Thoát khỏi nền kinh tế giải cứu
“Giải phóng cũng 45 năm rồi, nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi cách làm thì vẫn tiếp tục loay hoay với việc thực hiện nền kinh tế giải cứu”- đó là chia sẻ của GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp với PV báo Đại Đoàn kết.
GS.TS Võ Tòng Xuân.
Mở đầu câu chuyện, GS Võ Tòng Xuân cho biết, trái cây Việt Nam thuộc nhóm trái cây nhiệt đới, nếu đi các nơi trên thế giới, ở khách sạn sáng sớm quan sát sẽ thấy các khách sạn ít nhất cũng có một dĩa trái cây gồm chuối, đu đủ, khóm, bơ, quýt… ngoài ăn trái cây họ còn uống nước ép trái cây, trái cây nhiệt đới không thể thiếu với họ vì cho nhiều dinh dưỡng…Trong khi đó thời gian qua Việt Nam mình chỉ tập trung cho cây lúa.
Năm 2000 đã có nghị quyết của Chính phủ về đa dạng hoá nông nghiệp, nghị quyết đã có nhưng không đầu tư rõ ràng nên vẫn cứ bám trụ và tập trung cho cây lúa. Cũng thời gian này bộ ngành, địa phương cũng đã triển khai một số mô hình nghiên cứu mới nhưng không đạt. Mãi sau này đến năm 2017, khi NQ120 của Chính phủ ra đời đã tháo bỏ được “vòng kim cô” về an ninh lương thực trên đầu người nông dân. Nhưng đến nay các tỉnh vẫn chưa biết phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện hiệu quả nhất NQ120, hạ tầng cơ sở hiện tại chưa thể làm theo hướng “thuận thiên”. Cuối cùng các tỉnh lại xin thêm tiền để làm công trình, cơ sở hạ tầng ngọt hoá vùng này, vùng kia.
PV:Hình như trước đây ông đã từng đề xuất thực hiện mạng lưới canh tác để tránh thế độc canh, mô hình này rốt cuộc có thực hiện được không thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi thấy cứ kéo dài trồng lúa thì nông dân mình sẽ nghèo hoài. Chính vì vậy tôi đã làm trước tiên, tôi đã đổi trung tâm nghiên cứu của mình ở Trường Đại học Nam Cần Thơ, từ tên “Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa ĐBSCL” thành “Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống canh tác”. Hệ thống canh tác là, trong 1 năm lấy cây lúa làm chính nhưng trước lúa, sau lúa và trong khi trồng lúa thì nông dân có thể nuôi trồng con, cây gì để tăng thêm lợi tức, chứ cứ cắm cúi trồng 1 cây lúa hoài thì không khá lên được, nhất là những vùng thiên nhiên khắc nghiệt đối với cây lúa, như vùng mặn, phèn, tranh chấp mặn ngọt, phải tốn rất nhiều tiền để đắp đập ngăn mặn, đào kênh, cố gắng đem nước ngọt từ xa để ngọt hoá vùng này rất tốn kém, cuối cùng bán lúa ra lại không được giá nên nông dân cứ nghèo hoài.
Sau khi làm hệ thống canh tác tôi có xin kinh phí của Canada tạo điều kiện cho tất cả 6 trường nông nghiệp của Việt Nam để tạo thành mạng lưới hệ thống canh tác cả nước, mời chuyên gia các nơi về đây sinh hoạt bàn bạc với các thầy ở 6 trường này để cùng nghiên cứu.
Vùng ĐBSCL sẽ đi trước, vì mình có hệ thống lúa tôm ở vùng mặn. Còn ở vùng đồi núi cao, thay vì trồng lúa nương sẽ làm nông lâm kết hợp, trồng cây khác để tăng lợi tức cho bà con thay vì phá rừng.
Tuy nhiên khi kế hoạch gần như có kết quả, chúng tôi đến trình bày cho các tỉnh về dự án, kế hoạch này thì các tỉnh cho biết, nếu các anh muốn nuôi tôm hay trồng cây ăn trái gì đó thì tự bỏ tiền ra mà làm, còn nhà nước không có chủ trương đầu tư hoặc không duyệt tiền ngoài việc trồng cây lúa… Như vậy những người làm tôm trong ruộng lúa là do họ tự bỏ tiền ra, những người trồng cây ăn quả phải đắp mấy mô trên ruộng lúa để trồng, chính quyền có đến hỏi thì họ trả lời, chúng tôi thử trồng vài cây trái, trồng lúa vẫn là chính…thực tế là họ không nhận được bất cứ nguồn hỗ trợ nào từ các mô hình xen canh. Một thời gian dài nông dân phải làm nghịch vụ để trồng lúa nhưng lợi nhuận cũng chẳng bao nhiêu, thậm chí là lỗ...
Mùa dứa ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ông có hiến kế gì cho các địa phương, cao hơn là các bộ ngành và Chính phủ để khai thác tối đa tiềm năng nông sản của vùng ĐBSCL?
- Đầu tiên chúng ta phải giảm diện tích lúa lại, chỉ trồng lúa ở vùng chắc ăn, không bao giờ bị mặn, hạn, như phía bắc An Giang, Đồng Tháp, Long An, giáp với Campuchia, nơi đầu nguồn sông Cửu Long. Nơi đây có các con kênh dẫn nước, trữ nước rất lớn sẽ bảo đảm an toàn cho cây lúa, ở đây trồng 2 hay 3 vụ cũng được, lại không bị xâm nhập mặn. Kế vùng trồng lúa là vùng vừa phèn, trũng rất nhiều nơi trồng 3 vụ lúa, ở đây có có hệ thống đê bao rất tốt, đề nghị phải chuyển vùng này từ tiếp tục cho trồng lúa, ngoài ra biến vùng 3 lúa này thành trồng cây ăn quả, hoặc rau màu cao cấp.
Cây ăn quả ở ĐBSCL thường trồng trên liếp, vì vậy cải tạo 1.000 ha luá này thành mô hình liếp mương. Mương để giữ nước ngọt trong mùa khô để tưới cây trồng lên liếp. Cứ 10 ngàn hay 20 ngàn ha chúng ta hình thành một trung tâm sơ chế và bảo quản trái cây. Khi nhà nước hình thành được cơ sở hạ tầng này rồi thì đưa nông dân vào, biến những người nông dân trồng lúa thành trồng cây ăn quả, họ sẽ gắn với cơ sở chế biến và chịu sự điều khiển tính toán của cơ sở chế biến. Các cơ sở chế biến sẽ phải tạo nên hệ thống xuất khẩu ở trong và ngoài nước để tiêu thụ. Để làm được điều này nhà nước phải có một chiến lược rõ ràng từng vùng và phải đầu tư được cấu trúc hạ tầng phù hợp để khuyến khích nông dân cùng với doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình này.
Phải hình thành nên những vùng chiến lược trồng cây ăn trái, để hình thành vùng chiến lược này không thể dựa vào người dân mà nhà nước phải đầu tư. Đầu tư thứ nhất là về giống, thứ 2 là kỹ thuật canh tác… phải làm sao để một sản phẩm trái cây của mình đi tỉnh khác hay đi nước ngoài người ta cũng phải nắm được xuất xứ, nguồn gốc hay truy xuất được người và nơi làm ra trái cây đó để người sử dụng yên tâm. Phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để họ phối hợp cùng với nông dân thành lập các trung tâm công nghiệp hoá cây ăn trái.
Nói như ông vậy thì mô hình hợp tác xã liệu có phù hợp?
- Hợp tác xã là mô hình mà chúng ta có thể làm được. Nghị quyết về tam nông nói rất nhiều nhưng đến nay hầu như chưa địa phương nào làm được, tôi nghĩ đây là dịp để chúng ta áp dụng, thực hiện tốt NQ 120.
Nhà nước phải lôi kéo được các DN tham gia, tạo điều kiện để DN được đi tiếp xúc với các nơi để học hỏi, tiếp cận và xúc tiến với các nơi đó tiêu thụ sản phẩm của mình. Sau đó sẽ đứng ra làm đầu mối để DN tiếp xúc và liên kết hợp tác với các HTX. Giờ không khuyến khích làm 3 vụ lúa nữa, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để DN vay vốn cải tạo cơ sở hạ tầng, biến đất lúa thành đất liếp. Người nông dân không bị mất đất, chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, sẽ không lo thiếu nước trong mùa khô. Hiện chúng ta đang sống trong tình trạng biến đổi khí hậu nên chúng ta phải chủ động tính toán để ứng phó và thích ứng.
Phải mạnh dạn giao đất cho nhà nước quy hoạch lại, sau đó sẽ trả lại cho anh, tất nhiên khi trả lại sẽ bị hao hụt chút đỉnh do quy hoạch làm giao thông và hệ thống tưới tiêu, trung tâm chế biến. Nhưng lợi nhuận trên đất sẽ tăng lên rất nhiều lần. Người dân sẽ không bị bấp bênh bởi thị trường, không còn điệp khúc được mùa rớt giá và ngược lại. Để làm được điều này nhà nước phải tham gia trong chuỗi liên kết giữa nông dân và DN. Giai đoạn này Nhà nước không nên để nên nông dân tự bơi, phải là người tổ chức. Những chính sách tài trợ cho nông dân và nông nghiệp trước đây giờ phải tính toán làm sao trao cho đúng người, đúng công ty sử dụng…
Thời gian qua mối quan hệ giữa nông dân với DN chưa gắn kết, hai bên, thường xuyên “bẻ kèo” nhau. Vì vậy phải có chính quyền đứng ra làm trọng tài, giám sát mối liên kết làm ăn này. Đồng thời có hình thức quản lý và kéo thương lái cùng tham gia với các HTX. Đặc biệt, DN chỉ nên làm ăn với các thương lái khi họ chứng minh được vùng nguyên liệu hay các hợp đồng với người dân, còn lại nếu không đảm bảo được các tiêu chí này thì không hợp tác.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo GS Võ Tòng Xuân, nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi sẽ không khá được, vẫn tiếp tục loay hoay với việc thực hiện nền kinh tế giải cứu. Chúng ta phải tính toán làm sao nông nghiệp phải phát triển cho kinh tế chứ không phát triển để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Nông dân phải tự cứu lấy mình, nếu cứ đeo theo tập quán, cách làm của ông bà ngày xưa, cố thủ giữ gìn đất đai cho riêng mình thì sẽ nghèo mãi. Theo tôi để vận động người dân tham gia thì chúng ta vẫn phải dựa vào mô hình nền tảng là HTX.