Làm giàu từ trái cây gai góc

Văn Dân 11/05/2020 08:00

Trái sầu riêng có mùi rất đặc biệt và hình dáng cũng rất đặc biệt bởi được bao bọc bởi chi chít những chiếc gai. Vì thế, có người còn gọi trái sầu riêng là “trái gai”. Nhiều năm qua bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long có thu hoạch cao từ loại trái cây này. Tới nay, cây sầu riêng đã được trồng ở nhiều địa phương, cũng cho kết quả tốt.

Làm giàu từ trái cây gai góc

Cây sầu riêng được trồng tại Phú Riềng.

Tỉnh Bình Phước rất nổi tiếng bởi cây cao su, tiêu, điều. Nhưng tới nay đã có thêm cây sầu riêng.

Tới huyện Phú Riềng trong những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, bỗng thấy yên bình lạ khi ngắm nhìn những vườn sầu riêng trĩu trái và mùi sầu riêng thơm lừng. Ở xã Phước Tân, ai cũng biết ông Trần A Xám (sinh năm 1960), người đã mạnh dạn chuyển đổi 2 hec-ta trồng hồ tiêu sang trồng sầu riêng và đã thu được kết quả mỹ mãn. Cũng từ đó, hàng trăm hộ dân nơi đây học theo ông Xám cũng trồng sầu riêng, tạo nên một vùng sầu riêng đặc biệt hấp dẫn.

Theo ông Xám, với cây sầu riêng, nếu làm tốt thì không phải chỉ là làm kinh tế khá thôi mà phải nói là làm giàu! Ông Xám cho biết, để có vườn sầu riêng được như hôm nay, ông phải trải qua nhiều ngày khổ nhọc bởi đây là loại cây ăn trái khó tính, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật canh tác và tốn nhiều công chăm sóc mới cho thu hoạch lâu dài. Theo ông Xám, việc đưa ra quy trình kỹ thuật canh tác sẽ quyết định sự thành công trong quá trình sản xuất loại cây này.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hơn 200 gốc sầu riêng của gia đình ông Xám luôn cho năng suất ổn định trên 25 tấn. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều mặt hàng giảm giá mạnh, tuy nhiên, sầu riêng vẫn đạt trên 30.000 đồng/kg.

Tới nay, nhiều hộ nông dân khác ở huyện Phú Riềng cũng đã mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay trên địa bàn có hơn 800 hec-ta sầu riêng, trong đó 300 hec-ta đang trong thời kỳ kinh doanh, 500 hec-ta kiến thiết cơ bản. Tới nay, sầu riêng là một trong 3 cây trồng chủ lực của huyện. Để phát triển hiệu quả lâu dài, thời gian qua, địa phương đã tập trung tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân tham gia liên kết hình thành hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; phát triển theo hướng an toàn hữu cơ, đồng thời tạo được giá bán cao và thị trường ổn định.

Để trồng sầu riêng tốt, cần nắm vững những kĩ thuật cơ bản.

Sau khi chọn được giống cây khỏe, chất lượng, sạch sâu bệnh bà con tiến hành trồng mới. Thường bà con nên chọn cây giống thẳng, rễ phát triển tốt, có từ 3 cành trở lên, cây giống cao khoảng 80cm, đường kính cây giống khoảng 0,8cm trở lên. Lưu ý cần tiến hành đào hố, bón lót trước khi trồng khoảng 15-20 ngày bằng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Trong quá trình đó bà con tiến hành giữ ẩm cho hố. Trước khi trồng mới nên đảo phân ở trong hố từ trên xuống dưới, ngoài vào trong cho phân được đều khắp hố. Khi đặt bầu cây vào hố trồng, sao cho mặt bầu cao hơn miệng hố khoảng 2 - 3cm. Rồi nhẹ nhàng tách vỏ bầu ra khỏi bầu ươm, tránh làm hư hại bộ rễ cây. Khi mới trồng cũng cần che nắng cho cây con, đồng thời sử dụng rơm, lá cây khô… để ủ gốc giữ ẩm cho cây.

Vì sầu riêng là cây thân gỗ lớn, tán rộng, bộ rễ phát triển mạnh nên nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Chính vì thế cần bón lượng phân bón cao hơn so với các cây trồng khác. Lúc mới trồng, khi làm bồn nên bón lót từ 2 đến 3 kg phân bón hữu cơ sinh học. Sau đó, nhu cầu dinh dưỡng của cây thay đổi theo giai đoạn phát triển, thổ nhưỡng, năng suất của cây. Chính vì thế tùy thuộc vào khả năng sinh trưởng của cây mà bà con điều chỉnh lượng bón cho phù hợp. Nhìn chung, cây sầu riêng cần đầy đủ đạm, lân và đặc biệt là nhu cầu về kali.

Văn Dân