Triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Tránh tâm lý 'xin - cho'

Lê Bảo 05/05/2020 08:00

Một trong đề xuất đáng chú ý của nhiều người dân khi gọi đến Tổng đài 111 tiếp nhận giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg là cần sự vào cuộc của các tổ chức để giám sát. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH đến hết ngày 3/5, tổng đài đã tiếp nhận 35.000 cuộc gọi phản ánh.

Triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Tránh tâm lý 'xin - cho'

Trước ngày 10/5 các địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành hỗ trợ cho đối tượng người có công, hộ nghèo…

Gần 35.000 cuộc gọi sau 3 ngày hoạt động

Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Bộ LĐTB&XH đã có nhiều giải pháp như: Thiết lập đường dây nóng, khởi động Chuyên trang giải đáp và tiếp nhận phản hồi ý kiến của nhân dân về công tác thực hiện gói Hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng. Theo đó các tổ chức, cá nhân có thắc mắc về gói chính sách này có thể truy cập vào đường link của chuyên trang theo địa chỉ: http://bovoinddn.molisa.gov.vn/trang-chu/ho-tro-covid-19. Chuyên trang cung cấp nhiều chuyên mục hữu ích như: Số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết. Những vấn đề thường gặp (những câu hỏi thường gặp và câu trả lời đối với gói hỗ trợ). Bên cạnh đó, Chuyên trang cung cấp nhiều nội dung hữu ích và các văn bản liên quan để người dân và doanh nghiệp tham khảo.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ LĐTB&XH chính thức công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 tiếp nhận giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Tổng đài 111 chính thức bắt đầu tiếp nhận thông tin từ ngày 01/5/2020. Các số điện thoại tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân gồm: 0913.049.567; 0977.976.686; và 0913.378.816.

Sau 3 ngày hoạt động, Tổng đài 111 tiếp nhận 35.000 cuộc gọi của người dân hỏi về chính sách. Theo đó nhiều ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của Chính phủ, ngành LĐTB&XH trong việc triển khai gói hỗ trợ trong1 thời gian ngắn. Đặc biệt, nhiều người dân đánh giá cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, tinh thần làm việc nhiệt tình không kể ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 của các cán bộ UBND cấp xã, phường, cán bộ tổ dân phố, thôn bản trong việc chi trả tới các nhóm người dân nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, đường dây nóng cũng tiếp nhận không ít các ý kiến phản hồi cách làm việc chưa đúng ở nhiều cơ sở trong việc rà soát nhóm người nhận hỗ trợ, nhất là lao động tự do. Bên cạnh đó, đường dây nóng còn ghi nhận việc phản ánh về sự lúng túng trong giải thích, thiếu nhất quán trong thực hiện rà soát, phân loại đối tượng lao động tự do dẫn đến những bức xúc không đáng có. Để có thể công khai đối tượng được hưởng cũng như tránh tâm lý “xin – cho” trong phân loại đối tượng được thụ hưởng ý kiến nhiều người dân kiến nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và giám sát việc triển khai gói 62.000 tỷ đồng. Đặc biệt để việc phân loại, rà soát chính sách “trúng và không lọt đối tượng” cần có sự tham gia vào cuộc của các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ…

Từ ngày 10/5 chi trả cho nhóm LĐ mất việc

Thực tế phản ánh từ các địa phương cho thấy, việc rà soát đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng gặp không ít khó khăn, nhất là đối tượng lao động thuộc diện tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19, lao động tự do…Xuất phát từ thực tế này, hiện Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Bộ hỏi - đáp hướng dẫn các địa phương thực hiện theo các nhóm đối tượng, công bố công khai trên trang điện tử của Bộ LĐTB&XH, đồng thời Bộ cũng công bố 8 bộ nhận diện bằng hình ảnh (điều kiện, mức hỗ trợ, quy trình thủ tục) đối với từng nhóm đối tượng theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu, cán bộ các cấp hiểu rõ trong việc hướng dẫn trong quá trình thực hiện.
Về việc triển khai hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, thống kê báo cáo nhanh của 63 Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố, tổng số đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được rà soát, xây dựng danh sách hỗ trợ là gần 12,340 triệu đối tượng (gần 1,1 triệu người có công hưởng trợ cấp hàng tháng; trên 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trên 8,2 triệu nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo), ước tính tổng kinh phí thực hiện khoảng 12.356 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 3/5/2020 có 08 tỉnh, thành phố (Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thừa Thiên- Huế, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang) đã thực hiện chi trả xong với tổng số tiền chi trả khoảng 1.519 tỷ đồng cho 1,347 triệu người. Các địa phương còn lại cũng đã hoàn thành từng địa bàn huyện, dự kiến trước ngày 10/5/2020 cả nước thực hiện xong chi trả cho nhóm đối tượng này.

Về nhóm đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, hộ kinh doanh mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng chính sách để trả lương cho người lao động các địa phương đang tiến hành rà soát, lập danh sách…Hiện có 36/63 Sở LĐTB&XH báo cáo sơ bộ kết quả rà soát danh sách cho nhóm đối tượng trên, với khoảng trên 4 triệu lao động được hỗ trợ với kinh phí hỗ trợ 1 tháng khoảng gần 7.200 tỷ đồng. Dự kiến từ ngày 10/5/2020 trở đi sẽ chi trả cho nhóm đối tượng này.

Đối với nhóm lao động di cư- đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, không phải người LĐ nào mất việc làm, giảm thu nhập trong dịch Covid-19 cũng được hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ theo nguyên tắc hỗ trợ người bị ảnh hưởng sâu, mất việc làm, người dân mất sinh kế, nhưng có mức sống, mức thu nhập dưới mức tối thiểu. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách. Do đó, nếu người hưởng thuộc nhiều đối tượng thuộc nhiều chính sách khác nhau sẽ được chọn và hưởng một chính sách cao nhất. Với nhóm lao động tự do không có hợp đồng LĐ sẽ lấy mức thu nhập chuẩn nghèo để đối chiếu. Những người là LĐ tự do nhưng có mức thu nhập tốt, có mức sống trên chuẩn nghèo cũng không được nhận hỗ trợ.

Lê Bảo