Tiết kiệm để thoát nghèo
Nhiều năm qua các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 đến10 triệu đồng”. Mô hình này rất nổi bật tại huyện Phú Thiện, nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. Từ đó, bà con nhận ra rằng, tiết kiệm cũng là một cách để thoát nghèo.
Tại làng Pông (xã Chư A Thai), Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ hoạt động rất tích cực trong mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 đến 10 triệu đồng”. Hàng tuần, cán bộ phụ nữ đến nhà hướng dẫn chị em hội viên, giúp họ cách sắp xếp việc nhà sao cho gọn gàng, hợp lý, đặc biệt là hướng dẫn cách chi tiêu tiết kiệm, tích lũy vốn để đầu tư sản xuất. Một hội viên Hội Phụ nữ làng Pông cho biết, trước đây, gia đình chị làm được bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu, thậm chí còn vay thêm để trang trải cuộc sống. Vậy nên quanh năm làm quần quật mà vẫn thiếu trước hụt sau. Từ khi tham gia Câu lạc bộ, mỗi ngày đi làm về có dăm ba ngàn chị đều bỏ vào heo đất dành dụm.
Cứ kiên trì tiết kiệm như vậy, nên khi đập heo đất tiết kiệm, có gia đình để dành được tới gần 30 triệu đồng. Số tiền đó để xây sửa nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước. Nếu như không chịu khó “bỏ heo” hàng ngày thì số tiền đó sẽ bị tiêu hết mà không thể có một khoản để làm việc gì đó cần thiết trong gia đình.
Được biết, cũng từ cách chịu khỏ “bỏ heo” như vậy mà nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Phú Thiện đã có tiền để đầu tư nuôi bò, từ đó vươn lên thoát nghèo. Từ thành công Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 đến 10 triệu đồng” tại làng Pông, Hội phụ nữ huyện Phú Thiện đã thành lập thêm 3 Câu lạc bộ tại các thôn: Plei Tel (xã Ia Sol), Thanh Thượng A (xã Ayun Hạ), Sô Ma Hang B (xã Ia Peng). Theo Hội Phụ nữ huyện Phú Thiện, mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 đến 10 triệu đồng” bước đầu phát huy hiệu quả khá tốt. Chị em hội viên tham gia CLB đã biết sắp xếp việc nhà, phân phối nguồn tiền thu nhập được để chi tiêu hợp lý, trên hết là tạo được thói quen tiết kiệm, dành dụm phòng khi cuộc sống khó khăn, đau ốm và có tiền tái đầu tư sản xuất, chăn nuôi.
Còn tại huyện Cư M’gar (tỉnh Đăk Lăk), những hoạt động vì người nghèo, cùng nhau thoát nghèo cũng rất thiết thực. Từ 2015 đến nay huyện Cư M’gar đã vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo, hoặc là tuyên truyền cổ vũ việc thực hành tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng theo Công văn 258 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Từ nguồn vận động này huyện Cư M’gar đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa được 250 ngôi nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo; hỗ trợ cho 505 đối tượng hộ nghèo cải thiện nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn II của Chính phủ.
Tạo Kon Tum, nhiều mô hình huy động tiết kiệm vốn vay thôn, bản đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp chị em đồng bào vùng sâu từng bước thoát nghèo. Thông qua các phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và nhất là việc huy động các hình thức tiết kiệm vay vốn, các cấp hội phụ nữ tỉnh Kon Tum đã huy động được nguồn vốn lớn, góp phần giúp chị em đồng bào vùng sâu từng bước thoát nghèo, vươn lên cải thiện cuộc sống. Quan trọng hơn, qua đó đã hình thành thói quen tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vào trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo.