Nghiêm minh của kỷ luật Đảng
Trong khi cùng cả hệ thống chính trị đang dồn sức để “chống giặc” Covid-19, thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn thực hiện nghiêm minh chức năng của mình. Một tinh thần “không né tránh”; “không có vùng cấm” đã được cụ thể hóa trong quyết tâm xử lý cán bộ đảng viên mắc sai phạm, khuyết điểm dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu.
Và sự cương quyết đó càng nhận được sự ủng hộ của nhân dân khi thời điểm đại hội Đảng bộ các cấp đang được các địa phương “tái khởi động”, sau thời gian hoãn do dịch Covid-19.
Tại kỳ họp thứ 44, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Hiến. nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong vụ án hình sự xảy ra tại Quân chủng Hải quân. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 Nguyễn Văn Khuây và nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363 Vũ Duy An do đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý đất đai tại Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân. Điều đáng nói, Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ xem xét, kỷ luật đối với những cán bộ đảng viên đã nghỉ hưu, không thể “hạ cánh an toàn”, mà còn xem xét kỷ luật đối với ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi do đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Tinh thần quyết liệt, triệt để trên không chỉ được đông đảo cán bộ đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, mà còn tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào chủ trương của Đảng. Sự kiên quyết ấy được diễn ra ngay sau “Hội nghị cán bộ toàn quốc, diễn ra ngay trong lúc các cấp, các ngành đang dồn sức lo chống dịch, bảo vệ sức khỏe tính mạng nhân dân song vẫn không quên “trận địa” xử lý cán bộ mắc sai phạm theo tinh thần “không có vùng cấm”. Nói như vậy để thấy sự quyết tâm của Đảng cũng là bởi mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải bị xem xét, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”. Đảng viên dù là cán bộ cấp cao đến đâu nếu vi phạm pháp luật vẫn phải được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không nương nhẹ, không có vùng cấm.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, kỷ luật của Đảng. Theo Người, lãnh đạo tất yếu phải có kiểm tra, bởi “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”. Người cũng luôn mong mỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng không có lợi ích gì khác. Và Người nhấn mạnh: “Mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”. Theo tinh thần đó, kỷ luật Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên tuyệt đối phục tùng và chấp hành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để làm sao cán bộ của Đảng thật sự là “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”.
Đảng là “đứa con nòi của dân tộc”, là một thực thể sống. Vì thế việc “nâng cao sức đề kháng” của Đảng bằng việc kịp thời phát hiện và xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng trong thời gian qua càng thể hiện rõ tính đấu tranh tự phê bình và phê bình của Đảng. Sức mạnh của Đảng còn nằm ở “hai thanh bảo kiếm” là: “kiểm tra” và “giám sát”. Việc tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm, và thi hành kỷ luật trong Đảng không chỉ giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng mà còn góp phần tăng cường sức chiến đấu của Đảng. Và đó chính là cơ sở để giáo dục tổ chức Đảng và các đảng viên, là điều kiện để xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới tầm nhìn tới năm 2045 (100 năm thành lập nước).