì nhất thiết phải phát huy và phát triển những giá trị riêng, độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình. Nếu không làm được điều này, sẽ diễn ra một quá trình làm thui chột, làm yếu đi các giá trị văn hóa riêng của từng dân tộc, tự đánh mất mình trong thế giới hiện đại.
Theo Giáo sư Đinh Xuân Dũng, thời đại hiện nay không đơn thuần chỉ là vấn đề bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc trước tác động của toàn cầu hóa, mà còn có những vấn đề lớn hơn, sâu hơn: Đó là phát huy bản sắc dân tộc trong chính quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa, phát triển và tự làm giàu có mình hơn, phong phú, hiện đại hơn trong quá trình chủ động giao tiếp và tiếp nhận, “cho và nhận” về mặt văn hóa. Cũng cần tránh khuynh hướng bảo thủ cho rằng để đối phó với toàn cầu hóa, mỗi dân tộc trong khi mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, phải đóng cửa về văn hóa, “khư khư” giữ gìn, bảo vệ các bản sắc riêng của mình, không chấp nhận cả cho và nhận, vốn là một quy luật nội tại của sự tồn tại và phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc.
Giao lưu văn hóa trong thời hội nhập.
3. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, văn hóa Việt Nam không hề xa lạ với sự giao lưu, tiếp nhận, tác động lẫn nhau của văn hóa các nước và văn hóa khu vực. Quá trình này diễn ra không ngừng, theo cả chiều dài lịch sử và theo cả không gian, địa lý - văn hóa.
Đất nước Việt Nam nằm trên vùng đất có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau của nhiều nền văn hóa. Ngay từ buổi đầu dựng nước, Việt Nam đã có sự giao thoa giữa văn hóa Đông Nam Á với văn hóa Đông Á và sau này, cũng trong một thời gian dài, là giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ. Đến thời cận đại, xuất hiện và phát triển sự giao lưu, tác động lẫn nhau giữa văn hóa châu Á với văn hóa Âu - Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam. “Chính từ đặc điểm này mà ngay từ đầu và trong toàn bộ quá trình phát triển của mình, văn hóa Việt Nam đã trưởng thành, tạo nên những giá trị độc đáo của dân tộc dựa trên một năng lực rất đặc biệt, đó là vừa tự nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình - văn hóa bản địa, vừa biết tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác”- theo Giáo sư Đinh Xuân Dũng.
Sức sống nội tại và bản lĩnh của văn hóa Việt Nam là dòng chảy bất tận trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những năm qua dòng chảy truyền thống đó cũng đứng trước những thách thức. Đặc biệt, với sự phát triển như vũ bão của mạng internet thì thế giới như thu hẹp lại. Rất nhiều luồng văn hóa, trào lưu văn hóa, trong đó không ít độc hại, xa lạ với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam cũng như những giá trị căn bản của loài người đã xâm nhập mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Từ đó, xuất hiện một số hiện tượng xấu cần phải được lên án. Trong đó, có việc xuất hiện những đối tượng gọi là “giang hồ mạng” đã ảnh hưởng xấu đến một bộ phận giới trẻ.
Chính vì thế, nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay, tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc thì cũng là một lần nữa nhận diện những thách thức phát sinh, để vượt qua.