Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn: Linh hoạt khi áp dụng
Bộ GDĐT đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Với 15 tiêu chí áp dụng cho trước - trong và sau khi HS học tập ở trường, nếu cơ sở giáo đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ bị đánh giá là ”thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động”.
Đối với hầu hết các trường, khó khăn lớn nhất là việc giãn cách đảm bảo 1,5m như quy định của Bộ Y tế.
Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học được Bộ GDĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng.
Cụ thể, có 7 tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn trước khi HS đến trường. Quá trình HS học tập tại trường, có 6 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch. Hai tiêu chí đánh giá mức độ an toàn khi học sinh kết thúc buổi học: Bảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên thực hiện giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà; bảo đảm 100% trẻ mầm non và học sinh tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ.
Mỗi tiêu chí có 2 mức độ đánh giá là “Đạt” và “Không đạt”. Trường học được đánh giá “Đạt” từ 11 tiêu chí trở lên, trong đó phải đảm bảo một số tiêu chí sẽ xếp loại là “trường học an toàn”. Trường học được đánh giá “Đạt” từ 8 đến 10 tiêu chí được xếp loại “thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại”. Đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ “thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.
Trên thực tế, Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Marie Curie (Hà Nội) Nguyễn Xuân Khang cho rằng để đánh giá mức độ an toàn trong trường học thời gian này, Bộ tiêu chí đánh giá của Bộ GDĐT với 15 tiêu chí đã bao gồm rất đầy đủ các nội dung. Trong đó, có 3 mốc thời gian quan trọng các trường cần lưu ý đó là: trước khi HS đến trường, khi HS đến trường và khi HS kết thúc buổi học. Các tiêu chí này có thể coi là bộ khung để các cơ sở tự đánh giá mức độ an toàn, từ đó có những điều chỉnh kịp thời để HS và giáo viên yên tâm khi đến trường.
“Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạt, điều này đồng nghĩa với số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao và ngược lại. Đối với hầu hết các trường, khó khăn lớn nhất là việc giãn cách đảm bảo 1,5m như quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, đối với Trường Marie Curie vì sĩ số HS không quá 30 em/lớp nên việc đảm bảo giãn cách trong lớp học cũng như sân chơi đã được đảm bảo” – thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết.
Là trường dân lập nhưng khó khăn về mặt quỹ đất nên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thông tin ở thời điểm này, để an toàn cho HS và giáo viên toàn trường, nhà trường quyết định ưu tiên phòng học để tổ chức học tập tại trường cho các lớp 12, trong đó mỗi lớp được tách làm 2 nhóm, bảo đảm yêu cầu về giãn cách tối thiểu 1m giữa các HS trong lớp học. Riêng HS khối lớp 10 và 11 cũng được tách lớp, song được bố trí học lệch giờ tại trường và đan xen giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
“Những tiêu chí như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang,… được nhà trường hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở HS nên không đáng lo ngại. Điều tôi lo nhất khi HS đi học lại không chỉ là khoảng cách chỗ ngồi của các em trong phòng học mà chính là khi HS bước ra khỏi phòng học. Lo nhất là giờ ra chơi, ra về, các em ôm vai bá cổ hoặc ngồi tụm lại chuyện trò thân mật với nhau, cùng ăn chung, uống chung... Thế nên, tôi cho rằng cái chính là giáo dục ý thức phòng dịch bệnh cho học sinh, cắt cử nhân viên nhắc nhở HS trong quá trình các em học tập, sinh hoạt tại trường”- thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Tại TP Hồ Chí Minh, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông sau khi ban hành đã có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Cô Lương Bích Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, đánh giá theo Bộ tiêu chí trong phòng chống dịch Covid-19 trong trường học của TP Hồ Chí Minh, Trường THPT Trưng Vương đạt được 67 điểm, nằm ở nhóm trường học an toàn.
Tuy nhiên, trường vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh. Hiện tại chỉ có một khối 12 đi học nhà trường có thể đảm bảo cự ly nhưng từ tuần sau, khi tất cả các khối đi học trở lại thì khó thực hiện được. Quy định về vòi rửa tay cũng không đảm bảo như mong muốn. Nhà trường đã khắc phục bằng cách bố trí thêm dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh ở khu vực sân trường và nhắc nhở HS vệ sinh các bề mặt khu vực ngồi học.
Nhìn chung, đây cũng là khó khăn chung của hầu hết các trường trên cả nước khi việc đi học lại cùng lúc của tất cả các khối lớp có thể khiến trường học trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao do tụ tập đông người. Mặc dù Bộ GDĐT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn song theo ông Nguyễn Xuân Thành-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho biết, khoảng cách 1,5m là khuyến cáo của Bộ Y tế, còn Bộ GDĐT chỉ hướng dẫn các nhà trường tùy theo điều kiện, bố trí chỗ ngồi giữa hai HS có khoảng cách phù hợp để đảm bảo an toàn.
“Tùy theo điều kiện cụ thể, các nhà trường linh hoạt thực hiện tổ chức dạy học trong giai đoạn “giao thời”, khi dịch chưa chấm dứt hoàn toàn để giữ an toàn cho học sinh. Bộ GDĐT không quy định cứng phải đảm bảo đúng khoảng cách 1,5m. Đây là khuyến cáo để các nhà trường căn cứ vào đó có các giải pháp triển khai...” - ông Thành chia sẻ.
Ông Thành nhấn mạnh các nhà trường cần xây dựng kế hoạch dạy học theo các giai đoạn. Trong đó, 1-2 tuần đầu tiên trở lại trường, có thể vẫn phải duy trì dạy học cách nhật, hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp.