Gian nan số hóa di sản
Trong thời đại công nghiệp 4.0 việc số hóa di sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Thế nhưng việc số hóa các di sản tại Việt Nam lại đang là một hành trình đầy gian nan.
Các di tích cần được số hóa để việc quản lý dễ dàng hơn.
Sau 2 năm triển khai, mới đây Viện Bảo tồn di tích vừa chính thức vận hành trang web “Ngân hàng số về di tích và công tác bảo tồn di tích” (http://ditich.vn/FrontEnd). Tại trang thông tin này, Viện Bảo tồn di tích cung cấp rộng rãi nhiều hồ sơ khoa học, đề tài nghiên cứu, dự án, trùng tu... về hàng nghìn di tích trên cả nước… Đây là một phần kết quả hoạt động nghiên cứu, khoa học của Viện Bảo tồn di tích trong suốt gần nửa thập kỷ qua. Việc xây dựng và vận hành “Ngân hàng số về di tích và công tác bảo tồn di tích” là hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 trong lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản, tạo ra nhiều trải nghiệm mới. Từ các sản phẩm đã được số hóa, di sản sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính các di sản này. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực vẫn còn đó những hạn chế.
Theo KTS Hoàng Đạo Cương -Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.500 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Với những biến động về tự nhiên và điều kiện xã hội đã cho thấy tính cần thiết của công tác số hoá dữ liệu di tích để đảm bảo giữ gìn được tính nguyên gốc của các di tích.
Tuy nhiên, theo KTS Hoàng Đạo Cương, hiện trang web vẫn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm nên việc triển khai công tác này vẫn còn lác đác và gặp nhiều hạn chế. Những tài liệu ghi chép bằng tay, các bản vẽ thiết kế bằng giấy dó nguyên gốc của hàng nghìn di tích trên cả nước hiện đang được cất giữ tại Viện Bảo tồn Di tích. Từ 2 năm nay, Viện triển khai đưa các tài liệu này thành dữ liệu số nhằm mục đích chính là bảo quản và quảng bá. Trên thực tế với 1 chiếc máy scan khổ lớn, với số lượng nhân sự thực hiện toàn dự án khoảng 10 người. Để đưa được hồ sơ của một di tích lên dữ liệu số, đòi hỏi các cán bộ phải rà lại toàn bộ dữ liệu trong kho lưu trữ, sau đó đi khảo sát thực tế hiện trạng và cập nhật bổ sung thông tin nghiên cứu mới. Với các địa phương gần, công việc này cũng đòi hỏi thời gian hàng tháng chứ chưa tính đến các tỉnh xa. Để đạt mục tiêu mỗi năm xây dựng khoảng 2.000 hồ sơ trên ngân hàng số, vai trò của các địa phương rất lớn. Ninh Bình được biết đến là một trong những địa phương chủ động thực hiện xây dựng hồ sơ điều tra di tích. “Từ sản phẩm đã được số hóa, di sản sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, từ đó góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản đó”-KTS Hoàng Đạo Cương cho biết.
Có thể thấy, câu chuyện số hóa và bảo tồn di tích vẫn đang là một hành trình dài đầy gian nan. Đơn cử ngay tại Hà Nội là câu chuyện ở đình Lương Xá mới đây đã được “phù phép” thành mới tinh bằng những vật liệu, cấu kiện hoàn toàn xa lạ với yếu tố gốc sau khi tôn tạo. Hay chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai) vì tắc trách trong công tác quản lý đã bị nhà chùa và người dân tự ý xây dựng các công trình mới trong khuôn viên di tích; sử dụng màu sắc, nguyên liệu, trưng bày hiện vật… không phù hợp với cảnh quan, không gian văn hóa. Ở đó cho thấy, dù đã có Luật Di sản văn hóa cũng như nghị định, thông tư hướng dẫn, có Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố nhưng nhiều vi phạm vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời.
Lý giải về câu chuyện này, PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng, cùng với việc tìm hướng hạn chế sai phạm trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, điều cần quan tâm hiện nay là xem xét, đánh giá việc thực thi Luật Di sản văn hóa tại các địa phương như thế nào, công tác giám sát, quản lý di tích của chính quyền địa phương đã hiệu quả chưa... Đó là việc cần làm ngay bởi thực tế cho thấy, liên quan đến việc tu bổ, tôn tạo di tích, nếu vấn đề được trao đổi rộng rãi, có ý kiến góp ý của giới nghiên cứu và quá trình tu bổ được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt của bộ phận tư vấn, chính quyền địa phương và cộng đồng thì sẽ khó nảy sinh vi phạm. Về lâu dài, chúng ta cần duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản của cán bộ, nhân dân, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.