Hạn chế tình trạng xin hưởng BHXH một lần: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, đã có rất nhiều người đăng ký xin rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đa số người lao động rút BHXH 1 lần để giải quyết khó khăn trước mắt do mất việc. Hệ lụy của việc rút BHXH 1 lần rất lớn không chỉ đối với người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội.
Người lao động cần cân nhắc kĩ khi xin rút Bảo hiểm Xã hội một lần.
Gia tăng số người hưởng BHXH 1 lần
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, khoảng 5 năm gần đây, trong cả nước đã có khoảng 2,5 triệu NLĐ lĩnh BHXH một lần. Hiện, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 lượt người hưởng chế độ này. Đáng lo ngại, trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều lao động không có việc làm nên một bộ phận NLĐ đã lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, qua thống kê trong tháng 3 có 8.500 người lao động làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng hơn một nghìn người so với tháng trước đó. Con số này tại TP Hồ Chí Minh tăng không nhiều so với thời điểm trước dịch và tăng không cao như các tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bình Dương nhưng cho thấy người lao động có tâm lý lo lắng dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp nên nảy sinh nhu cầu muốn nhận BHXH một lần.
Đánh giá về tình trạng số người xin rút BHXH 1 lần gia tăng ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình trạng xin nhận BHXH một lần đã diễn ra trong vài năm gần đây. Năm 2018, có gần 700.000 người lao động xin nhận BHXH một lần, đến năm 2019 đã tăng lên trên 800.000 người lao động. Đặc biệt, thời gian gần đây, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, người lao động bị tạm ngừng việc hoặc mất việc làm, muốn nhận BHXH một lần tăng mạnh. Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc rời khỏi hệ thống an sinh xã hội.
“Tình trạng người lao động xin nhận trợ cấp BHXH một lần có thể tăng rất lớn. Đây là điều mà chúng tôi rất lo lắng. Có thể nói, cũng có một số trường hợp họ gặp khó khăn thực sự cho nên họ xin nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp thì không hiểu rõ được cho nên vẫn làm hồ sơ xin nhận BHXH một lần. Hầu hết những trường hợp này sẽ không có đủ điều kiện để được hưởng chế độ về hưu trí sau này. Khi về già thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.”- ông Quảng cho biết.
Nhiều hệ lụy
Theo BHXH Việt Nam, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Đơn cử, nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương cho 1 năm tham gia BHXH.
Phân tích về những thiệt thòi nếu người lao động nhận BHXH một lần, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả nếu mắc bệnh, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Vì vậy, việc cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần là điều hết sức quan trọng, không vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu - trợ cấp khi về già, cũng như được các hưởng chế độ bảo hiểm.
“Người lao động chịu rất nhiều thiệt hại đóng vì khi đóng là 2,6 tháng lương trong 1 năm mà lấy thì tối đa 2 tháng, mất 0,6 tháng. Nhưng cái mất mất lớn nhất, đó là mức lương hưu khi về già, mất tiền để lo tử tuất khi chết, nhất là khi con khi chưa đủ tuổi 18 hoặc bố mẹ hết tuổi lao động. Và mất quan trọng nhất, đó là chúng ta mất đi bản chất của hệ thống an sinh xã hội mà Đảng đang hướng đến là bảo hiểm xã hội bao phủ toàn dân”- ông Lợi cho biết.
Thực tế, việc nhận BHXH một lần không chỉ đem lại những thiệt thòi cho người lao động mà còn tạo áp lực đối với việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Do đó, nhiều chuyên gia an sinh xã hội cho rằng cần phải sửa đổi quy định được nhận BHXH một lần như hiện nay. Tuy nhiên, việc sửa đổi quy định nhận BHXH một lần cũng cần đặt trong điều kiện cải cách các yếu tố khác trong chính sách BHXH như đã được thể hiện trong đề án cải cách BHXH. Theo đó, cần cải cách chính sách BHXH linh hoạt hơn, hấp dẫn hơn, tạo điều kiện hơn; đồng thời, xây dựng cơ chế để người lao động có việc làm bền vững hơn.
Việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, không để ai ở lại phía sau. Bởi, nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi cho người lao động khi hết tuổi lao động.
“Hưởng BHXH một lần cũng là một quyền lợi nhưng ở lại hệ thống BHXH càng lâu thì chế độ, quyền lợi của NLĐ càng được lợi hơn. Quyền quyết định là quyền của người lao động nhưng là cơ quan thực hiện chính sách thì chúng tôi rất mong muốn người lao động tham gia lâu dài để hưởng hưu trí với chế độ dài hơi hơn”- ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức
Theo các chuyên gia nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do một số lao động gặp khó khăn khi tìm lại việc làm trong thời điểm dịch Covid-19. Nhiều người lao động mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen tự đảm bảo an sinh khi về già, đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái. Tuy nhiên nguyên nhân chính là do chính sách BHXH 1 lần quá thông thoáng, vì vậy đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn thật thấu đáo khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có quy định BHXH một lần.
Chia sẻ về việc có nên sửa chính sách BHXH 1 lần hay không ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc nhận BHXH một lần không chỉ là vấn đề của cá nhân mỗi NLĐ, mà đây là vấn đề chính sách, chính trị của giai cấp công nhân.
Việc quy định hạn chế hưởng BHXH một lần đã nhiều lần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải sự không đồng thuận của một bộ phận NLĐ. Vì vậy, quan điểm của Chính phủ, Quốc hội là phải hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.
Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và trong dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của NLĐ. Do đó, trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách; tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ. Tuy nhiên, trong dài hạn sẽ thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, cụ thể: Sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, sửa đổi và bổ sung chính sách BH thất nghiệp, việc làm theo hướng hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.
Theo ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, việc người lao động rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đến quyền lợi của chính bản thân họ như chế độ hưu trí, tử tuất về sau, trong đó có cả quyền được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế khi ốm đau. Vì vậy, người lao động nên đóng BHXH đầy đủ để làm chủ cuộc sống và nhận lương hưu lúc về già.