Thịt ngoại ồ ạt vào siêu thị

Thanh Giang - Hạnh Nhân 05/05/2020 08:00

Giá rẻ cộng với chính sách hội nhập sâu rộng đang tạo điều kiện giúp thịt ngoại ồ ạt thâm nhập thị trường Việt Nam. Hiện 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu thịt lợn tăng 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Thịt ngoại ồ ạt vào siêu thị

Thịt ngoại nhập bày bán tại siêu thị. Ảnh: Quang Vinh.

So với thịt lợn trong nước, các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu được bày bán tại một số hệ thống siêu thị rẻ hơn khoảng 20% đến 40%. Cụ thể, giá thịt sườn giảm còn 119.000 đồng/kg, thịt cốt lết giảm còn 88.000 đồng/kg, thịt ba rọi giảm còn 134.000 đồng/kg, thịt nạc dăm giảm còn 123.000 đồng/kg. Đối với những sản phẩm thịt heo nhập khẩu chế biến cũng giảm tương tư.

Một số cửa hàng thực phẩm nhập khẩu trên địa bàn TPHCM cũng rầm rộ tung sản phẩm thịt lợn nhập khẩu ra thị trường với mức giá dao động từ 130.000 – 167.000 đồng/kg tùy loại. Ví dụ, nạc vai Canada có giá 130.000 đồng/kg, nạc dăm Tây Ban Nha giá 155.000 đồng/kg, ba rọi Ba Lan 167.000 đồng/kg,...

Nói về thịt lợn ngoại nhập, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết: “Hiện người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu. Các nhà bán lẻ đang nỗ lực hướng người tiêu dùng sử dụng thêm thịt nhập khẩu, góp phần kéo giảm giá thịt lợn xuống”.

Để thịt lợn nhập khẩu đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, hệ thống siêu thị Big C cũng mở rộng “Tuần lễ thịt lợn nhập khẩu” trên toàn quốc, áp dụng khuyến mãi từ 10 - 15% đối với 7 sản phẩm thịt lợn nhập khẩu (Brazil, Canada, Mỹ, Ba Lan, Đức). Tập đoàn Central Retail mở rộng chương trình “Tuần lễ thịt lợn nhập khẩu”, giảm sâu tới 34%... Mục đích của chương trình muốn giới thiệu và hướng người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày bằng việc sử dụng thêm thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu. Đồng thời, qua đó góp phần kéo giá thịt lợn trong nước dần bình ổn trở lại.

Không riêng mặt hàng thịt lợn nhập khẩu ồ ạt thâm nhập thị trường trong nước, mặt hàng thịt bò và gia cầm cũng tham gia khá nhiều. Theo Cục Thú y, tính đến giữa tháng 4, cả nước nhập khẩu hơn 37.104 tấn thịt trâu bò từ Úc, Mỹ, Canada, Nga, Ấn Độ,.. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều thịt gia cầm từ Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc,… Sự thâm nhập thị trường của các loại thịt đông lạnh ngoại thấy rõ khi ngày càng gia tăng mô hình phân phối lẻ. Tại các hệ thống bán lẻ hiện đại, các sản phẩm từ thịt bò được bày bán phổ biến.

Hiện thịt bò Úc tại các siêu thị dao động từ 170.000 đồng – 355.000 đồng/kg, trong đó nạm bò giá 170.000 đồng/kg, đùi 280.000 đồng/kg, phi lê 355.000 đồng/kg. Nhập khẩu với số lượng khá nhiều song bò Mỹ có phần đa dạng hơn về sản phẩm đông lạnh. Cụ thể, thịt vùng cổ 144.000 đồng/kg, ba rọi 119.000 đồng/kg, gàu 132.000 – 152.000 đồng/kg, sườn 277.000 đồng/kg,… Nhận định rõ thị trường tiềm năng, thịt bò Ba Lan cũng đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam.

Bên cạnh việc bày bán ở các hệ thống siêu thị, thịt bò ngoại còn được quảng cáo tran lan trên các trang mạng với các gói giảm giá sập sàn. Phi lê tròn có giá 680.000 đồng/kg, phi lê ô van 650.000 đồng/kg, ba chỉ 260.000 đồng/kg.

Nhằm giải toả lo ngại về chất lượng thịt lợn nhập, mới đây, kiểm tra thịt lợn nhập tại Cảng Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Trước khi các lô hàng được đưa xuống tàu chở về nước, Việt Nam có đoàn công tác trực tiếp giám sát tất cả các khâu. Sau khi thịt lợn cập cảng sẽ tiếp tục được lực lượng chức năng kiểm tra một lần nữa trước khi đưa vào nội địa tiêu thụ. “Việc kiểm tra rất chặt chẽ, từ việc mở container, lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra an toàn thực phẩm rồi mới đưa vào nội địa bảo quản tại kho đông lạnh, sau đó được đưa đến các siêu thị rất nhanh chóng. Chỉ trong 2-3 ngày tất cả các thủ tục về kiểm tra an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y đều được xử lí rất nhanh”, ông Phùng Đức Tiến khẳng định.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, thịt ngoại nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam chính là do thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu rẻ hơn thịt trong nước. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại bị gỡ bỏ, thị trường thực phẩm trong nước có sự liên thông nhất định với thị trường nước ngoài. Vì vậy, muốn giữ vững thị phần, thực phẩm trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế chi phí sản xuất hướng đến hạ giá thành sản phẩm.

Thanh Giang - Hạnh Nhân