Tự bảo vệ trước các vụ kiện phòng vệ thương mại

Minh Phương 04/05/2020 08:00

Số liệu do Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, tính đến hết năm 2019, Việt Nam “dính” tới 158 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta. Các nước thường xuyên tiến hành  các biện pháp PVTM với hàng Việt Nam gồm Hoa Kỳ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tự bảo vệ trước các vụ kiện phòng vệ thương mại

Thép của Việt Nam là ngành hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Trong số 158 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, có 88 vụ việc về chống bán phá giá, 32 vụ việc tự vệ, 18 vụ việc trợ cấp và 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế. Nếu tính riêng 15 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2019, có 10 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống trợ cấp.

Xét ở góc độ ngành hàng, Cục PVTM cho hay, trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 9/15 vụ, chiếm tỷ lệ 60%. Hầu hết các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc. Đơn cử, hồi tháng12/2019, Hoa Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với thép CORE, CRS với cáo buộc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Những diễn biến nói trên cho thấy, lâu nay, thép vẫn là ngành hàng gặp nhiều rủi ro về xung đột thương mại hơn cả.

Khi hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song bên cạnh đó cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ về các vụ kiện PVTM.

Trong khó khăn đó, Việt Nam cũng đã thu được một số kết quả khả quan trong một số vụ việc liên quan đến PVTM: Đã kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ việc đã kết thúc và đạt kết quả tích cực.

Được biết, để giảm thiểu nguy cơ bị áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công thương cũng đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể.

Đặc biệt, tháng 3 vừa qua, nhằm phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM”.

Đề án hướng tới tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PVTM theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các DN Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu, đồng thời Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, phần mềm phân tích và trang thông tin điện tử để vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp và phân tích thiệt hại...

Bên cạnh đó, Đề án nhằm tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương đối với các DN trong nước hoạt động trong các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM...

Minh Phương