Phòng chống Covid-19: Không bỏ qua sốt xuất huyết
Gần đây, trường hợp bệnh nhân T.N.K có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với SARS-CoV-2 khiến dư luận rất xôn xao, lo lắng. Không ít người “thở phào” may mắn khi Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm Realtime PCR của bệnh nhân là âm tính.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, bệnh nhân này được xác định nhiễm sốt xuất huyết (SXH) như một lời cảnh báo: ngoài dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh SXH cũng đang vào mùa.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng mắc SXH ở Việt Nam không ổn định, các đợt cao điểm thường vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.
Năm 2019, cả nước ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm SXH – tăng hơn 3 lần so với năm 2018 với hơn 10 ca tử vong. Cùng với đó là sự quá tải của các cơ sở y tế trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh.
BS.Đồng Minh Hùng - Trưởng khoa Nhiễm BV đa khoa Đồng Nai cho biết, trong đợt cao điểm của dịch SXH năm 2019, cả 2 khoa Nhiễm khu A và B của bệnh viện đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân điều trị SXH. Có thời điểm, mỗi tuần BV đa khoa Đồng Nai điều trị cho từ 1-3 ca bị sốc SXH. Bệnh nhân bị sốc SXH phải được truyền dịch, cao phân tử, truyền máu, thậm chí có lúc cần truyền tiểu cầu.
Tại TP Hồ Chí Minh, tuần qua ghi nhận 121 người mắc SXH, tăng so với trung bình 4 tuần trước. Mặc dù số ca mắc tích luỹ từ đầu năm đến nay tại TP Hồ Chí Minh giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã xuất hiện các ổ dịch nhỏ, lẻ tại 4 phường, xã thuộc 3 quận huyện.
BS.Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, trên địa bàn TP hiện có trên 10 ngàn điểm nguy cơ, đó là những nơi thường xuyên tập trung đông người, nhà trọ, công trình xây dựng, địa điểm tôn giáo…Hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đã có sự xuất hiện các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng (có 2 người mắc SXH trong cùng một khu phố).
Tại An Giang, từ đầu năm 2020 đến nay, thống kê của Sở Y tế An Giang cho biết đã có hơn 800 ca mắc SXH trên toàn tỉnh, trong đó có 171 ca nặng, nhiều địa phương có số ca mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia y tế nhận định, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng mạnh, trong khi một số nơi nguồn nước máy cung cấp yếu, cúp nước thường xuyên, các gia đình tích trữ bằng cách hứng nhỏ giọt vào lu, thùng để dành, đây là môi trường dễ phát sinh muỗi nếu không được xúc rửa thường xuyên.
BS Lê Hồng Nga khuyến cáo: Để phòng chống dịch Covid-19, người dân được khuyến cáo không đi ra ngoài nếu không cần thiết. Chính vì vậy ở nhà thì giành nhiều thời gian hơn để chăm sóc căn nhà của mình, làm sao đảm bảo vệ sinh trong nhà và xung quanh nhà cũng như nhắc nhở hàng xóm, không để phát sinh những điểm lăng quăng sinh sống.
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo, tại Việt Nam các bệnh truyền nhiễm như SXH, tay chân miệng, sốt rét… là những bệnh dịch lưu hành, nhiều dịch bệnh có tính chất phát triển theo mùa, vì vậy công tác phòng, chống trước mùa dịch để giảm tối đa số mắc và tử vong là rất quan trọng. Các cơ quan y tế dự phòng thường xuyên giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch và tham mưu cho các cấp chính quyền, phối hợp với các ban ngành đoàn thể và toàn dân có các biện pháp kịp thời.
Để chủ động kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng đề nghị mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
TP Hồ Chí Minh xuất hiện 6 ổ dịch sốt xuất huyết
Đó là thông tin do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết ngày 4/5. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố, trong tuần qua thành phố ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết mới phát sinh, tăng 2 ổ dịch mới so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 6.478 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm 2019 (21.631 ca) và không có trường hợp tử vong. Riêng trong tuần thứ 18 tuy số ca mắc sốt xuất huyết có giảm hơn 4 trước tuần đó nhưng xuất hiện thêm 6 ổ dịch mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4/24 quận, huyện, tăng thêm 2 ổ dịch mới so với tuần 17.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cho biết, ngành y tế đã tiến hành xử lý phun hoá chất các ổ dịch, thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 15 phường, xã thuộc 5/24 quận, huyện. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng cảnh báo, thành phố bắt đầu bước vào đầu mùa mưa, do đó người dân cần nâng cao nhận thức phòng, ngừa sốt xuất huyết. Trường hợp, người dân lơ là rất dễ xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.
T.Giang