Cái bắt tay lịch sử giữa cầu Hiền Lương-Bến Hải
Lần đầu tiên sau gần 45 năm kết thúc chiến tranh, Đại sứ Mỹ và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đi bộ qua cầu Hiền Lương, nắm chặt tay nhau ở giữa cây cầu
Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải từng mang trong mình nỗi đau chia cắt đất nước suốt 21 năm. Lần đầu tiên sau gần 45 năm kết thúc chiến tranh, ngài đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã đến thăm địa danh này. Ngài đại sứ cùng Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đi bộ qua cây cầu Hiền Lương sơn 2 màu xanh vàng. Họ dừng lại chính giữa cây cầu, ngay trên chỉ vạch phân cách 2 miền Nam - Bắc trước đây rồi nắm chặt tay nhau.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị bắt tay nhau tại giữa cầu Hiền Lương.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị cuối tháng 8/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Đây là lần đầu tiên một Đại sứ Mỹ đến dâng hương mộ liệt sỹ sau ngày kết thúc chiến tranh tại Việt Nam.
Ngài Đại sứ Mỹ cũng đến thăm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, vĩ tuyến 17. Cây cầu Hiền Lương sơn 2 màu xanh-vàng từng là nhân chứng của nỗi đau chia cắt 2 miền đất nước suốt 21 năm trời. Ngài Đại sứ Mỹ cùng ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đi bộ qua cây cầu Hiền Lương. Họ dừng lại chính giữa cây cầu, ngay vạch phân cách 2 miền Nam- Bắc trước đây rồi nắm chặt tay nhau. Hôm ấy, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nói như thế này: “Thông điệp chính của chúng tôi là, chúng ta, 2 nước đã hàn gắn những vết thương chiến tranh, cùng nhau giải quyết những hậu quả còn sót lại thời chiến tranh. Chuyến thăm của tôi để bày tỏ sự kính trọng đối với những người đã hy sinh vì lòng yêu nước”.
Bây giờ, Cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải bên bờ Nam có Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” gồm tượng một bà mẹ và em bé đứng sát nhau. Cụm tượng đài mô tả hình tượng người vợ và người con ở phía bờ Nam sông Bến Hải đau đáu nhìn về phía Bắc khi họ không thể qua sông gặp chồng, cha và người thân trong những năm tháng đất nước bị chia cắt.
Ông Lê Công Hường, năm nay hơn 84 tuổi, từng là dân quân tự vệ tham gia bảo vệ giới tuyến từ ngày đầu thực thi Hiệp định Geneve cho đến ngày thống nhất đất nước nhớ mãi những năm tháng chiến tranh. Trước khi Hiệp định Geneve ký kết chia cắt 2 miền Nam Bắc vào tháng 7/1954, người dân 2 bên bờ giới tuyến là những người hàng xóm, qua lại thăm nhau. Sau Hiệp định Geneve, Việt Nam tạm thời chia cắt thành 2 miền qua Vỹ tuyến 17. Từ đó, một cuộc chia ly kéo dài 21 năm. Người dân nhớ nhau chỉ biết đứng 2 bên bờ nhìn nhau mà không nói được lời nào. Từ khi chiến tranh leo thang, toàn bộ dân phải sơ tán, chỉ còn lại dân quân bám trụ. Ông Lê Công Hường nhớ lại, cả làng Hiền Lương lúc đó chưa đến 100 nóc nhà, chỉ qua một ngày bị huỷ diệt, mọi người phải ở hầm để bám trụ bảo vệ giới tuyến.
“Vùng này gọi là vùng hủy diệt, cả làng này không có một nóc nhà. Cây cối họ thả bom cháy hết cho nên cứ ở dưới hầm, nhưng cờ vẫn treo. Họ cứ đánh suốt, treo cờ lên là họ đánh, nhưng cứ hết lá cờ này lại có lá khác được treo lên”, ông Hường chia sẻ.
Khách du lịch tham quan cầu Hiền Lương.
45 năm sau ngày đất nước thống nhất, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, vĩ thuyến 17 luôn là biểu tượng của khát vọng hòa bình. Cứ đến ngày 30/4, hàng triệu trái tim hướng về ngày thống nhất non sông. Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, đất lửa Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh của dân tộc Việt Nam. Đây là vùng đất chứa đựng nhiều thông điệp từ quá khứ khốc liệt của chiến tranh và rực sáng những giá trị của khát vọng hòa bình.
“Mảnh đất đã chịu và chứng kiến nhiều đau thương mất mát. Do vậy, Quảng Trị là điểm đến phù hợp nhất thể hiện khát vọng hòa bình, tôn vinh các giá trị của hòa bình, chống chiến tranh của nhân loại. Festival vì hòa bình là sáng kiến của Quảng Trị đang được nhân dân ủng hộ. Mong muốn các bên vượt qua thăng trầm bằng những sáng kiến và hoạt động cụ thể hướng tới một nền hòa bình cho nhân loại”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.